Ông Nguyên Vũ: Chồng vợ phải có trên dưới, trật tự
Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cafe Trung Nguyên tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí khi kéo dài ba năm. Những tưởng mọi chuyện đã dừng lại khi phiên toà ngày 27/3, HĐXX tuyên cho vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên ly hôn. Bà Thảo được quyền nuôi 4 người con, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 người con.
Về tài sản, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được quản lý tài sản đất và gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ; bà Thảo được giao quyền sử dụng đất và gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ.
Mới đây vào chiều 10/4, TAND TPHCM cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ về bản án ly hôn sơ thẩm tuyên hôm 27/3.
Trong phiên xử ly hôn ngày 21/2, nhiều lần ông Đặng Lê Nguyên Vũ giải thích tại sao muốn vợ mình rút khỏi Trung Nguyên, để ông điều hành tập đoàn. Ông Vũ nói:
"Không ai muốn loại cô ý ra khỏi Trung Nguyên này cả. Nhưng có điều ở đây là những người chồng. Chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ. Trên phải ra trên, dưới phải ra dưới, phải có trật tự", ông Vũ chia sẻ khá nhiều lần về quan điểm vai trò vợ chồng trong gia đình với luật sư 2 bên, tại phiên tòa cũng như bên lề phỏng vấn.
Trong một lần khác ông Vũ nói: "Bản chất của kinh tế là "kinh bang tế thế", là lòng người. Chứ không phải đưa cái này, thúc đẩy dịch vụ như kiểu con buôn được. Suốt cả cái tiến trình đó, Trung Nguyên sách lược đã có từ lâu rồi nhưng thắt ở chỗ cô đó. Cô lo về sắp đặt đi. Nãy qua nói 1 lời cô hiểu hết, qua chưa bao giờ đụng tới cái gì hết, tài khoản, két sắt, tất cả mọi thứ,… Qua nói để hiểu.
Tiền bạc đâu có thiếu gì, nhà này thiếu đạo lý, thiếu trật tự, thiếu trên dưới, thiếu tình người, thiếu từ cách nuôi dạy con đến nuôi dạy Trung Nguyên. Nó không phải kiểu như vậy. Cô không chịu nên mới đẩy mọi việc lên, đưa gia đình ra đây. Qua rất đau lòng… Cô muốn lấy gì thì lấy đi để Qua phát triển Trung Nguyên giống như tầm nhìn.
Ngồi như này là nỗi nhục đau đớn. Vậy mà cũng lôi được cả gia đình ra đây. Ở đây cái đạo lý, lương tri là quan trọng. Nếu mất đi lương tri lương tâm thì không còn ý nghĩa gì. Không ai đi giành những thứ như vậy".
Khi hỏi thêm ngoài lề phiên xét xử ngày 21/2 về suy nghĩ của bà Thảo rất hiện đại và phụ nữ đều đóng vai trò ngang với nam giới, ông Vũ cho biết:
"Hiện đại không phải như vậy. Tôi muốn nói xa hơn. Tạo hóa đã tạo ra đàn ông ra đàn ông, đàn bà ra đàn bà. Ngay cả giao hợp âm dương hợp nhau mới ra đứa con phải không. Về nguyên tắc giao hợp là phụ nữ thường nằm dưới, đàn ông nằm trên, chết đuối cũng vậy. Đàn ông nằm sấp còn phụ nữ nổi nằm ngửa. Phải hiểu trật tự đó là tạo hóa.
Nếu loài người muốn làm đảo lộn nó thì sẽ hỗn loạn. Còn bây giờ là trật tự nào? Ngày hôm nay đưa nhau ra đây, tất cả nhục nhã như thế này. Nảy ra đủ thứ, đâu có ai như vậy".
Trong phiên xét xử chiều ngày 25/2, quan điểm phụ nữ hiện đại một lần nữa được đặt ra với chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông trả lời:
"Hiện đại có nghĩa là gì? Qua kể 1 câu chuyện để nói về chuyện này, hỏi người vợ của Qua. Khi Qua nói về gia đình, tầm nhìn Trung Nguyên đã có hơn chục năm rồi nhưng nó bị nghẽn chỗ này (chỉ vào tay). Nhưng muốn thực hiện tầm nhìn toàn cầu theo sách lược của Qua đặc biệt và duy nhất toàn cầu thì phải có 2 nền tảng: Nền tảng tâm và nền tảng về trí tuệ.
Qua nói với người vợ của Qua, đã nhiều năm, khuyên nhiều rồi, cô hãy lui về đi. Ở nhà có cái việc một là đối với bản thân con cái mình phải nuôi dạy nó lại, nhà cửa phải sắp đặt nó lại. Đối với cô thì học yoga, học thiền đi để lấy lại vóc dáng ngày xưa. Bây giờ rảnh thời gian thì cô ý có chút khiếu họa, nhạc thì đi học đi cho phong phú tâm hồn. Còn tiền giờ nhiều quá rồi, cần thì thành lập một doanh nghiệp nào đó để mình có cái được… Thế thì người chồng nói như vậy sao mình không nghe? Hiện đại gì nữa?".
