Mới đây, vị chủ tịch trẻ tuổi quyền lực điển trai của Ngân hàng ACB đã có những chia sẻ về sự nghiệp, công việc và gia đình.
Mới đây, tại chương trình "Những bài học thực tế từ doanh nghiệp gia đình thời hội nhập", diễn ra tại TP HCM chiều 11/4, Trần Hùng Huy đã có những chia sẻ rất thẳng thắn.
Tại chương trình, trả lời PV Vnexpress với câu hỏi: “- Là con sếp, anh thường gặp phải những áp lực gì?”, Trần Hùng Huy cho biết: “Bản thân tôi thấy không có gì phải áp lực cả, ngược lại rất sướng. Vì là con sếp, tôi có thể được chọn những vị trí công việc khác nhau theo sở thích và sở trường tại công ty. Hơn nữa, cái đáng quý nhất với tôi chính là ba mẹ không hề can thiệp vào công việc mà để mình tự lực. Thực ra, vị trí đầu tiên tôi vào ACB làm khi vừa ở Mỹ về là nhân viên bán hàng và ngay cả ba mẹ cũng không biết. Lúc đó rất tình cờ, ACB có tuyển dụng, Huy nộp đơn và trúng tuyển. Ngày đầu tiên đi làm, do đi chung xe với ba mẹ nên lúc đó mọi người mới biết là tôi làm ở ACB.
Chủ tịch Ngân hàng ACB
Sau một thời gian làm việc và phần nào chứng tỏ được năng lực của mình, tôi mới tận dụng cơ hội con sếp, bắt đầu đề xuất là muốn làm ở những vị trí này, hay vị trí kia. Nhờ đó, tôi đã được trải qua rất nhiều vai trò khác nhau và học được không ít kinh nghiệm tại ACB”.
Hùng Huy cũng cho hay, mình làm Chủ tịch ACB không phải là sự nối tiếp chiếc ghế của cha mà có sự gián đoạn.
Năm 2012 khi ACB gặp sóng gió, ngân hàng cần một người đứng ra đảm nhận chức chủ tịch để lèo lái con thuyền ACB. Lúc đó, bản thân Hùng Huy là người gắn bó khá lâu với ngân hàng, am hiểu nhân viên lại có mối quan hệ mật thiết với các thành viên sáng lập. Do đó, anh được đánh giá là người thích hợp nhất trong việc gắn kết các cán bộ nhân viên cũng như các thành viên hội đồng quản trị để tạo ra sức mạnh nhằm chèo chống ACB vượt qua khó khăn nên được đề bạt.
“Tôi quan niệm rằng, để vượt qua cái bóng của các bậc tiền bối là rất khó, nên mình sẽ chọn cách đứng trên vai họ thì khi đó, chắc chắn sẽ tạo ra cái bóng lớn hơn. Nhưng làm thế nào để những người này cho mình đứng trên vai họ thực sự là điều không dễ.
Cái may đối với tôi là trước đây từng trải qua nhiều vị trí công việc và được làm cấp dưới của các bậc tiền bối này nên cũng phần nào hiểu nhau. Đa phần những người đi trước này, họ cảm thấy tự hào vì là người đã từng đào tạo Huy nên luôn muốn hỗ trợ học trò của mình sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Điều đó có nghĩa là, tôi không phải vượt qua cái bóng của họ mà là được đứng trên vai họ để tạo ra cái bóng lớn hơn”, Trần Hung Huy chia sẻ trên Vnexpress.
30 tuổi, Trần Hùng Huy đã là thành viên HĐQT trước những đồn đoán được "trải thảm đỏ". 4 năm sau, đúng lúc Ngân hàng Á Châu gặp sóng gió, Huy nhận chức chủ tịch.
Sinh năm 1978 trong một gia đình có truyền thống làm ngân hàng, Trần Hùng Huy được giới tài chính xếp vào dạng con nhà nòi.
Ông Trần Mộng Hùng bố Huy là banker kỳ cựu, một trong những nhà sáng lập ACB và được ví như linh hồn của ngân hàng. Mẹ anh, bà Đặng Thu Thủy, cũng làm việc tại ACB từ khi nhà băng mới thành lập và nắm nhiều chức vụ quan trọng. Hiện tại, bà Thủy giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB.
Bản thân Trần Hùng Huy được đào tạo bài bản và gắn bó với nghề ngân hàng chục năm nay. Anh tốt nghiệp cử nhân 3 chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000. 2 năm sau, anh nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Chapman, bang California (Mỹ). Đến năm 33 tuổi, Trần Hùng Huy lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Golden Gate, Mỹ.
Con trai nhà sáng lập Trần Mộng Hùng khởi nghiệp với vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường tại chính ACB từ năm 2002. Hai năm sau, anh lên làm Giám đốc Marketing của ACB. Ở tuổi 30, anh đã là thành viên HĐQT và tiếp tục trở thành Phó tổng giám đốc ngân hàng lúc bước sang tuổi 32.
Trong danh mục tài sản, Trần Hùng Huy cùng những người thân trong gia đình cũng nắm giữ lượng lớn cổ phần Ngân hàng ACB. Trong đó, Hùng Huy nắm cổ phần nhiều hơn cả ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy. Các thành viên còn lại trong gia đình Trần Hùng Huy cũng sở hữu nhiều cổ phiếu của ACB như: Chị gái Trần Đặng Thu Thảo, chú Trần Phú Mỹ, cô Trần Tuyết Nga.
Khi thị trường chứng khoán ở đỉnh cao năm 2007, cũng là lúc giá trị cổ phiếu ACB mà Hùng Huy cùng gia đình nắm giữ lên đến gần 4.700 tỷ đồng, tăng gần gấp 2,5 lần năm liền trước. Riêng số cổ phiếu do anh đứng tên năm đó có giá gần 1.370 tỷ đồng, còn của cha Trần Mộng Hùng là 1.130 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 06/2014, gia đìnhTrần Hùng Huy sở hữu gần 52.5 triệu cp, chiếm tỷ lệ 8.36% và tương đương hơn 800 tỷ đồng nếu tính theo giá giao dịch ngày 30/07/2014 ở mức 15,400 đồng/cp.
Tại thời điểm năm 2015, tại ACB, ba thành viên trong gia đình vị Chủ tịch bao gồm ông Trần Hùng Huy, ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy đều đang nằm trong HĐQT ngân hàng ACB. Tổng cổ phần nắm giữ của cả gia đình gần 52.5 triệu cp, chiếm tỷ lệ 8.36%, tính đến T6/2014.
Nam Nam (Tổng hợp)