Dòng nước đỏ chảy ra từ cống Mọc, loang cả một đoạn sông dài, nhiều nhất là vào tháng 3 âm lịch và các vết xẻ bí ẩn trên những quả đồi kéo dài 2km.
Đó là những hiện tượng được đồn thổi về máu rồng Cống Mọc tại thôn Lục Liễu, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Đến với tỉnh Bắc Giang, du khách có thể đi thăm khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, An toàn khu II, đình Thổ Hà, chùa Vĩnh Nghiêm, hay đến với khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, Khuôn Thần, cây dã hương nghìn năm tuổi. Đặc biệt khi tới thôn Lục Liễu, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, sẽ được nghe người dân kể về truyền thuyết rồng cống Mọc.
Có nhiều truyền thuyết liên quan đến loài rồng được lưu truyền như: Truyền thuyết thủy thần, học trò thầy Chu Văn An làm mưa bằng mực viết, truyền thuyết đàn rồng hạ giới chống giặc ngoại xâm giúp các vua Hùng…
Truyền thuyết rồng cống Mọc được truyền miệng từ xa xưa.
Cống Mọc là ranh giới giữa hai thôn Hòa An và Lò Nồi, đều thuộc xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Cống Mọc được xây dựng trên một con sông nhỏ, chảy ra sông Thương. Nơi này vốn là vùng trung du rất âm u, hoang vắng, cây cối rậm rạp, nhà dân thưa thớt. Ban ngày, người nào mạnh dạn nhất đi qua cống Mọc cũng phải rùng mình.
Cống Mọc, nơi máu rồng chảy ra đỏ dòng sông. Ảnh: Khánh Phong |
Ông Nguyễn Thế Thụ, một người dân tại thôn Lục Liễu khẳng định ông từng được các cụ kể rằng: Trong gia phả dòng họ có ghi rằng: Có hai con sông nhỏ quanh co uốn lượn theo sườn núi, chảy ra sông Thương từ hai phía. Điểm mà hai con sông này gặp nhau là bãi cát rộng nằm giữa dòng sông Thương thơ mộng. Nhìn từ trên cao thì hai con sông này trông giống hai con rồng và bãi cát trông giống như hòn ngọc. Khi xem thiên văn, người phương Bắc cho rằng An Nam sắp có đế vương do hai con rồng tranh nhau hòn ngọc.
Do lo lắng, sợ hãi về một đấng Minh Quân người Việt xuất hiện gây ảnh hưởng tới thể lực của mình. Sau nhiều ngày tìm kiếm trên đường bộ, người phương Bắc phát hiện ra huyết mạch, đó là con rồng đực trên cạn dài khoảng 2km, chạy qua bốn quả đồi và ba cánh đồng.
Cống Mọc là đầu của con rồng, thân rồng chạy dài từ đồi Quán Đanh đến đồi dốc Mun, đồng Long, qua đồi vườn Hội, rồi đến đồi Ngái là đuôi rồng. Họ cho người xẻ rãnh rộng khoảng 4m giữa đỉnh các quả đồi từ đầu rồng đến đuôi rồng, nhằm mục đích phá tan con rồng. Vừa đào người phương Bắc vừa trấn yểm, nhiều lá bùa.
Mặc dù làm mọi cách nhưng mục đích của chúng bất thành, con rồng vẫn sống vì được thần An Nam yểm trợ.
Không từ bỏ ý định, chúng đi đường thủy tìm kiếm vị trí khác để phá. Phát hiện ra chính cống Mọc là cổ họng con rồng. Do vậy, chúng cho người cuốc vào cổ họng rồng. Kỳ lạ thay, cứ cuốc được bao nhiêu thì đất lại lấp đầy như cũ, những người chứng kiến không thể tin nổi chuyện gì đang xảy ra, quân lính hoang mang lo sợ, sinh ốm đau bệnh tật, chết nhiều vô kể.
Vào một đêm tối trời, một tên lính bị thương nằm lại cống Mọc, nghe thấy các thần bàn chuyện và biết được điểm yếu của phép thần muốn phá thành công con rồng thì đào được bao nhiêu đất phải bọc vào váy những người con gái còn trinh tiết, mang ra bãi cát giữa sông Thương đổ ở đó. Chúng làm đúng như vậy và họng con rồng bị cắt đứt, máu phun ra ào ạt. Con rồng bay vụt lên không trung, một cơn lốc mạnh nổi lên cuốn phăng hết thảy, mưa đổ liên hồi, sấm sét giật đùng đùng. Rồi con rồng rơi xuống một quả đồi lớn, lăn lộn hồi lâu, quả đồi bị san phẳng, tạo thành bãi đất rộng mênh mông. Bây giờ nơi đó là cánh đồng Long màu mỡ.
Trong làng đến giờ vẫn truyền tai nhau câu nói: “Rên như rồng cống Mọc” khi ai đó bị ốm đau, bệnh tật hay kêu la, rên rỉ.
Cho đến ngày nay, nước từ cống Mọc chảy ra sông Thương vẫn có màu đỏ như máu, chảy thành từng vệt, có váng, nhiều nhất là vào tháng 3 âm lịch. Mỗi khi nước chảy có màu đỏ, người dân lại rủ nhau đi xem “máu rồng” và nhiều chuyện ly kỳ, huyền bí được mang ra bàn tán sôi nổi.
Các cụ cao niên trong thôn Lục Liễu kể: “Ngày trước vùng này chủ yếu là rừng núi, dân cư không đông đúc như bây giờ. Cả thôn chúng tôi, ai ai cũng được nghe về truyền thuyết rồng cống Mọc. Linh thiêng lắm các chú ạ. Các chú ra cống thì biết rồi còn gì, nước chảy vẫn có màu đỏ và những vết xẻ trên những quả đồi vẫn còn.
Nhiều đêm, người dân nhìn thấy một đốm sáng bay lượn trên bầu trời, nhiều người nghĩ rằng đó là máy bay nhưng khi nhìn kỹ lại thì đó là một con vật to lớn, rất dài, cổ bị nhiều vết thương, máu vẫn tứa ra thành những vệt nhỏ. Dân làng quỳ lạy một hồi lâu rồi con vật từ từ bay về hướng cống Mọc và biến mất. Lúc đó mọi người mới hết hoảng sợ vì đó là rồng cống Mọc – vị thần hộ mệnh của dân làng Lục Liễu”.
(Sự thật về những hiện tượng kỳ lạ đó như thế nào, xin mời quý độc giả đón đọc tiếp kỳ sau)
Theo Khánh Phong