Sáng 22/4, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức Toạ đàm Logistics và nhu cầu nhân lực Logistic của Việt Nam trong môi trường kinh doanh số. Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia lĩnh vực trong ngành logistic đã đưa ra các lời khuyên, định hướng cho các sinh viên theo ngành.
Nhu cầu lớn về nhân lực ngành logistics
Tại buổi toạ đàm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, những năm trở lại đây, ngành logistics được chú trọng và có nhiều bước tiến triển, phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp, công ty logistics ra đời ngày một nhiều, cải thiện về chất lượng, dịch vụ cũng như tạo được sự uy tín trong thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện và ngày một hoàn thiện, tuyến Quốc lộ 1A và nhiều con đường được tu sửa, mở rộng, thông suốt là tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam, liên kết nhiều tỉnh thành.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng trong năm 2023 nguồn lực bị bào mòn, suy giảm vì Covid-19, trong khi đó hàng tồn kho tích trữ quá cao trong giai đoạn sau dịch. Đồng thời, xung đột Ukraine chưa nhìn thấy điểm dừng, hệ luỵ của xung đột vượt ra ngoài phạm vi các nước liên quan, trong đó có Việt Nam dẫn đến chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương.
Những điều đó đã tạo ra những khó khăn do ngành logistics ở Việt Nam được thành lập chưa lâu, quy mô nhân lực và vốn còn nhỏ. Cùng với sự thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế do các doanh nghiệp chỉ tập trung kinh doanh thị trường nội địa, mới cung cấp dịch vụ logistics cơ bản, khả năng liên kết chưa cao.
Các yếu tố trên đã khiến ngành logistics Việt Nam đối diện với những nguy cơ tiềm tàng, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành. Trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh, từ sự lấn sân của những “ông lớn”, trí tuệ nhân tạo, trung hoà carbon, tự động hoá và liên kết dọc, ngang, chéo.
Do đó, ông Hải kiến nghị cần cải thiện Chính sách, hạ tầng, doanh nghiệp, công nghệ và đặc biệt là nhân lực.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2021 có 30.105 doanh nghiệp trong ngành logistics, trung bình khoảng 15 người/doanh nghiệp và có 452.560 người lao động trong cá doanh nghiệp logistics. Tổng số lao động của ngành trong năm 2021 là 593.190 người.
Theo VALOMA, tới năm 2030, nhu cầu nhân lực đối với các doanh nghiệp logistics là 865.777 người lao động, nhân lực logistic đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là 218.163 người lao động. Dự báo đến năm 2030 sẽ thiếu khoảng 490.750 người lao động trong ngành logistics.
Những kỹ năng nhân lực ngành logistics cần có
PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho biết, bối cảnh VUCA ảnh hưởng tới nhân lực logistics là áp lực chuyển đổi số cao, đòi hỏi nhân viên phải có kỹ năng IT tương ứng và đào tạo nhân sự đa nhiệm.
Theo bà Hương, các kỹ năng mềm cần được quan tâm và phát triển là khả năng thích nghi với sự thay đổi, khả năng chịu được áp lực công việc cao. Bên cạnh đó, các nhân lực trong ngành cần có hiểu biết về an ninh và bảo mật dữ liệu; khả năng xử lý và phân tích dữ liệu, thông tin trên máy tính; khả năng học tập suốt đời.
Trong 2 năm tới, nhu cầu tuyển dụng nhân viên giao nhận, nhân viên hành chính, nhân viên khai báo hải quan, tài xế xe tải, nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên điều hành vận tải sẽ được chú ý.
Về năng lực chung, 100% các vị trí đều cần được doanh nghiệp đào tạo lại. Tuy nhiên, mức độ thích ứng sau đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào các nền tảng Kỹ năng sống của nhân viên.
Đồng ý kiến, bà Phạm Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cho biết, kỹ năng mềm đóng vai trò rất quan trọng như khả năng học tập suốt đời, kỹ năng tổ chức công việc và quản trị thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và thương lượng, đàm phán.
Đặc trưng công việc trong ngành là kiến thức đa dạng, thay đổi liên tục theo khách hàng và theo thị trường; sự tương tác với nhiều đối tượng, đa chiều, đa góc; thời gian linh hoạt theo từng khách hàng, dự án và đặc biệt cần tuân thủ KPI.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội khuyên các bạn sinh viên đã, đang và có định hướng theo ngành logistics nên bắt đầu từ việc trang bị kỹ năng mềm, kiến tập, thực tập để nắm bắt thực tiễn hoặc tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm để có nhiều cơ hội học tập, kết nối công việc.
Bên cạnh đó, Tiếng Anh là bắt buộc trong ngành logistcis bởi thuật ngữ trong ngành nhiều, cơ hội học hỏi các nước, doanh nghiệp đi trước từ nước ngoài rất quan trọng.