Em vẫn như chú mèo hoang, lang thang khắp mọi ngõ ngách của khu xóm. Lặng lẽ ngồi một mình ở góc cửa sổ, hành lang, ánh mắt nhìn một cách vô định…[mecloud]OySHaOHid2[/mecloud]
Câu chuyện về cậu bé “Người rừng” ở thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) cách đây hơn 1 năm, khiến dư luận xôn xao khi giữa cuộc sống hiện đại vẫn còn một cậu bé không tên, không hộ khẩu, ăn lông ở lỗ chẳng khác… người ở trên rừng.
Nghe bảo sau đợt ấy, chính quyền và các đoàn thể quan tâm đến em hơn.
Giữa cái lạnh tê tái của đông muộn, tôi trở lại thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền thăm gia đình của em.
Cậu bé "người rừng" Nguyễn Văn Hiếu |
Cậu bé “Người rừng” hiện đã có tên, Nguyễn Văn Hiếu là tên đầy đủ của em. Tuy nhiên, hỏi bà con lối xóm tên thật em là gì, ai cũng ngơ ngác. Họ vẫn quen gọi em là cu Lớn để phân biệt với đứa em trai tên cu Nhỏ. Hai anh em cu Lớn, cu Nhỏ vẫn sống cùng mẹ là chị Nguyễn Thị Thanh Minh (38 tuổi) trong căn nhà cũ nát năm xưa.
Mặc dù, từ tháng 3/2015, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã xây dựng một căn nhà tình nghĩa khang trang ở cạnh đó cho ba mẹ con nhưng họ chưa chịu lên ở. Lý do mà bà mẹ đưa ra là trên nhà mới nóng, không quen, có ở thì tết mới lên.
Ngôi nhà mới được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm xây dựng cho ba mẹ con. |
Nhưng hiện tại, ba mẹ con vẫn sống trong căn nhà này |
Đoạn ngã rẽ vào thôn Sư Lỗ, tôi bắt gặp cu Nhỏ. Em đang trèo hái khế ở nhà hàng xóm. Giữa tiết trời lạnh giá, hình ảnh cu Nhỏ đi chân đất, mặc mỗi chiếc áo phông, quần đùi đã sờn vải, tay em với hái những quả khế cao quá tầm người, trông thật xót xa. Nói chuyện với tôi, thi thoảng có cơn gió lạnh lùa qua, người em lại khẽ run lên, nói không thành tiếng. Em bảo hái khế về để mẹ nấu canh chua với cá ngạnh.
Em dẫn tôi về nơi em ở. Căn nhà mới xây khóa cửa, không hề bóng người. Trong căn nhà tuềnh toàng, dột nát phía sau đó, mẹ em, đang loay hoay nhóm lửa. Nói là nhà nhưng chẳng khác một căn nhà kho với bao thứ hỗn độn: quần áo cũ rơi vãi đầy nền nhà, củi gỗ dựng lộn xộn, chai lọ ở khắp mọi nơi, một chiếc giường gãy hết chân và trên mái nhà chỗ dột còn nhiều hơn chỗ không dột với mái ngói đã vỡ nát đi nhiều…
Bên trong căn nhà ba mẹ con cậu bé người rừng đang ở. |
Thấy tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Minh tỏ ra khá ngại ngùng. Chị bảo, tối lên nhà mới ngủ, ban ngày chỉ ở đây thôi. Nhưng cu Nhỏ thì thầm với tôi, cả ngày mẹ bắt hai anh em ở dưới đây. “Thế em ngủ ở đâu, khi không có giường, nhà thì dột nước?”, cu Nhỏ chỉ tay về đống quần áo cũ. Hóa ra, đêm đến, ba mẹ con chui rúc trong đống quần áo cũ ấy và trùm áo mưa lên rồi đi ngủ.
Tối đến họ sẽ rúc vào đống quần áo cũ này rồi trùm áo mưa đi ngủ.
Cu Nhỏ cũng đã có tên, em tên Nguyễn Văn Hiền. Năm nay, Nhỏ đã 12 tuổi nhưng vẫn ở nhà không đi học. Nghe bảo, đầu năm học vừa rồi, các đoàn thể địa phương cũng đã đến động viên em đến trường, bằng việc mua quần áo mới, sách vở nhưng đi học được 1 tuần em không đi nữa. Tôi hỏi, cu Nhỏ không thích đi học à? Em trả lời: “Có nhưng mẹ bắt ở nhà… đi chợ”.
