Thay vì chọn cách tiếp tục ra đi, nhiều du học sinh về nước đã tìm được cho mình một chỗ đứng vững chắc ở Việt Nam.
Nhiều du học sinh về nước không tìm được việc làm không phải là một câu chuyện mới, tuy nhiên nó luôn là đề tài nóng. Đã qua rồi cái thời có được tấm bằng đại học ở nước ngoài sẽ đảm bảo một công việc tốt. Nhiều du học sinh trở về đã bị sốc trước thực tế cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay ở Việt Nam.
Bộ phận lớn các bạn chọn làm việc trái ngành trong các công ty với mức lương ít ỏi hoặc tìm con đường mới. Nhiều bạn loay hoay mãi mà không tìm được một chỗ làm phù hợp vì những kiến thức tích lũy được ở nước ngoài không áp dụng được đối với thị trường Việt Nam. Sự kì vọng một mức lương quá cao, vượt khỏi tầm đáp ứng của các nhà tuyển dụng cũng khiến nhiều du học sinh nản chí.
Không đầu hàng trước thực trạng đó, nhiều du học sinh đã trở về và lập nghiệp thành công ở Việt Nam. Điều cốt lõi duy nhất giúp họ đạt được những điều đó chính là am hiểu thực tế, chấp nhận đương đầu với khó khăn và đứng lên bằng chính tài năng, kinh nghiệm của bản thân.
Không cần giữ chân du học sinh
Đó là lời khẳng định của Lê Thị Thu Vân, sinh năm 1990, cựu sinh viên khoa luật, đại học quốc gia Kyushu, Nhật Bản và khoa quốc tế, đại học Nữ sinh Fukuoka, Nhật Bản, với 7 gói học bổng từ thời sinh viên đến sau đại học, cô đã trải nghiệm cuộc sống và học tập ở 11 quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Italy, Hà Lan... khắp châu Á, châu Âu, châu Úc.
Thu Vân đang làm trong một tổ chức phi chính phủ về phát triển bền vững. Vân và các đồng sự đang thực hiện các dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, tiêu dùng xanh và năng lượng tái tạo. Tổ chức đã giúp các doanh nghiệp này kêu gọi được nguồn vốn tài trợ dưới nhiều hình thức như: tìm nhà đầu tư thiên thần, vay vốn, đưa công nghệ ra giới thiệu tại châu Âu.
Cựu du học sinh Nhật Bản Lê Thu Vân
Thu Vân cho biết: "Những bạn về vài năm rồi lại đi tiếp là do các bạn không thấy phù hợp hoặc không có được sự linh hoạt trong chuyên môn, phong cách làm việc để thích nghi trở lại và đạt được hiệu quả sau quá trình sống và học tập tại nước ngoài quá lâu...
Có rất nhiều lý do, nhưng không hẳn ra đi đã là tiêu cực. Hơn hết, mình nghĩ không nhất thiết phải giữ chân các bạn du học sinh mà quan trọng hơn là giữ cho cái tâm và trái tim của họ vẫn hướng về Việt Nam. Các tỷ phú sở hữu sự nghiệp và những thương hiệu khiến nhiều người Việt tự hào như Vietjet Air, Vingroup... đều có những bước khởi đầu ở nước ngoài. Nếu chúng ta "giữ chân" họ ở Việt Nam thời kỳ trước đây thì có lẽ đã không có họ ngày hôm nay."
Việt Nam đang có một môi trường mở, phát triển mạnh mẽ với nhiều biến động. Không thể bê nguyên những lý thuyết và quy tắc được coi là mặc định ở nước ngoài và trông chờ chúng sẽ hoạt động tương tự tại Việt Nam. Có nhiều khía cạnh như hệ thống giao thông, logistics, giao dịch qua mạng, hệ thống hành chính công, văn hoá công sở... ở Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt và cần thời gian để được hoàn thiện và cho những nhân lực trong ngành dần thích nghi. Nếu chúng ta lý tưởng hoá mọi thứ và thiếu đi sự linh hoạt, đây sẽ là một trở ngại lớn gây áp lực cho chính bản thân mình. Ngược lại, nếu chúng ta rèn luyện được sự linh hoạt và cẩn trọng, đây lại trở thành một thuận lợi rất lớn và khiến công việc trôi chảy hơn, thành công dễ đến hơn rất nhiều.
Mọi thứ tôi tìm và theo đuổi đều ở Việt Nam
Quang Thái, sinh năm 1991, cựu du học sinh Đại học Marymount tại bang Virginia, Mỹ, phó chủ tịch hội Sinh viên Việt Nam tại thủ đô Washington cũng đã chọn con đường về nước cống hiến sau nhiều năm học tập và sinh sống ở nước ngoài.
