Đã 60 năm trôi qua, nhưng có lẽ ông Đàm Sính ở tổ 22, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, một trong những người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát, vẫn vẹn nguyên những ký ức không thể nào quên về một trận chiến ác liệt, gian khổ mà oai hùng.
Năm nay bước sang tuổi 80, nhưng khi gặp và nghe chúng tôi hỏi chuyện, những ký ức hào hùng của một thời máu lửa lại hiện về trong tâm trí ông. Ông Sính nói: Trong cuộc đời người lính, tôi may mắn và vinh dự được chứng kiến và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát và các sĩ quan cao cấp của Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng để có được chiến công, phải nói đến công sức và sự hy sinh của biết bao chiến sĩ, đồng đội và của cả dân tộc.
Ông Sính kể, n ăm 1954, vì biết tiếng Pháp nên ông được Cục Địch vận cử tham gia bắt sống và áp giải tướng Đờ Cát từ Yên Bái về Tuyên Quang. Khi tướng Đờ Cát bị áp giải qua thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, lúc đó người dân thị trấn Vĩnh Lộc đổ ra xem rất đông. Sau đó, tướng Đờ Cát được giam giữ riêng tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Còn các sỹ quan cao cấp khác của Pháp được giam ở xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, ông còn dẫn phóng viên nhiếp ảnh thời sự người Nga đến quay cảnh tù bình Pháp tại trại Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Sau này tướng Đờ Cát được trao trả cho Pháp ở cầu Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Tướng Đờ Cát và cán bộ chỉ huy dưới quyền bị bắt sống. Nguồn: Tư liệu |
Ông Đàm Sính, sinh năm 1935, tên thật là Đàm Nhí (thường gọi là Nhỏ), trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố ông là Đàm Văn Uẩn -một trong những người cầm đầu phong trào chống thuế ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, bị mật thám Pháp truy lùng nên trốn sang Tuyên Quang, rồi lấy vợ ở huyện Chiêm Hóa. Năm 1940, bố ông bị thực dân Pháp bắt và đánh chết tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa. Mẹ ông Sính là bà Phan Thị Gái cũng tham gia hoạt động cách mạng bí mật, nên ông phải sống với dì ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. S au này, mẹ ông được chuyển về Ban Kinh tế Trung ương và khi Tỉnh ủy Tuyên Quang được thành lập, bà được điều về làm ở Ban Kinh tế Tỉnh ủy Tuyên Quang.
Năm 1946, ông chuyển về sống với mẹ ở Hà Nội, năm đó ông 11 tuổi, đã được đồng chí Chu Đốc - Cục trưởng Cục Bảo vệ giao cho đi trinh sát vụ án Ôn Như Hầu. Hàng ngày, ông đi bán lạc rang để thực hiện nhiệm vụ.
Đến năm 1950, ông trở lại Tuyên Quang để tiếp tục học tập. Do biết tiếng Pháp, nên ông được bổ sung vào Cục Địch vận, tại đây ông tiếp tục học tiếng Pháp và được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông làm cán bộ quân báo Trung đoàn 246, cán bộ huấn luyện sỹ quan trẻ, cán bộ quân báo bên nước bạn Lào, Thái Lan. Năm 1970, ông chuyển ngành về Ban Dân chính Đảng tỉnh, rồi Ty Lương thực và về hưu năm 1971.
Không chỉ là người lính dũng cảm trong thời chiến, ông còn là người cựu chiến binh hết lòng vì đồng đội trong thời bình. Sau khi nghỉ hưu, năm 1998, ông đã thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Tuyên Quang và làm Trưởng ban liên lạc suốt 10 năm. Hiện nay, Ban liên lạc có 65 hội viên, các hội viên thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống...
Ông Đặng Thế Trình - hội viên Ban liên lạc cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Tuyên Quang cho biết: ông Sính là người rất tận tình với công tác hội, mỗi khi nghe tin có đồng đội bị ốm, bất kể mưa hay nắng ông đều tận tình đến thăm hỏi động viên, giúp đỡ đồng đội…
Với những công lao đã đóng góp, ông Sính vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương Chiến sỹ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Trung đoàn Thủ đô năm xưa và Kỷ niệm chương Chiến thắng Điện Biên Phủ…
Trở lại với cuộc sống đời thường, ông Sính cũng như những người lính năm xưa trong Ban liên lạc cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Tuyên Quang, vẫn phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng chính quyền tại địa phương, giáo dục con, cháu trở thành người có ích cho xã hội, góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo Quang Đán (Tintuc/TTXVN)