Lúc tôi đến, cu Lớn không có ở nhà. Chị Minh bảo: “Cả ngày nó đi, đến bữa ăn nó về, ăn xong nó lại đi, tối đến nó lại về ngủ”.
Cu Nhỏ dẫn tôi đi khắp xóm tìm anh trai. Đi mãi, tôi với cu Nhỏ vẫn chưa tìm ra em. Hỏi bà con lối xóm, người bảo mới thấy nó ở góc nhà ông A. Người bảo mới thấy nó nghịch với mấy chú chó nhà bà B...
Cu Lớn như con mèo hoang vậy. Em hay lang thang khắp mọi ngõ ngách của khu xóm. Một người dân cho biết, em thích ngồi lặng lẽ một mình nơi góc cửa sổ nhà văn hóa của thôn.
Rồi tôi cũng thấy cu Lớn, em đang đi lang thang giữa con đường đất. Em đã cao hơn trông thấy, trên người chỉ khoác mỗi chiếc áo sơ-mi cũ kỹ, phủ cả phần dưới. Em vẫn vậy, không thích mặc quần. Mái tóc dài quá vai, khuôn mặt nhem nhuốc, ánh mắt ngây dại, trông em hoang dã đến tội nghiệp.
Rất ít khi thấy nụ cười của cậu bé "người rừng" |
Nhìn thấy tôi, em vội bỏ chạy, miệng lẩm bẩm. Tôi nhẹ nhàng theo sau. Em chạy lên nhà văn hóa thôn, rồi lại leo lên ngồi ở góc cửa sổ quen thuộc. Tôi tiến gần, em nhìn tôi tỏ vẻ khó chịu. Tôi định bắt chuyện, em lại chạy sang nhà hàng xóm, ngồi ở góc hành lang… Em ngồi đó, chẳng ai để ý đến em, dường như em trở thành người “vô hình” với những người xung quanh.
Em chỉ thích ngồi lặng lẽ một mình. |
Quanh câu chuyện của gia đình cu Lớn, tôi ngồi nói chuyện với bác Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng thôn Sư Lỗ. Bác Thành cho biết, trong ba mẹ con chị Minh thì bà mẹ với cu Lớn là có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, khi điên khi tỉnh. Mỗi cu Nhỏ là bình thường. Sau đợt năm ngoái, chính quyền địa phương có làm hộ khẩu cho ba mẹ con ở cùng bà chị gái. Hàng tháng, ba mẹ con được hỗ trợ khoảng hơn 900.000 đồng, rồi thi thoảng các nhà hảo tâm lại đến cho gạo, mỳ tôm.
Với cu Nhỏ, đoàn thể phụ nữ, cô giáo trường cấp 1 có đến động viên đi học nhưng đi được thời gian thì nghỉ. Đánh giá về em, bác Thành bảo, cu Nhỏ tính hiền lành, ngoan, thật thà, ai gọi làm việc vặt gì cũng nhanh nhảu làm liền. Bởi vậy, em thường được bà con lối xóm nhờ làm mấy việc nhỏ, sau mỗi lần vậy họ lại cho em nắm xôi, gói mỳ tôm hay ít tiền. Còn về cu Lớn, bấy lâu nay nhìn chung vẫn vô hại với người xung quanh. Nhưng bác Thành chia sẻ, cu Lớn ngày càng lớn, việc em không mặc gì trông rất phản cảm. Với lại, em đang tuổi dậy thì, lại thường thoắt ẩn, thoắt hiện, nhiều phụ huynh có con gái đi học thêm về ban đêm tỏ ra rất lo ngại.
“Trong các cuộc họp, phía thôn cũng đề xuất đưa cu Lớn đến một trung tâm nào đó, chứ ở mãi như thế nhiều bà con có con gái là học sinh mới lớn rất lo lắng”, bác Thành cho biết thêm.
Còn chuyện ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Minh chưa chịu lên ở nhà mới. Bác Thành bảo, đang bàn với anh em, họ hàng chị Minh tháo dỡ, đập bỏ căn nhà cũ. Khi đã không còn căn nhà cũ thì buộc ba mẹ con phải lên ở căn nhà mới.
Tạm biệt bác Thành, ba mẹ con chị Minh, trên quãng đường về, ngoài hình ảnh cậu bé “người rừng” cu Lớn ngồi ở góc cửa sổ ám ảnh tâm trí, thì hình ảnh cu Nhỏ vẫn khiến tôi phải suy nghĩ. Chắc hẳn, mẹ và anh trai như vậy, một mai lớn lên, cuộc sống này sẽ không thật sự dễ dàng đối với em.
Lê Kông