Đau lòng lắm, nhưng cũng không còn sự lựa chọn nào khác, khi mà giờ đây, đến bản thân, cũng chẳng thể tự lo được nữa.
Người đàn bà 4 năm bị nhốt trong cũi
Theo tin tức trên báo Dân việt, ở xã Lâm Phú, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, có một người đàn bà đã bị nhốt trong cũi từ 4 năm nay. Đó là, bà Phạm Thị Quyền (SN 1976). Thấy người lạ tiến sát lại chiếc cũi của mình nằm, người đàn bà ấy co rúm người lại, hai tay che mặt… rồi chửi bằng tiếng Thái, tiếng Kinh.
Ông Lương Văn Nguyên (anh chồng bà Quyền), cho biết: Đã 4 năm trôi qua, bà Quyền phải sống trong cảnh bị “cầm tù”. Mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra trong chiếc cũi nhỏ ở một góc nhà sàn.
“Bất khả kháng, gia đình phải nhốt nó vào trong chiếc cũi bằng luồng này. Hằng ngày, chồng, con mang đồ ăn, thức uống để cạnh chiếc cũi. Nó tự thò tay ra lấy ăn mỗi khi đói bụng. Ăn xong, nó lại hát, rồi chửi bới cả bằng tiếng Thái, tiếng Kinh, lẫn tiếng Mường. Nếu không nhốt như vậy, nó chạy đi khắp bản, khắp xã gây rối. Thậm chí, nó chạy đến các gia đình khác phá phách đồ đạc của họ và đánh người. Mọi người trong nhà, ai cũng thương lắm lắm, nhưng không còn cách nào khác các chú ạ”, ông Nguyên phân trần.
Bà Quyền đang ở trong chiếc cũi - Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Quan sát kỹ nơi nhốt bà Quyền, chúng tôi thấy chiếc cũi ghép từ thân cây luồng, dài khoảng 2 mét, cao 1 mét, rộng 1 mét được chồng bà là ông Lương Văn Ngoan dựng lên vào năm 2011. Trong cũi, ngoài một chiếc chăn mỏng, một chiếc gối, không có thứ đồ dùng sinh hoạt cá nhân nào.
Khi chúng tôi đến, bà Quyền đang la hét trong chiếc cũi, không có người thân nào ở nhà chăm sóc. Cơm nắm để trong chiếc đĩa, nước uống trong chai nhựa được ông Ngoan để bên ngoài cũi. Muốn ăn, muốn uống, bà Quyền thò tay qua khe cũi lấy đồ ăn, thức uống. Bà cũng đi vệ sinh qua khe hở giữa hai tấm ván, xuống dưới gầm nhà sàn.
Những người hàng xóm cho biết: Năm 2011, sau cơn bạo bệnh, bà Quyền bỗng trở nên điên dại. Bà la hét suốt ngày, hay đi lang thang mà không về nhà. Bà cũng không kiểm soát được hành vi của mình nên có những hành động gây nguy hiểm cho bản thân cũng như những người xung quanh. Bất đắc dĩ gia đình bà Quyền phải làm cũi ở một góc nhà để nhốt bà.
Ông Lương Văn Ngoan (39 tuổi, chồng bà Quyền) buồn rầu kể: “Năm 2011, nó (bà Quyền) mắc u nang buồng trứng. Gia đình đưa đi bệnh viện chữa trị, nhưng bác sỹ bảo không cứu được vì khối u sắp vỡ, bụng chướng to như người mang bầu nên bệnh viện trả về. Sau khi về nhà một thời gian, nó trở nên điên dại, phá phách lung tung và đi đánh người nên phải nhốt lại như thế”.
Nhà ông Ngoan thuộc diện hộ nghèo, ông bà có 2 con trai (một đang học lớp 9, một học lớp 5). Gia đình chỉ có 1 sào ruộng, không có nương rẫy nên kinh tế vô cùng khó khăn.
Trong căn nhà sàn của ông Ngoan, bà Quyền không thấy có thứ đồ đạc nào giá trị hơn mấy cái xoong, nồi nằm lăn lóc ngoài hiên. Hàng xóm cho biết cả nhà ông Ngoan đang sống dựa vào sự cưu mang từ gia đình anh trai là ông Lương Văn Nguyên.
