Mới đây, công ty vàng Cửu Long Jewelry của đại gia Hùng “Cửu Long” đã bị tố cáo tặng vàng giả trong đám cưới cộng đồng người khiếm thị.
Trước đó, vào ngày 19/9/2014, Chi hội Giáo viên ngành trang điểm thẩm mỹ - thuộc Hội Dạy nghề TP.HCM tổ chức đám cưới cho 20 cặp cô dâu – chú rể là người khiếm thị tham gia đám cưới vì cộng đồng. Tại đây, Công ty vàng Cửu Long Jewelry (Q.1, TP.HCM) là đơn vị nhận tài trợ nhẫn cưới với mỗi cặp nhẫn trị giá 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, các cặp vợ chồng khiếm thị được tặng nhẫn phát hiện là vàng giả, vàng 2 tuổi, liền tìm đến BTC và đơn vị tài trợ hỏi.
Trao đổi với báo Thanh niên, chị Tuyết Nga (ngụ ở tỉnh Đồng Tháp) cho hay vợ chồng chị đã bỏ công việc bán vé số dạo mấy ngày trời, phải vay mượn để có tiền đi xe đò lên xuống TP.HCM mấy lần khi tham gia đám cưới tập thể này. “Ban đầu tụi tui rất mừng vì người ta quan tâm tổ chức đám cưới cho mình, lại tặng mình cặp nhẫn 6 triệu đồng làm vốn. Ai mà ngờ vàng giả…".
Trước vụ việc trên, chiều 7-1, theo nguồn tin trên báo Công An TP.HCM, tại Cơ sở Từ thiện chùa Vũ Quang 2, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM, bà Cao Thị Mỹ Vàng, Giám đốc Công ty vàng Cửu Long Jewelry cho biết: “Trước sự cố đáng tiếc này, chúng tôi nói lời xin lỗi đến với các bạn khiếm thị. Khi làm chiếc nhẫn cưới, nhân viên công ty chúng tôi ra sức làm theo kiểu dáng, mẫu mã thật tinh tế nhằm mang lại giá trị tinh thần to lớn. Mỗi cặp nhẫn đều mang ý nghĩa để thân ái gửi tặng các bạn. Theo giá trị hợp đồng là mỗi cặp nhẫn chỉ trị giá 2,5 triệu đồng cho một cặp đôi, chứ không phải là 6 triệu đồng như thông tin ban đầu. Bây giờ các bạn khiếm thị muốn trả lại nhẫn để đổi lấy số tiền 2,5 triệu đồng, công ty sẵn sàng hợp tác”.
Bà Vàng - vợ đại gia Hùng "cửu long" chính thức xin lỗi các cặp vợ chồng khiếm thị. Ảnh: báo CA TP. HCM
Mặt khác, theo đại diện nhà tài trợ, doanh nghiệp này sẽ thu đổi nhẫn cưới của không chỉ 11 cặp khiếm thị mà cả với 9 cặp nhẫn của những người sáng mắt đã tham gia Đám cưới vì cộng đồng, với mức giá theo hợp đồng là 2,5 triệu đồng/cặp nhẫn, đồng thời sẽ bù đắp chi phí di chuyển cho những người ở xa. Với những cô dâu – chú rể muốn giữ nhẫn cưới làm kỷ niệm thì nhà tài trợ sẽ có sự thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, cũng theo báo Công An TP.HCM, chị Huệ, một người khiếm thị bức xúc, bày tỏ: “Em không chấp nhận sai lầm của phía Công ty vàng Cửu Long vì có hợp đồng rồi sao mà lầm lẫn được. Tụi em đi đến đây cực khổ lắm, nào tiền xe ôm, sắp xếp chuyện công việc ở nhà. Nhưng buồn hơn cả là chúng em bị lừa dối. Nếu nói cặp nhẫn theo hợp đồng là 2,5 triệu đồng thì công ty vàng cứ làm đúng vàng thật theo chừng đó tiền. Đằng này em đem ra tiệm thì nghe người ta nói vàng giả, 10 ngàn cũng không mua chứ đừng nói 6 triệu. Em xấu hổ không dám nói với gia đình về chuyện này. Em cảm thấy công ty và đơn vị tổ chức đã không tôn trọng những người khiếm thị.
Các cô dâu mang vàng đi đổi. Ảnh: báo CA TP.HCM
Trên Facebook của mình, vị doanh nhân đại gia Hùng "Cửu Long" cũng xác nhận sự việc. Ông chia sẻ: "Trong đời có lúc làm đúng có khi làm sai...sai thì sữa và thành tâm nhận lỗi ...khắc phục cái lỗi khách hàng sẽ bỏ qua...Uy tín ..thuơng hiệu ..không tự nhiên mà có ....phải tích luỹ bằng máu ..nước mắt ...mồ hôi...cùng bao công sức ngày đêm cả cuộc đời...mới có được ..Hy vọng rằng xã hội ...khách hàng..tin Cuu Long jewelry .."
Chia sẻ trên Facebook của đại gia Hùng "cửu long"
Doanh nhân Hùng "Cửu Long"
Hùng "Cửu Long” tên thật là Lê Đình Hùng. Nhiều người nhớ đến ông không chỉ vì tà áo dài ông luôn mặc hay những phát ngôn ngông và thẳng quá mức cần thiết, mà còn vì chính cuộc đời của ông.
Hùng Cửu Long khởi nghiệp với công việc của một phu đào đá sapphire ở Di Linh. Ông một thân một mình lên Sài Gòn, không bằng cấp, xin việc không ai nhận. Người bạn cũ đã giới thiệu Lê Đình Hùng vào làm thợ cho một công ty vàng bạc đá quý.
Tuy nhiên, công việc không hề dễ dàng gì và gặp vô vàn gian nan, nguy hiểm. Sau đó ông chuyển sang học nghề và làm thợ bạc, gia công hàng chợ ở Vĩnh Long.
Sau khi đã vững tay trong nghề,ông nghĩ rằng phải có uy tín trong làm ăn. Chính vì lẽ đó, ông huy động một số bạn bè làm cùng và nhận gia công với các đơn đặt hàng ngày càng nhiều của khách hàng, doanh nghiệp. Năm 1998, khi tích góp được chút vốn liếng, ông mở một cửa hàng kinh doanh nữ trang.
Từ một thợ bạc trẻ tuổi, với lòng nhiệt huyết lập nghiệp ông đã tạo nên một thương hiệu trang sức nổi tiếng Việt Nam mang tên Cửu Long Jewelry. Hùng Cửu Long cũng chính là người tiên phong thổi hồn cho những giá trị, bản sắc Việt vào trang sức. Sản phẩm của thương hiệu này nhắm đến phục vụ khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu.
Năm 2000, ông đi thi và đoạt huy chương vàng của cuộc thi Bàn tay vàng. Đến năm 2007, Lê Đình Hùng mở 30 chi nhánh ở các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, do phát triển với tốc độ quá nhanh, lại thiếu kinh nghiệm quản lý nên Lê Đình Hùng thất bại đau đớn và phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng, lâm vào cảnh nợ nần. Từ con số 30, Lê Đình Hùng hiện chỉ còn 2 cửa hàng ở Vũng Tàu và TP.HCM.
Khi hoạt động kinh doanh ổn định trở lại, cuối quý 1 năm 2013, ông trả hết nợ nần. Và cũng trong thời gian này, ông xuất bản được cuốn sách nổi tiếng "Mr Thất bại" - là câu chuyện về chính sự nghiệp kinh doanh của ông.
Bảo An (tổng hợp)