Các chuyên gia Mỹ mới đây đã sáng chế thành công chiếc máy tính tự động nhỏ nhất thế giới với kích thước chỉ bằng một hạt gạo.
Máy tính Michigan Micro Mote (M3) có hình khối lập phương kích thước 32 mm. Đây là sản phẩm nghiên cứu trong hơn một thập kỷ của nhóm chuyên gia và sinh viên khoa Khoa học Máy tính của Đại học Michigan, với mong muốn tạo ra máy tính càng nhỏ càng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng các thiết bị kết nối thông minh hiện nay.
Máy tính M3 chỉ nhỏ như một hạt gạo - Ảnh: Internet.
"Để là một chiếc máy tính hoàn thiện, hệ thống phải có đầu vào dữ liệu, khả năng xử lý và lưu trữ, đưa ra quyết định làm gì tiếp theo và có dữ liệu đầu ra", giáo sư David Blaauw nói.
Thiết bị hiện có thể chụp ảnh, ghi lại nhiệt độ và áp suất, sau đó gửi thông tin đến trạm cơ sở, sử dụng cảm biến cho dữ liệu đầu vào và radio cho dữ liệu đầu ra. Pin hấp thụ ánh sáng Mặt Trời có kích thước 1 mm2 được sử dụng để cung cấp năng lượng cho máy tính.
M3 có bộ vi xử lý Phoenix siêu nhỏ, kích thước chỉ 915 x 915 µm2, dùng điện áp thấp với mức tiêu thụ điện năng chỉ 500 pW. M3 có thể thu thập và truyền dữ liệu trong phạm vi tối đa hai mét. Nếu muốn mở rộng giới hạn này, nhóm nghiên cứu cần tạo anten và pin lớn hơn.
Các nhà khoa học hy vọng M3 sẽ được ứng dụng trong giám sát công nghiệp và môi trường, hay đưa vào cơ thể người nhằm phục vụ các mục đích giám sát y tế.