"Nếu ai hỏi đi biển nghề nào mau giàu nhất, tôi sẽ không ngần ngại mà nói đó là nghề lặn hải sâm, nhưng rủi ro, chết chóc thì không gì bằng", ngư dân Võ Văn Dũng (62 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) chia sẻ.
Với giá bán từ 500 – 700 ngàn đồng, lúc đỉnh điểm lên đến gần 1,5 triệu đồng/kg, việc lặn biển săn bắt hải sâm được xem là một nghề làm giàu của ngư dân vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, cũng vì loại hải sản quý hiếm này, không ít ngư dân đã bỏ mạng hoặc tàn phế suốt đời.
Hải sâm, loại hải sản có giá trị.
Nghề hái ra tiền
Ngư dân Dũng cho biết: “Hải sâm còn được gọi là vú biển, một trong những loại hải sản quý hiếm thường sống ở độ sâu từ 50 - 70m. Chục năm trước, hải sâm không đắt lắm nên được ngư dân trên đảo bắt về ngâm rượu uống hoặc phơi khô làm quà. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều tiểu thương ở các tỉnh phía Nam ra tận nơi đặt mua với giá rất cao, nên ngư dân chuyển sang làm nghề lặn hải sâm".
Ông Dũng cho biết thêm, khác với nhiều ngành nghề khác, ngư dân hành nghề lặn bắt hải sâm ra khơi không mang lưới. Ngư cụ của họ gồm kính lặn, 200m dây hơi, vợt lưới có thể chứa 30 con hải sâm cùng bình oxy lớn. Ngoài lương thực, thực phẩm, trong hầm tàu cá của chuyến ra khơi lặn biển lúc nào cũng có khoảng hai tấn muối hột và 300 cây đá.
Ngư dân Võ Văn Dũng trầm ngâm về nghề lặn hải sâm.
Do cho thu nhập cao, chỉ thời gian ngắn, nghề hải sâm trở nên thịnh hành, bởi đây là nghề nếu chịu khó thì nhanh giàu. Và những ngôi nhà khang trang, hay những con tàu hàng trăm mã lực là một minh chứng. Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghề lặn biển, ngư dân Trương Văn Thuận (ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) bộc bạch: “Nếu trúng đậm hải sâm, chỉ một phiên biển, mỗi thợ lặn cho thu nhập vài chục triệu đồng, nhiều ngư dân một mùa biển thu nhập vài trăm triệu đồng".
Ông Bùi Thanh Vân, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Bình Châu có khoảng 25 tàu, với gần 300 ngư dân làm nghề lặn hải sâm, đánh bắt chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Hải sâm lúc nào cũng có giá cao, vừa đưa về đến cảng là các thương lái mua ngay, đem lại thu nhập lớn cho thợ lặn và chủ tàu.
Thuyền trưởng tàu QNg. 90389 Nguyễn Văn Hiền (50 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu), vẫn nhớ như in chuyến biển gần 50 ngày ở vùng biển quần đảo Trường Sa vào tháng 9/2012. Thời điểm đó, anh cùng 12 bạn chài đã trúng đậm hải sâm với trị giá hơn 2 tỉ đồng. Đây là phiên biển có mức Doanh thu kỷ lục ở làng biển Bình Châu lúc bấy giờ. Thuyền trưởng Hiền nhớ lại: "Ra khơi được 10 ngày cật lực lặn tìm hải sâm, nhưng số lượng khai thác rất ít, chỉ được khoảng 50kg. Anh em bạn chài trên tàu mặt mày buồn bã, lại nghe tin áp thấp nhiệt đới ai cũng nghĩ chuyến biển này thất thu".
Nào ngờ, bước qua ngày thứ 11, sau cú lặn đầu tiên, thợ lặn Bùi Tấn Lực gặp ngay ổ hải sâm nằm sắp lớp dưới đáy biển sâu. Cứ thế, thợ lặn Lực lấy tay bốc bỏ vào đầy vợt, được 70kg. Bằng kinh nghiệm sau nhiều năm săn hải sâm, thuyền trưởng Hiền nhận định, hải sâm thường ở thành từng cụm vì thế chuyến biển này sẽ trúng đậm. Quả không sai, những ngày sau đó, nhiều thợ lặn liên tiếp trúng hải sâm, có ngày săn được gần 200kg...
Theo thuyền trưởng Hiền, nghề lặn hải sâm mỗi năm chỉ ra khơi năm chuyến. Mỗi chuyến thu về từ 500 - 700 triệu đồng là đã có của ăn, của để nhưng nhờ “lộc biển” nên chuyến biển vào tháng 9/2012, tàu của anh đã săn được 1,5 tấn hải sâm, thu về hơn 2 tỉ đồng, mỗi bạn chài đi trên tàu bỏ túi 140 triệu đồng.
Đánh cược bằng cả mạng sống
Nghề lặn hải sâm ở Bình Châu quả thật là xuống biển "ẵm" tiền. Nhưng, có biết bao người, cũng vì nghề này mà mãi mãi nằm lại biển khơi; hoặc tàn phế suốt đời, gieo gánh nặng cho gia đình và Xã hội. Ngư dân Võ Văn Dũng, người được mệnh danh là “vua lặn”, suốt hơn 40 năm mưu sinh dưới đáy đại dương, nhưng cuối cùng vẫn mang trong mình căn bệnh phổi. Bây giờ anh chỉ ngồi nhà phụ thuộc vào vợ con. Ngư dân Dũng cay đắng: "Không biết bao lần tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của những người thợ lặn giữa biển khơi, hoặc gánh chịu thương tật suốt đời".
