Vẫn màn hình cong nhưng mở rộng hơn, đường nét tinh tế hơn, khả năng tự phục hồi ấn tượng hơn, LG G Flex 2 đang tự tạo một hướng đi riêng thay vì chạy đua về thông số kỹ thuật.
Điện thoại màn hình cong vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Dù đã có một số model xuất hiện trên thị trường nhưng chừng đó chưa thể thuyết phục được người dùng và tạo thành xu hướng. Ngay cả khi G Flex 2 - điện thoại thông minh thế hệ thứ 2 của LG xuất hiện, điều đó cũng khó có thể thay đổi.
Ramchan Woo - người chịu trách nhiệm thiết kế G Flex - chia sẻ rằng thiết kế điện thoại thường bắt đầu với xu hướng đường thẳng và hình chữ nhật bởi chúng dễ dàng thực hiện trước khi tiến tới cảm giác tự nhiên hơn chính là "đường cong". Thiết kế đường cong khó, cho dù sản phẩm là xe hơi, kiến trúc hay bất kỳ thiết bị nào trong gia đình.
Bên cạnh đó, khi nhìn thấy G Flex, nhiều người dùng đã đặt câu hỏi: "Tại sao lại cong ?". Thậm chí, đã có không ít lời phàn nàn về chiếc điện thoại thông minh màn hình cong đầu tiên của LG vì cho rằng kích thước 6 inch quá lớn. Nhiều người cảm thấy bất tiện khi sử dụng G Flex cũng như không hài lòng vì độ phân giải chỉ là 720p khi mà thị trường không hiếm model màn hình nhỏ nhưng có độ phân giải 1080p.
Câu trả lời của Ramchan Woo: "Đơn giản vì nó đẹp hơn". Người dùng không cần phải đồng ý với câu trả lời, cũng như lập luận về "thiết kế đường cong" của Ramchan Woo nhưng thật khó phủ nhận về sự nỗ lực thay đổi nâng cấp của G Flex 2 so với phiên bản đời đầu. Để qua đó thấy rằng, điện thoại màn hình cong không còn đơn thuần là một mánh khóe quảng cáo đơn thuần của LG nữa mà trên hết đó là một sản phẩm thiết thực hơn cho người dùng.
Sự chau chuốt hơn về thiết kế không chỉ giúp G Flex 2 gọn nhỏ tinh tế hơn mà còn bền và có khả năng chống sốc tốt hơn so với phiên bản trước đó. Để dẫn chứng về điều này, Ramchan Woo thay vì diễn thuyết đã ném G Flex 2 xuống sàn và giẫm lên chiếc điện thoại. "Bạn thậm chí có thể ngồi trên đó", Ramchan Woo nói. Sau đó đã có không ít phóng viên, nhà báo tiến hành thử thách G Flex 2 bằng cách dùng tay hay thả rơi ở độ cao khoảng 6m. Phải thừa nhận rằng, G Flex 2 mới chỉ rơi xuống tấm thảm mềm hơn so với bê tông nhưng việc không có bất kỳ một vét lõm nào xuất hiện đã phần nào cho thấy độ bền của smartphone màn hình cong này.
Tất cả những ưu điểm trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu G Flex 2 không có một nền tảng vững chắc và phần mềm ứng dụng tốt. Các thông số kỹ thuật của G Flex 2 cũng giống như G3 như kích thước màn hình và pin 3,000mAh, RAM 2GB hoặc 3GB, dung lượng bộ nhớ trong 16GB hoặc 32GB và tùy chọn có thể mở rộng qua microSD. Máy ảnh cũng sở hữu cảm biến 13-megapixel (giống như G3) nhưng có nhiều cải tiến phần mềm và một số tối ưu phần cứng. Hệ thống lấy nét tự động bằng laser và ổn định hình ảnh quang học, cùng với đèn flash dual-LED mới mang đến những tông màu tự nhiên hơn trong bức ảnh. Hỗ trợ kết nối đầy đủ từ NFC, Bluetooth 4.1, 802.11ac, và công nghệ LTE mới nhất.
Bên cạnh đó, cùng với việc lần đầu tiên sử dụng chip Snapdragon 810 kết hợp với hệ điều hành Android 5 Lollipop mới nhất của Google đã tạo nên một G Flex 2 mạnh mẽ. Có thể G Flex 2 nhỏ hơn về kích thước cũng như dung lượng pin thấp hơn so với người tiền nhiệm (G Flex sở hữu pin 3.500mAh) nhưng G Flex 2 vẫn nhận được đánh giá là "đẹp" từ ngoài vào trong. LG G Flex 2 sẽ lại là một ứng viên cho danh hiệu smartphone của năm dù các đối thủ khác vẫn chưa xuất hiện.
LG G Flex 2 sẽ được bán ra tại Hàn Quốc vào cuối tháng này trước khi tràn ra thị trường thế giới.