Cặp vợ chồng Nguyễn Thị Phương Thảo – Nguyễn Thanh Hùng (Vietjet)
Vợ chồng Nguyễn Thanh Hùng – Nguyễn Thị Phương Thảo là những người sáng lập Sovico Holdings – một tập đoàn lớn hoạt động ở nhiều lĩnh vực, như tài chính ngân hàng, bất động sản, hàng không ở Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là hãng bay Vietjet Air.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nổi tiếng với khối lượng tài sản lớn. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam với giá trị tài sản cổ phiếu tại Vietjet Air ở mức 22.000 tỷ đồng; còn chồng bà – ông Nguyễn Thanh Hùng sở hữu tài sản khoảng 550 tỷ đồng.
Tuy cùng giữ vai trò Phó Chủ tịch Vietjet Air, nhưng hình ảnh bà Thảo thường được nhắc đến nhiều hơn với giới truyền thông, trong hầu hết hoạt động của Vietjet từ khi thành lập đều có dấu ấn của vị nữ tỷ phú này. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn kiêm nhiệm thêm vị trí Tổng Giám đốc, vị trí điều hành trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng tại đây, ông Hùng chỉ nắm giữ 0,82% vốn công ty, còn tỷ lệ sở hữu trực tiếp của bà Thảo lên tới 7,3%. Ngoài ra, bà còn gián tiếp sở hữu 23,81% vốn công ty thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (do bà Thảo sở hữu 100% vốn).
Thậm chí, tại Công ty cổ phần Sovico - doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái của 2 vợ chồng doanh nhân này, vị trí Chủ tịch HĐQT hiện cũng do bà Thảo nắm giữ, còn ông Hùng nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
Ông Trần Đình Long - bà Vũ Thị Hiền (Tập đoàn Hòa Phát)
Khởi đầu từ một xưởng kinh doanh, ông Trần Đình Long là một trong những cổ đông sáng lập chủ chốt và hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát.
Tính đến ngày 26/2/2018, ông Long đang trực tiếp sở hữu hơn 534,17 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Tính theo thị giá cổ phiếu HPG hiện nay, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tương đương khoảng 180.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù cũng là một trong những cổ đông lớn tại doanh nghiệp của chồng mình (sở hữu 7,29% vốn), bà Vũ Thị Hiền lại không hề tham gia bất kỳ hoạt động lãnh đạo hay điều hành doanh nghiệp tại Hòa Phát.
Trong nhiều năm, vợ chồng “vua thép” Trần Đình Long cũng là một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán. Bà Vũ Thị Hiền có thể gọi là người phụ nữ “giàu có và bí ẩn” nhất sàn chứng khoán vì ngoài việc là vợ ông Trần Đình Long, không có thêm bất cứ một thông tin nào về bà này.
Ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình (tập đoàn Thủy sản Minh Phú)
Là một trong những cặp vợ chồng đại gia cùng nhau xây dựng doanh nghiệp từ con số không, đến nay ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình vẫn đang cùng nhau sở hữu và điều hành doanh nghiệp.
Trong khi ông Quang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty nắm giữ 23,21% vốn thì bà Chu Thị Bình cũng đảm trách vị trí Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc công ty và sở hữu 25,41% vốn doanh nghiệp.
Là tập đoàn thủy sản số 1 Việt Nam với Doanh thu trên 10.000 tỷ mỗi năm, các sản phẩm của Minh Phú đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tập đoàn có tổng cộng 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc tập đoàn.
Ông Hồ Hùng Anh - Nguyễn Thị Thanh Thủy (Techcombank)
Tại Techcombank, dù là Chủ tịch HĐQT, ông Hồ Hùng Anh chỉ sở hữu 1,12% vốn ngân hàng, trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ ông Hùng Anh) lại sở hữu tới gần 5% vốn ngân hàng, mức sở hữu chỉ xếp sau cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Masan.
Tuy nhiên, ông Hồ Hùng Anh hiện nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá gần 21 ngàn tỷ đồng. Nếu tính cả phần sở hữu cổ phiếu TCB của những người có liên quan, số tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh thậm chí còn lên tới 37.000 tỷ đồng
Gia đình ông Hồ Hùng Anh được xem là mẫu gia đình nói không với việc phụ nữ điều hành.
Tạm kết
Có thể thấy với mỗi cặp vợ chồng doanh nhân đều có những quan điểm về vị trí của người phụ nữ nói chung và vị trí người vợ nói riêng không giống nhau. Nhưng khẳng định một điều, dù quan điểm vợ là hậu phương hay vợ cùng chồng gánh vác sự nghiệp thì chỉ cần vợ chồng đồng lòng, hiểu nhau thì chắc chắn chuyện 'tát biển Đông cũng cạn' là điều hoàn toàn trong tầm tay.