Đó là thời kỳ huy hoàng của đại gia Lê Văn Kiểm, người vừa chi 260 tỉ đồng xây sân đấu Polo phục vụ thú chơi của giới hoàng gia quý tộc.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, mới đây cho biết, sau sự kiện cúp Polo Việt Nam 2015 giữa hai đội Long Thành Golf Pahang Polo (các cầu thủ đến từ Hoàng gia Malaysia) và Viet Thai International Thai Polo (đến từ Hoàng gia Thái Lan) diễn ra ngày 20/3 tại sân Golf Long Thành (Đồng Nai), công ty quyết định tiếp tục xây dựng câu lạc bộ và hoàn thiện các tiện ích theo tiêu chuẩn quốc tế, dự kiến tổng giá trị đầu tư lên đến 260 tỷ đồng.
Ông Kiểm là một đại gia có tiếng tăm của Việt Nam, hiện là ngưới đứng đầu một trong những gia đình doanh nhân lâu năm nhất tại Việt Nam. Gia đình ông là một trong những nhà đầu tư tư nhân Việt Nam lớn nhất tại Lào, nơi Lê Huy Hoàng, con trai ông, đang điều hành dự án sân golf và khách sạn Vientiane, cộng với một dự án khai thác khoáng sản vàng mà tổng vốn đầu tư hiện ước tính khoảng 100 triệu USD.
Tại Việt Nam, bên cạnh dự án sân golf Long Thành, tổng công ty gia đình của ông Kiểm còn có khoảng 10 công ty con và sở hữu, đầu tư nhiều dự án bất động sản rải rác ở quận 2 (TP HCM), Bình Dương, Bà Rịa - Vùng Tàu, Đà Lạt.
Tên tuổi của ông Lê Văn Kiểm đến nay vẫn còn gắn với công ty may Huy Hoàng, công ty đầu tiên ông thành lập. Vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra cuối thập niên 1990, Huy Hoàng là một trong những công ty thành công hàng đầu trong lĩnh vực may mặc, gia công xuất khẩu
Năm 1978 đánh dấu bước khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên. Vợ chồng ông bán chiếc xe Honda duy nhất lúc bấy giờ, mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Ông kể: “Hai vợ chồng tôi ngày làm việc Nhà nước, tối làm thức ăn gia súc. Công thức gồm cám, bột sò, vỏ đậu phộng, dầu dừa, bắp…trộn lên thành một hỗn hợp, bán rất chạy”.
Ông Lê Văn Kiểm cùng vợ và con gái (bên phải) chụp cùng cháu trai trưởng của nữ hoàng Anh Elizabeth. Ảnh: Vietnamnet
Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng của gia đình ông Kiểm hoạt động “chui” tại địa chỉ nhà riêng ở 39, Phan Xích Long, Phú Nhuận. “Hiệu quả cao, tiền vô thấy sướng quá trời”, ông Kiểm kể lại trên Forbes Việt Nam.
Cũng theo Forbes, một thời gian sau, sản phẩm Huy Hoàng xuất hiện khắp nơi. Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn. Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Công việc nhiều, vợ chồng ông Kiểm thuê các nơi khác gia công cho mình.
“Tiền về rất nhiều, chưa bao giờ chúng tôi có nhiều tiền đến thế. Mỗi tháng phải làm được cả 10 lượng vàng, mà cái nhà phố ở Phan Đăng Lưu lúc đó chỉ đáng 10 lượng vàng”, ông nói.
Sau sơn đến sản xuất bột màu xây dựng, gia đình ông Kiểm tiếp tục nghiên cứu sản xuất ngay trong nhà. Việc kinh doanh “1 lời 10” khiến cho ông tích lũy được tới cả nghìn cây vàng. Vào khoảng năm 1984-1985, ông Kiểm đưa Huy Hoàng lên thành một công ty tư nhân đầu tiên.
Đây là thời kỳ bắt đầu mở cửa, Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng may mặc theo kiểu “hàng đổi hàng” với thị trường Đông Âu. Ông Kiểm cho biết, giữa 1988-1990, Huy Hoàng là công ty đầu tiên đầu tư đồng bộ hiện đại dây chuyền sản xuất với máy móc thiết bị nhập từ Nhật, không chỉ làm gia công mà còn xuất khẩu trực tiếp theo phương thức FOB. Xuất hàng may mặc, đổi lấy xi măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác nhập khẩu về nước, ông Kiểm kể, việc đổi hàng thường là lời “1 ăn 5”.
Gia đình doanh nhân Lê Văn Kiểm
“Tiền nhiều kinh khủng. Tôi mua hai xe tải, mua nhà mới ở số 9 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, và mua dự trữ rất nhiều vàng”, ông Kiểm nói trên Forbes. Ông xây hầm trong nhà, bên trên xây một chuồng gấu ngựa, ban đêm khi thợ về chất vàng xuống giấu, rồi mua hai con gấu ngựa về nuôi.
Một trong những dấu ấn mà Công ty Huy Hoàng để lại cho TP HCM là nút giao thông Hàng Xanh, được khánh thành ngày 30/4/1995. Đây là một trong những công trình đầu tư cơ sở hạ tầng đầu tiên do một công ty tư nhân thi công theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Ông Kiểm cho Tăng Minh Phụng vay vốn, thậm chí đầu tư vốn cho Minh Phụng làm. Ông Tăng Minh Phụng kinh doanh dép xốp xuất khẩu, sau đó mới chuyển qua hàng may mặc, xuất nhập khẩu rồi dấn sâu vào đầu tư địa ốc đưa đến án tử hình sau này.
Thời điểm ấy, cờ đến tay, ông Kiểm cùng một số cổ đông thành lập Ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương, nơi ông nắm 90% cổ phần. Đây là thời khai sinh của thế hệ ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên: Việt Hoa, VP bank, Ngân hàng Vũng Tàu... Ông Kiểm bắt đầu đầu tư vào bất động sản từ đầu những năm 1990, đặc biệt mua nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm quận 2.
Nhưng về sau, chính việc thế chấp đất đai, đầu tư từ tiền vay ngân hàng của ông đưa đến rủi ro, khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng. Gia đình ông đã phải trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn.
Ba năm sau, thị trường địa ốc ấm lên, giá bất động sản tăng vọt, Giá đất ở quận 2, TP HCM có lúc lên đên 40-50 triệu đồng/m2. Ông Kiểm chuộc được gần hết đất, bán đất có tiền để trả toàn bộ số nợ, cộng cả lãi suất ngân hàng, theo ông cho biết, tổng cộng khoảng 500 tỷ đồng.
Vừa trả được hết nợ, ông Kiểm lại đầu tư thành công dự án sân golf Long Thành. Tổng công ty Long Thành, với các dự án bất động sản có tổng diện tích trên 2.000 ha, hiện có khoảng 2.000 lao động.
Con gái ông, Lê Nữ Thùy Dương, hiện đang trực tiếp quản lý hoạt động đầu tư của công ty ở trong nước, trong đó nổi bật có hai dự án liên doanh với CapitalLand của Singapore ở quận 2.
Nam Nam (Tổng hợp)