“Do hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, nên không có tiền để đưa em dâu đi chữa bệnh. Hiện nay, em nó cũng chưa được Nhà nước hỗ trợ gì cả, mà chỉ dựa vào việc chú Ngoan đi làm thuê và gia đình tôi cưu mang thôi. Gia đình rất mong muốn được đưa em dâu đi trại tâm thần để chữa trị”- ông Nguyên chia sẻ.
Ông Phạm Văn Nhị - Chủ tịch UBND xã Lâm Phú, cho biết hoàn cảnh của gia đình bà Phạm Thị Quyền rất đáng thương. Ông Ngoan lại không được nhanh nhẹn, hoạt bát người người khác nên cuộc sống càng khó khăn hơn. "Chúng tôi đang làm hồ sơ gửi lên huyện để đề nghị Nhà nước có Chính sách hỗ trợ hằng tháng cho bà Quyền. Mong muốn của chính quyền địa phương cũng như phía gia đình là được Nhà nước hỗ trợ cho bà Quyền đi trại tâm thần để điều trị bệnh”.
Mẹ già nhốt đứa con duy nhất vào lồng sắt
Báo Dân Trí mới đây cũng đã đưa về một trường hợp tương tự, người mẹ già đã phải chính tay nhốt đứa con gái điên dại trong lồng sắt. Đứa cháu ngoại sinh ra do bị hãm hiếp cũng đành phải gửi vào trại trẻ mồ côi nuôi dưỡng. Đau lòng lắm, nhưng bà cũng không còn sự lựa chọn nào khác, khi mà giờ đây, đến bản thân, bà cũng chẳng thể tự lo được nữa.
Vượt qua một đoạn đường ngoằn nghèo, bụi bặm, chúng tôi mới đến được một ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng cũ kĩ. Vừa bước vào cổng thì bất ngờ trong nhà phát ra tiếng đập phá loảng xoảng và những tiếng gào thét man dại. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi vẫn không khỏi giật mình kinh hãi.
Bà lão lưng còng rạp, tóc bạc trắng, nhễ nhại mồ hôi ôm rổ rau lang từ ngoài vườn đi vào, trấn an chúng tôi: “Em nó lại lên cơn, nhưng tôi đã khóa nó trong cũi rồi..”. Bà chua xót nói trong trong 2 hàng nước mắt.
Người mẹ già yếu bệnh tật, hằng ngày chăm sóc đứa con gái bất hạnh qua song sắt.
Mời khách ngồi, rồi bà lão bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời chìm nổi của 2 mẹ con bà. 29 tuổi bà mới sinh được mụn con gái, đặt tên là Hoàng Thị Huệ. Bất hạnh đến khi người chồng tự dưng đổ bệnh rồi đột ngột ra đi, bỏ lại bà với đứa con còn đỏ hỏn trên tay. Trải bao cực nhọc một mình nuôi con khôn lớn, ngắm con gái lớn lên từng ngày đẹp như hoa, bà trộm nghĩ, vậy là đã có chỗ để nương tựa tuổi già.
Nhưng số phận thật nghiệt ngã, cô con gái vốn ngoan ngoãn, đang tuổi xuân mơn mởn như hoa, tự dưng về nhà đập phá đồ đạc, chửi đánh mẹ rồi bỏ nhà đi lang thang. May mắn được họ hàng và bà con lối xóm tìm về, rồi cho bà vay tiền, đưa Huệ đi viện khám, một lần nữa trái tim người đàn bà bất hạnh tan nát, khi bác sĩ cho biết con gái bà mắc chứng tâm thần.
Vì không có tiền chữa trị thường xuyên, nên bệnh tình của Huệ ngày càng nặng, em thường nổi điên đập phá, tự xé quần áo, đánh đập mẹ già. Dù không bao giờ muốn thế, nhưng người mẹ già không còn cách nào khác là vay mượn bà con, đóng một cái lồng thép rồi đau xót nhốt con vào đấy. Hằng ngày bà nhìn ngắm đứa con gái yêu quý và chăm sóc nó qua song sắt.
