“Sướng như sinh viên” là cụm từ để miêu tả sinh viên VIP, bởi những người này chơi nhiều hơn học, có mặt ở “sàn” nhiều hơn trên giảng đường.
Khi đã vào cuộc “chơi”…
Đã 3 tuần, Nguyễn Thanh N không buồn về ngôi nhà 5 tầng trên phố Láng Hạ được bố mẹ mua tặng khi nam sinh viên này đỗ ĐH hồi năm ngoái.
Lý do được N đưa ra là “bận” nên không thể ở nhà nhiều. Có những lúc 2 người giúp việc tại nhà N không biết phải giải thích với bố mẹ N thế nào về việc cậu quý tử của họ không về nhà. Thực tế, cứ khoảng 17g, khi tiết học cuối cùng vừa kết thúc cũng là lúc N và đám bạn lại tụ tập ở những nơi sang trọng như Coffe Bean, Diamond… để chuẩn bị cho cuộc chơi “thâu đêm suốt sáng”. Đối với nhiều người, vài chục triệu đồng có thể là số tiền lớn, thậm chí là cả một gia tài, nhưng với những sinh viên chịu chơi trong nhóm của N thì con số đó so với một đêm “đập phá”. Lê Đình H, SV trường ĐH VH, một thành viên “tích cực” trong nhóm của N cho biết: “Bây giờ nhiều trò giải trí hơn trước nên chúng em cũng có điều kiện xả stress hơn mỗi khi kỳ thi kết thúc, việc đi bar, đi club rồi thử thêm mấy viên “kẹo” cùng lắm chỉ tốn thêm vài triệu đồng, nhưng bù lại là cảm giác được sống là chính mình”.
Cầm chiếc điện thoại iPhone 5s, Đặng Đình L, SV trường dân lập TL khoe với đám bạn: “Ông già mới gửi “thùng đạn”, tối nay liên hoan nóng, đứa nào theo thì xác định sớm, đừng lỡ hẹn, địa điểm vẫn chỗ cũ”. Đáp lại lời mời của L là những lời tán đồng của đám bạn. Và thế là một đêm “bay nhảy” của nhóm L không dừng lại tại một địa điểm nhất định mà từ bar này sang club khác đến tận 4-5g sáng mới kết thúc màn uốn éo, vặn mình tại một quán karaoke có tiếng ở quận Hoàn Kiếm. Một chai rượu sang có giá gần 3 triệu đồng, vậy mà trong một đêm những thành viên trong nhóm của L gọi một lúc 8-10 chai là chuyện thường. Thực tế, giới chịu chơi vẫn gọi L với biệt danh là L “thoáng” bởi nổi tiếng với lối vung tiền không ngán của chàng sinh viên này. Mỗi lần anh chàng xuất hiện thì ít nhất các bảo vệ, tiếp viên trong quán karaoke cũng “ẵm” gọn 1 triệu đồng tiền “típ”. Thế nhưng những câu chuyện thực sự vẫn chưa dừng ở đó…
Hình ảnh SV ăn chơi tại một quán karaoke. Ảnh: TL |
Nhà em nhiều tiền lắm…
Đó là lời khẳng định của N khi được hỏi vì sao có nhiều tiền để vi vu thậm chí bao cả bạn bè. Quê ở Hải Phòng nên N được bố mẹ “trang bị” cho một chiếc ô tô để khi nào cậu ấm nhớ nhà có thể chủ động hơn trong việc đi lại, có ô tô riêng nên chuyện N kéo đám bạn của mình cùng “bay” ở các tỉnh là chuyện nhỏ như “con thỏ”. Đúng 21g, nhóm N có mặt tại điểm hẹn, ăn vận thật sành điệu, chuẩn bị chu đáo cho chuyến “bay” đêm ở Hải Phòng. N ra vẻ “đàn anh”: “Hà Nội chơi đủ rồi, ai muốn tìm cảm giác mới ở quê anh thì chuẩn bị tinh thần thôi…!”. Là khách quen của một khách sạn ở Hải Phòng nên cả nhóm N dễ dàng tìm được bãi đáp, và chi phí cho một chuyến “bay” như thế tốn chục triệu đồng là chuyện bình thường.
Mờ mắt trước lối sống xa hoa, không thể cưỡng lại các viên “kẹo” tạo ảo giác, nhưng các “dân chơi” sinh viên nào biết mạng sống của mình đang treo lơ lửng. M, một SV trường ĐH ĐL. Nhà có tiền nên M nhanh chóng bắt sóng được với nhóm bạn con nhà đại gia của L trong những lần ăn chơi “mất mạng”. Có lần M “cắn kẹo”, bị “sảng”, lúc lái xe về, anh chàng đâm sầm vào một thanh niên điều khiển xe đi trước mình. Thuốc lắc tạo ảo giác khiến M không điều khiển được chính mình. Xe máy hỏng, anh chàng này “bắt” gia đình đổi sang đi ô tô cho an toàn, thế rồi những ngày tháng vui chơi cứ kéo dài để rồi thời gian đến trường của M ngày càng ít đi. Vì không kịp để kéo những điểm số cực thấp tại trường, M nghĩ tới việc bỏ học. Mới đây nhất gặp lại M, chàng SV điển trai ngày nào chỉ còn “da bọc xương”, gương mặt hóp sâu, mắt đờ đẫn. Kinh khủng hơn M không thể kiểm soát được việc tiểu tiện của mình vì chơi thuốc lắc quá nhiều. Sức khỏe xuống cấp trầm trọng, anh chàng phải tạm gác việc học để ở nhà dưỡng bệnh, bố mẹ của M còn tính đến việc đưa con đi trại để hy vọng bảo toàn được tính mạng của con. Vậy là tương lai tưởng như sán lạn của M bỗng tan biến sau những cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng của chàng SV có điều kiện này.
Đã đến lúc những SV có điều kiện song ăn chơi đua đòi phải nhìn nhận lại mình, họ có xuất phát điểm hơn hẳn những bạn bè cùng trang lứa, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ có những bước chân vững chắc vào đời nếu không có sự nhận thức đúng đắn. Cùng với đó các bậc phụ huynh cũng cần có biện pháp quản lý con em hiệu quả hơn bởi chỉ đảm bảo điều kiện vật chất mới chỉ là điều kiện cần...
Theo Thủy Liên