Thái chia sẻ: "Đi hay về không có nghĩa là tốt hay không tốt. Vấn đề là ở sự thích nghi của từng người. Có những người thích hợp với môi trường làm việc cũng như cuộc sống ở những nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc... Ngược lại thì có những người nhìn thấy rất nhiều cơ hội tại những nước đang trong thời kì tiên tiến như Việt Nam. Và nút thắt ở câu truyện trên không phải là Việt nam thiếu gì để giữ chân họ, mà là mỗi con người thật sự tìm kiếm điều gì. Còn như tôi, mọi thứ tôi tìm và theo đuổi đều ở Việt Nam."
Quang Thái đang bắt đầu phát triển sự nghiệp của bản thân tại Việt Nam
Là một du học sinh ngành thiết kế nội thất, tuy nhiên khi về nước, Thái nhận ra làm nội thất ở Việt Nam hoàn toàn khác với những kì vọng trong tưởng tượng, đặc biệt là văn hoá làm việc. Vì vậy sau 1 năm anh đã quyết định bỏ công việc thiết kế tại công ty thời điểm đó để chuyển sang công việc kinh doanh.
Anh lựa chọn về Việt Nam vì bản thân cảm thấy hiểu Việt Nam hơn, hiểu văn hoá cũng như con người hơn. Và để làm được bất kì điều gì thành công, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, thì thì hiểu sâu về thị trường là yếu tố quan trọng nhất.
Đừng "ảo tưởng sức mạnh"
Nghiêm Đức Mạnh, cựu sinh viên trường Đại học tổng hợp Cassino, Lazio, Italy, người từng nhận học bổng Master của trường Saitama, Nhật Bản và học bổng Master trường Cassino, Italy.
Thời còn là du học sinh, anh là người đứng ra tổ chức những ngày văn hóa Việt Nam tại Italy năm 2013, 2014; Festival du học sinh Việt Nam tại Ý 2012, 2013, 2014, 2015; tham gia tổ chức tuần lễ thời trang Viet Nam Tại Rome và Milan; tổ chức lễ hội văn hóa kéo dài trong 6 tháng tại EXPO MILAN 2015.
Hiện tại, Mạnh đã có một công ty riêng về tư vấn thương hiệu và marketing tổng thể. Anh cũng là Co-Founder chuỗi thương hiệu thời trang với mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về phong cách ăn mặc của người Ý.
Mạnh cho biết: "Trước khi đi du học mình đã nghĩ sau khi học xong sẽ về Việt Nam làm việc và sinh sống, vì mình mong muốn sống gần gia đình và bạn bè.
Sau những năm tháng học tập và làm việc tại nước ngoài mình đúc rút là được chẳng đâu bằng quê hương, nếu bạn có năng lực thì Việt Nam mới chính là nơi để bạn bắt đầu. Đây là miền đất hứa cho những bạn đã học được những cái mới ở nước ngoài để về ứng dụng.
Và mình khuyên thật lòng là các bạn nên đi làm, trải nghiệm ở Việt Nam sau đó mới nên đi học tiếp ở nước ngoài."
Mạnh mong muốn mang văn hóa Ý về Việt Nam
Theo Mạnh, các bạn du học sinh hay bị "ảo tưởng sức mạnh", nghĩ mình về nước phải làm này làm nọ và phải ứng dụng cái mình học vào luôn. Nhưng lý thuyết và thực tết tại Việt Nam rất khác, nên cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Những cái bạn học được từ nước ngoài, có thể trong một thời điểm nào đó nó đã lỗi thời ở Việt Nam. Quá kỳ vọng và khả năng thích ứng kém nên khi về nước nhiều bạn sẽ rất nhanh bị nản và tiếp tục tìm đường quay lại.
Tuy đã lường trước được những khó khăn và để bản thân ở mức "chạm đất" nhất có thể nhưng khi mới về nước, hầu hết du học sinh đều bị căng thẳng một thời gian, do môi trường sống quá nhanh quá ồn ào.
Về nước thất nghiệp, chán nản rồi tìm đường ra đi, lỗi không phải ở Việt Nam, mọi nguyên do đều xuất phát từ chính năng lực bản thân và khả năng thích nghi môi trường làm việc của mỗi du học sinh.
Ba bạn trẻ kể trên chỉ là một con số nhỏ trong rất nhiều du học sinh về nước chấp nhận thực tại và quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình.
Thành công của một người không nằm ở môi trường làm việc mà nằm ở thái độ với công việc. Về hay ở tuỳ thuộc vào cách suy nghĩ của mỗi người, chỉ cần luôn hướng về Việt Nam thì dù ở đâu bạn cũng có thể cống hiến cho đất nước này.