Rất nhiều khán giả cố tình chen lấn, xô đẩy, giành hết các vị trí đẹp trong nơi tổ chức đám tang cốt chỉ để ... chứng kiến các ngôi sao vào viếng thăm đồng nghiệp lần cuối.
Rút máy ảnh chụp hình tự sướng với phông nền là nghệ sĩ tại đám tang, thậm chí không ngại ngần lao ra xin chụp ảnh cùng hay xin chữ ký, một bộ phận không nhỏ "khán giả" đang khiến cho người ta sợ hãi trước văn hóa ứng xử của mình.
Không phải cho tới đám tang của người mẫu Duy Nhân, sự thật đáng buồn này mới xảy ra. Trước đó, trong hầu hết mọi đám tang của nghệ sĩ, người nổi tiếng, những "khán giả" tò mò và hiếu kỳ vẫn lũ lượt xuất hiện theo cách của những vị khách không mời. Không một nén nhang được thắp cho ấm lòng người quá cố, tất cả những gì mà những vị khách vô duyên này đem tới chỉ là sự ồn ào, thái độ khiếm nhã và nỗi ngao ngán tới cực độ của gia đình tang quyến.
Lực lượng bảo vệ phải lập hàng rào ngăn cản khán giả hiếu kỳ. |
Không chỉ gia đình người xấu số, ngay cả những bạn bè, đồng nghiệp của họ cũng phải gánh chịu vô số những phiền phức khi tới chia buồn cùng bè bạn. Những ngôi Sao như Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh, Đông Nhi, Hà Hồ nếu có xuất hiện, sẽ lập tức khiến đám đông trở nên nhốn nháo và hỗn loạn.
Sự tò mò, hiếu kỳ cộng với hiệu ứng đám đông khiến những vị khách không mời này trở thành những kẻ thiếu văn hóa nhất có thể trong một đám tang. Họ chen lấn, xô đẩy nhau để được tới gần nghệ sĩ, nham nhở đưa gương mặt tươi cười vào để chụp hình "tự sướng" cùng sao, bất chấp khổ chủ có muốn hay không.
Đáng nói hơn, nếu nhìn vào đám đông ấy, người ta sẽ thấy không phải gồm toàn những người trẻ tuổi, mà còn không thiếu các bà, các cô trung tuổi và rảnh rỗi. Đối với họ, ngày buồn của gia đình nghệ sĩ cũng tương đương với một sự kiện miễn phí, nơi mà họ đến để rình rập và tìm kiếm niềm vui...
Những giây phút tang gia bối rối cũng không thoát nổi những cặp mắt hiếu kỳ. |
Trong đám tang của Duy Nhân, người ta đã thấy những hành động vô cùng xấu xí đến từ những "khán giả không mời". Từ tràng vỗ tay dành cho Danh hài Hoài Linh khi anh xuất hiện, cho tới những lần chen lấn, xô đẩy nhau kiếm chỗ đẹp để mà ... chụp ảnh.
Trong đám tang của Wanbi Tuấn Anh, sự cố tương tự cũng được lặp lại, khi mà vô số nghệ sĩ trẻ - bạn bè của Wanbi - thậm chí còn bị đám đông vây kín một cách đầy phấn khích để chụp hình và ... xin chữ ký. Tới tận 12h đêm, đám đông vẫn còn kiên nhẫn "phục" ở bên ngoài lối ra vào để rình bằng được thần tượng bằng xương, bằng thịt.
"Đám ma người nổi tiếng chúng tôi mới đi xem, chứ người bình thường đâu có xem để làm gì?" Lập luận mà một "khán giả" đưa ra để bao biện cho hành vi của mình quả thật chỉ khiến cho người ta phải lắc đầu ngao ngán. Nghệ sĩ hay ai đi chăng nữa thì cũng đều là những con người. Sự ra đi của họ cũng luôn đem tới những mất mát, đau thương cho người ở lại. Lấy đâu ra thứ niềm vui độc ác và nhẫn tâm như cách họ đang cố gắng kiếm tìm?
Sự xuất hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh chính là lý do khiến đám đông "nô nức" kéo tới đám tang nghệ sĩ. |
Không chỉ mang lại những phiền toái, khó chịu cho gia chủ và những người thân, sự tò mò và vô ý thức của đám đông còn tạo cơ hội bằng vàng cho đám trộm cắp có dịp hoành hành. Trong ngày hôm nay, đã có ít nhất 2 phóng viên bị mất tài sản trong khi đang tác nghiệp tại hiện trường, dù đã hết sức cẩn thận đề phòng. Có điều, trước sự hỗn loạn mà đám đông "khán giả" tạo ra, đám đạo chích vẫn có thừa cơ hội để "trổ tài".
Theo tin tức từ hiện trường, còn có cả những nạn nhân là "khách không mời mà tới", khi đang mải mê chen lấn, xô đẩy để tới được gần linh cữu Duy Nhân. Tình trạng này từng xuất hiện trong hầu hết các tang lễ của người nổi tiếng khác, bởi đám đạo chích đã "nhắm tới" những sự kiện như vậy từ lâu. Tuy nhiên, sự háo hức của đám đông đối với những "buổi tiệc vui" miễn phí kiểu này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và trong tương lai, hẳn câu chuyện dở khóc, dở cười này sẽ còn được tái diễn dài dài.
Lâm Nguyễn