Con trai mắc phải căn bệnh hiếm gặp, hai vợ chồng chị Nhi và anh Quang đã không ngần ngại gác lại ước mơ của bản thân để dành hết thời gian chăm sóc cho con. Bởi với anh chị sự nghiệp thì có thể làm lại, nhưng với con cái thì bố mẹ không có cơ hội thứ hai.
Cuộc đời luôn xuất hiện những ngã rẽ bất ngờ buộc ta phải lựa chọn đánh đổi hay bước sang một con đường mới. Và câu chuyện của hai vợ chồng trẻ ở quán chè Mẹ Siêu Nhân (TP.HCM) là minh chứng cho những ngã rẽ mà ở đó, người là cha làm mẹ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp của mình để cho con một tương lai tốt đẹp nhất.
Cậu con trai nhỏ của anh Lê Văn Quang (30 tuổi) và chị Lương Thị Nhi (28 tuổi) mang một cái tên đặc biệt - Lê Quang Thạc, nhằm ghi dấu sự kiện cậu bé được sinh ra sau khi cả hai vợ chồng đều bảo vệ thành công luận án thạc sĩ vào năm 2016.
Đến khi được 10 tháng tuổi, Thạc có nhiều biểu hiện bất thường so với những đứa trẻ cùng trang lứa, thấy vậy chị Nhi vội đưa con đến bác sĩ khám bệnh. Người mẹ trẻ đã khóc rất nhiều, thậm chí đưa con đi khám lần hai vì không tin vào kết quả của bác sĩ, Thạc mắc một chứng bệnh về não hiếm gặp, các tài liệu y khoa trên thế giới cho biết những đứa trẻ mắc căn bệnh này thường không sống quá 10 tuổi.
Được 10 tháng tuổi nhưng thân thể Thạc yếu ớt và không có phản xạ với những tác động bên ngoài. Cậu nhỏ ngày càng trở nên thụ động với người lạ. Thấy vậy chị Nhị quyết định gác lại hết những dự định của cá nhân để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con.
Trước đó chị từng dự định sẽ trở thành giảng viên sau khi nhận bằng thạc sĩ. Đồng thời đề tài luận án thạc sĩ của chị Nhi được thầy hướng dẫn đánh giá rất cao, thầy đã từng khuyên chị nên đăng ký đề tài này khi làm luận án tiến sĩ. Thế nhưng khi con bệnh, chị quyết định gác lại ước mơ của bản thân để bước rẽ qua 1 con đường mới.
Chị tâm sự: Sinh một đứa con ra thì mình phải có trách nhiệm với nó. Việc giáo dục con từ 0 -3 tuổi là quan trọng nhất đối với một đứa trẻ, ảnh hưởng đến cả cuộc đời con sau này, thế nên chỉ muốn dành thời gian để chăm sóc con tốt nhất". Tham khảo các phương pháp trên thế giới, hai vợ chồng chị Nhi quyết định mở quán chè này với mong muốn tạo cho con một không gian mở, có cơ hội giao tiếp với nhiều người và trở nên mạnh dạn hơn.
Thời gian đầu một mình chị Nhi vừa chăm con vừa bán chè, việc lúc nào cũng quá tải. Thấy vợ quá vất vả, và con trai cũng không có nhiều tiến bộ, anh Quang đã nộp đơn xin nghỉ việc để đồng hành cùng vợ trên con đường giúp con hoà nhập với cuộc sống.
"Sự nghiệp thì có thể làm lại, nhưng với con cái thì bố mẹ không có cơ hội thứ 2. Chính vì vậy anh chị không hề nuối tiếc những gì đã bỏ lỡ" - anh Quang chia sẻ. Mỗi ngày anh phụ vợ nấu nướng rồi đưa Thạc đi bơi, đi vật lý trị liệu, tập cho con từng bước đi...
Khó khăn nhất khi chăm sóc Thạc là những khi bé bị co giật, vì ảnh hưởng nhiều đến não. Chị Nhi kể nhiều lúc ngủ mà ám ảnh không biết con có bị co giật hay không. Thế nhưng từ ngày mở quán chè, Thạc cởi mở hơn với mọi người, tinh thần thoải mái hơn nên sức khoẻ cậu cũng có nhiều tiến bộ.
Cậu anh hai tên Thiện cũng là một nhân tố giúp em Thạc ngày càng lanh lợi hơn. Mỗi ngày 3 bố con chơi đùa với nhau rồi phụ mẹ bán chè, cuộc sống bỗng chốc đơn giản mà hạnh phúc đến lạ thường.
Quán chè được lấy tên là Mẹ Siêu Nhân, bắt nguồn từ tên của một clb có tên CLB Gia đình siêu nhân - dành cho các gia đình có con bị tổn thương não. Mẹ siêu nhân là mẹ của những cậu nhóc, cô nhóc luôn kiên cường vượt qua căn bệnh của mình, cũng là người mẹ nghị lực luôn mạnh mẽ để cùng con đối diện với điều không may mắn.
Chị Nhi vui vẻ tâm sự: "Nhiều người hỏi anh chị có tiếc nuối vì phải từ bỏ ước mơ, sự nghiệp của bản thân để chăm sóc cho con? Anh Chị không hề hối hận, bởi Thạc mới chính là sự nghiệp lớn nhất của cuộc đời anh chị. Nhìn thấy con mỗi ngày một lanh lợi, cởi mở là anh chị đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi!".
Lissencephaly, có nghĩa là não mịn, là một rối loạn hình thành não hiếm gặp gây ra bởi tế bào thần kinh bị khiếm khuyết trong ngày thứ 12 đến tuần thứ 24 của thai kỳ dẫn đến thiếu sự phát triển của nếp nhăn (gyri) và rãnh (sulci). Đây là một rối loạn hình thành não hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh là 1/100.000 và việc chữa trị hầu như không có. Trẻ em mắc phải bệnh lissencephaly thường chậm phát triển, gây khó khăn cho việc học tập hay sinh hoạt thường ngày, chúng còn bị co thắt cơ, co giật. Người mắc bệnh này thường chết trước 10 tuổi.
Toàn Nguyễn