“Bộ không đặt ra tỷ lệ đỗ là bao nhiêu, nó phụ thuộc vào trình độ của học sinh"; "không có chuyện sợ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp mà ép thí sinh thi tại cơ sở", là khẳng định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trước ý kiến lo ngại: tổ chức kỳ thi quốc gia, Bộ có sợ lộ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp?".
Trước câu hỏi của phóng viên, khi tổ chức kỳ thi quốc gia , Bộ có ngại lộ kết quả không tốt và liệu có nguy cơ xảy ra tình trạng ép thí sinh thi tại cơ sở tổ chức chứ không phải kỳ thi do Bộ tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Bộ không đặt ra tỷ lệ đỗ là bao nhiêu, nó phụ thuộc vào trình độ của học sinh. Điểm thi của thí sinh năm nay (2015) sẽ được công khai trên các trang mạng”.
Bổ sung phần trả lời của ông Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định, không thể có chuyện sợ tỷ lệ tốt nghiệp thấp mà ép thí sinh thi tại địa phương.
“Không ai có thể ép được thí sinh, địa phương nào làm thế sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Ga nói.
Liên quan đến công tác tổ chức thi khi các trường ĐH được giao quyền kỳ thi quốc gia, liệu có xảy ra tình trạng lơ là, thiếu trách nhiệm, hoặc xuất hiện các khả năng tiêu cực?, Thứ trưởng Hiển cho rằng, điều này không thể xảy ra. Bộ cũng sẽ tính toán để không xảy ra tình trạng quá tải cho các cụm, điểm thi.
Về đề thi, ông Hiển tiết lộ: “Đề thi không tách riêng phần cho thí sinh tốt nghiệp và thí sinh thi tuyển sinh nhưng trong đề sẽ có những nội dung đáp ứng kiến thức cơ bảng để các thí sinh thi đỗ tốt nghiệp và có phần phân hoá để thí sinh đỗ đại học”. Ngoài ra, điểm chuân đỗ tốt nghiệp sẽ ở mức thấp, và điểm chuẩn đại học thì ở mức cao hơn.
Trước đó, như tin tức đã đưa, trong buổi họp báo chiều nay, Bộ GD-ĐT đã bố phương án chính thức của kỳ thi quốc gia. Theo đó, kỳ thi này sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6 với 4 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc, gồm: Toán, Ngữ Văn, và một môn tự chọn Ngoại Ngữ trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Về môn thi, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
Dề thi các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. Đề thi sẽ ra theo hướng đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Về tổ chức thi, việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.
H.Minh (Theo Người Đưa Tin)