Khó có lời nào có thể nói đủ tấn bi kịch của mẹ con bà, trong một lần cho Huệ ra ngoài tắm rửa, em vùng chạy đi mất. Rồi không biết tên đốn mạt nào hãm hiếp em đến mang thai, để rồi sinh ra cháu Hoàng Văn Tuân nay đã 4 tuổi. Một lần nữa bà lại làm “Mẹ” với đứa cháu ngoại đỏ hỏn trên tay. Biết bao đêm trắng bà nằm ôm cháu khóc, bà thương đứa cháu bất hạnh từ lúc sinh ra chẳng được uống sữa mẹ dù chỉ là 1 giọt, và càng không dám nghĩ đến mai sau cháu sẽ ra sao? Khi mà sức bà càng ngày càng yếu, còn mẹ cháu thì vẫn cứ cười nói vô hồn, gào thét trong cũi sắt...
Gần đây, căn bệnh thoái hóa cột sống khiến lưng bà còng rạp xuống và thường xuyên gây đau nhức, bà chẳng thể làm được việc gì nữa, đôi mắt cũng đã mờ đục không nhìn rõ. Không còn đủ sức lực để chăm con, nuôi cháu nên dù lòng đau như cắt, bà cũng đành phải gửi cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang.
Nhắc đến đứa cháu, bà rớm nước mắt: “Tôi nhớ thằng cháu lắm, đã lâu rồi tôi chưa được xuống thăm nó…nếu mà tôi có tiền cho mẹ nó đi chữa khỏi bệnh rồi đón cháu về nuôi, thì bà cháu tôi không phải xa nhau nữa..”. Bà nói trong tiếng ho khù khụ, cái lưng còng càng như còng rạp xuống.
Suốt chặng đường gần 50 cây số đến Trung tâm bảo trợ xã hội, bà cứ bồn chồn, mong ngóng, lo lắng…Chúng tôi hiểu bà thương nhớ cháu đến nhường nào, và hiểu nỗi khổ tâm, day dứt mà bà đang phải gánh chịu.
Bà cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi, bé Tuân ôm lấy cổ bà òa khóc: “Cháu nhớ bà lắm, bà cho cháu về với bà …cho cháu về với bà…”. Người bà khốn khó chỉ biết ôm riết cháu vào lòng dỗ dành: “Cháu ngoan, ở đây với các cô….rồi mấy nữa bà sẽ đón cháu về ở với bà…”. Bà cháu cứ quấn quýt không rời, chúng tôi cũng không đành “chia cách” tình bà cháu nên cứ luấn quấn mãi. Cuối chiều thì cũng phải chia tay, thằng bé cứ khóc thét lên đòi về với bà ngoại, bà lão gạt nước mắt, lầm lũi lên xe như trốn chạy.
Nói về hoàn cảnh gia đình bà, anh Hoàng Văn Minh, chủ tịch hội chữ thập đỏ huyện Tân Yên ái ngại cho biết: “Gia đình bà Sự là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện, chồng mất sớm, con bị bệnh tâm thần, cháu nhỏ dại, bản thân lại bệnh tật không lao động được. Hội chữ thập đỏ mỗi năm cũng chỉ hỗ trợ được chút ít cứu đói vì kinh phí của hội cũng hạn hẹp. Qua đây, tôi cũng xin nhờ quý báo cùng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình qua cơn bĩ cực này.”
“Chỉ mong có chút tiền đưa con gái đi chữa bệnh và đón thằng bé về nuôi…”. Mơ ước nhỏ nhoi của bà lão bất hạnh, liệu có thành hiện thực? Khi mà đến 2 bữa cơm hằng ngày bà cũng chẳng lo nổi. Hình ảnh cái dáng bà còng rạp đưa ống tay áo lên quệt nước mắt, bùi ngùi để lại thằng cháu bé bỏng ở trại trẻ mồ côi trong cái nắng cuối chiều vàng vọt, và cái cảnh thằng bé Tuân cứ khóc giãy lên, cố đòi theo bà ngoại cho bằng được…Khiến ai cũng thấy xót xa!
Theo Gia Huy (tổng hợp)/Đời sống và Pháp luật