Theo thợ lặn Bùi Tấn Lực (35 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển), thông thường thời gian lặn săn hải sâm mỗi ngày diễn ra từ 6h sáng đến 4h chiều. Mỗi kíp lặn có hai người, mỗi người đeo 8kg chì quanh mình, mắt đeo kính, miệng ngậm dây hơi lặn xuống biển. Thời gian mỗi cú lặn chừng 1 giờ đồng hồ nhưng chỉ ở tối đa dưới đáy biển khoảng 30 phút. Vì thế, đến 30 phút dù thợ lặn có trúng “ổ” hải sâm thì cũng phải bắt buộc kéo lên. Ngoài ra, trong một ngày, mỗi người chỉ lặn hai lần, mỗi lần cách nhau ba giờ.
Nghề lặn tìm hải sâm do lặn quá sâu, chừng 60 - 70m nên luôn đối mặt với hiểm nguy. Có khi phải lặn xuống độ sâu hơn trăm mét để bắt những con hải sâm lớn, nếu không cẩn thận lập tức bị tai biến, nhẹ thì bị liệt còn nặng thì coi như... bỏ mạng giữa biển. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiền cho biết thêm, sau khi lặn trở lại tàu, thợ lặn tuyệt đối không được ăn uống, hút thuốc trong vòng một giờ. “Nhiều thợ lặn vì chủ quan, sau khi lên tàu thấy sức khỏe bình thường liền rít hơi thuốc, một lúc toàn thân đau nhức, tê rần. Thế là phải trục xuống biển, giảm áp trở lại”, thuyền trưởng Hiền ngậm ngùi.
Đã có nhiều thợ lặn kỳ cựu khi gặp sự cố cũng không thoát được “cửa tử”. Không ít người giờ vẫn phải hứng chịu di chứng từ nghề lặn, nặng thì bị liệt nửa người, nhẹ cũng bị ù tai, giảm thị lực. Nỗi đau, nước mắt từ biển luôn thường trực. Theo nghề lặn kiếm tiền rất nhanh, nhưng đó là tiền từ xương máu và sự đánh cược mạng sống.
Nhiều ngư dân tử nạn để lại vợ con bơ vơ.
Ông Bùi Thanh Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Bình Châu cho biết: "Ở xã Bình Châu mỗi năm chưa kể hàng chục vụ tai nạn khi lặn, thì hầu như năm nào cũng có vài ba mạng người chết thảm vì hải sâm". Gần nhất là vào ngày 6/11, ngư dân Nguyễn Thành Lan (29 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu), đi trên tàu cá số hiệu QNg 92018 TS của ông Tiêu Viết Lành, 29 tuổi, thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu) và ngư dân Đặng Công Danh, 26 tuổi, ở TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đi trên tàu cá QNg 90947 TS của anh Tiêu Viết Nhung, 32 tuổi khi lặn hải sâm ở độ hơn 30m ở Trường Sa do thiếu trang thiết bị lặn, lại mải mê bắt hải sâm dưới vùng rạn sâu quá lâu, nên sức ép áp suất nước gây tử vong. Đến ngày 21/11, thi thể hai ngư dân xấu số trên mới được đưa về an táng ở quê nhà.
Ở xã Bình Châu thợ lặn chịu cảnh bệnh tật phải sống dựa vào vợ con như ông Dũng, cảnh vợ mất chồng, con mất cha như gia đình hai thợ lặn xấu số nói trên không phải là ít. Song, vì cuộc mưu sinh họ vẫn chấp nhận hiểm nguy. Mỗi khi tàu rời cảng với chuyến săn hải sâm dài gần một tháng, là cũng từng ấy thời gian, người thân ở đất liền luôn cầu mong trời yên biển lặng để chồng, con ngoài khơi xa gặp nhiều may mắn, Bình An trở về nhà.
Hải sâm còn được người dân địa phương gọi là “vú nàng” bao gồm hải sâm đỏ (vú lửa), hải sâm trắng (vú trắng), đồn đột và áo tơi. Hải sâm có thể dùng ngâm rượu thuốc uống hoặc chế biến làm món ăn bổ dưỡng thượng hạng. Theo đông y, hải sâm được ví như "thần dược" với tính ôn, vị ngọt đậm có tác dụng bổ thận tráng dương, dưỡng tinh huyết, bổ não, cầm máu, nhuận tràng. Hải sâm chữa suy nhược thần kinh và thể lực, gầy yếu sau bệnh, sau sinh, chữa liệt dương, thiếu máu, ho lao, ho ra máu, chứng đi tiểu rắt, tiểu đường. Hải sâm còn được dùng cho người huyết áp cao (do thận âm hư) động mạch xơ cứng, bệnh mạch vành tim, xuất huyết dưới da, ung thư, tổn thương trong xạ trị ung thư... |
DƯƠNG KHA/ Đời sống & Pháp luật
Xem Clip Cậu bé 5 tuổi hát rong 'Đập vỡ cây đàn' hút dân mạng