Theo tin tức trên Zing.vn, PLO, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (7/11), Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, qua lời khai ban đầu thì nguyên nhân chính khiến bà Nguyễn Thị Hường (66 tuổi, trú xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) sát hại cháu nội Nguyễn Thị T. (11 tuổi, học sinh lớp 6) là do mâu thuẫn gia đình.
Kết quả điều tra ban đầu, vợ chồng con trai bà Hường vào miền Nam làm ăn, để lại con gái là Nguyễn Thị T. (nạn nhân trong vụ án) cho ông bà nội chăm sóc. Sau này, khi con trai bà Hường về quê thì thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn với bố đẻ.
Bà Hường khai rằng, bố của T. đối xử với họ không ra gì. Hồi đầu tháng, bà Hường mua thịt nấu cho chồng ăn nhưng bị con trai chửi bới. Chồng bà Hường hôm đó bỏ ăn, khóc và dọa sẽ tự tử.
Về phía T., bà Hường cũng cho rằng từ nhỏ, bé gái đang học lớp 5 nhiều lần hỗn lão với ông bà nội. Hôm 3/11 vừa qua, bà Hường đi mua 2 két bia để bán lại cho người khác thì gặp Tâm đi xe đạp trên đường. 2 bà cháu rủ nhau đến nhà họ hàng chơi nhưng họ đi vắng.
Trên đường về, bà Hường nhắc đến chuyện bố con T. hỗn lão nên 2 bên cãi vã. Lúc này, bà Hường bắt đầu nảy sinh ý định sát hại cháu nội.
Nghi phạm lấy cớ nhờ Tâm chở vào khu vực có đập nước để tắm rồi nhờ cháu nội kỳ lưng. Khi bé gái không để ý, bà Hường đã xô Tâm xuống nước.
Sau khi ra tay với cháu nội, người phụ nữ này bắt xe lên Hà Nội như chưa có chuyện gì xảy ra.
Nhận được tin báo, Công an huyện Yên Thành tổ chức điều tra, quá trình điều tra phát hiện giai đoạn cuối cùng 2 bà cháu đi với nhau thì đặt ra nghi vấn và mời bà lên đấu tranh thì bà ấy nhận là như vậy. "Hiện nay dư luận nói rằng bà theo một giáo phái, đúng là bà có theo nhưng nguyên nhân chính cho đến thời điểm hiện nay thì bà vẫn khai là như vậy” , tướng Cầu thông tin.
Trước thông tin bà Hường mua bảo hiểm cho cháu, vì thiếu tiền nên dựng hiện trường giả để sát hại cháu nhằm trục lợi bảo hiểm, ông Cầu cho hay, tình tiết này cũng chưa được điều tra. Quá trình điều tra kết luận về nguyên nhân, động cơ, mục đích gì thì phải có thời gian.
Cũng theo tướng Cầu, vụ án cũng là một hiện tượng cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, như nhiều lần các ĐBQH đã phản ánh trên diễn đàn Quốc hội. Ông cho rằng “bây giờ để tìm lại đạo đức như ngày xưa là cực kỳ khó” vì vậy cần phải có chiến lược để đào tạo từ thế hệ trẻ để chấn hưng đạo đức xã hội. Trong đó phải tập trung từ ba môi trường, gồm: gia đình, nơi giúp trẻ hình thành nhân cách; nhà trường và môi trường lớn hơn là xã hội.