Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành gần đây như một làn gió mới giúp các DN tự tin hơn để ổn định sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn do dịch Covid – 19 gây ra. Ông có đánh giá gì về chỉ thị này?
- Chỉ thị 11 đã yêu cầu các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... là những đầu mối thực hiện giải quyết các khó khăn vướng mắc của DN. Đặc biệt, trong chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nâng gói tín dụng hỗ trợ từ 30.000 tỷ đồng lên 80.000 tỷ đồng, cũng như như gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng giúp các DN trong nước vượt qua khó khăn. Ở góc độ tài chính, Chỉ thị đã yêu cầu toàn bộ hệ thống ngân hàng, ngân hàng thương mại cổ phần tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn các DN hoàn thiện hồ sơ để nhận ưu đãi.
Gần đây nhất, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là tài chính và hệ thống ngân hàng nới rộng các đối tượng được thụ hưởng. Góc độ của DN đây mới là văn bản hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5%. Còn với hỗ trợ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội lại đòi hỏi đối với DN phải có 50% người lao động nghỉ việc mới được hưởng ưu đãi. DN cũng mới đang làm hồ sơ và điều này cũng khó cho DN.
Nhiều DN đang gặp khó khăn thực sự nhưng để chính sách đi vào cuộc sống vẫn có độ trễ nhất định. Dưới góc độ Hiệp hội, ông có kiến nghị gì để Chính sách sớm đi vào cuộc sống?
- Hiện các chính sách gỡ khó cho DN đã được ban hành nhưng vấn đề quan trọng là các cơ quan quản lý phải tiến hành rà soát xem có bao nhiêu DN được thụ hưởng ưu đãi, còn vướng mắc gì. Bởi thời điểm này đã bước sang quý II/2020. Qua nắm bắt phản ánh của các DN, họ đã gặp khó khăn từ tháng 12/2019, trong khi chính sách mới ban hành từ tháng 2/2020; đến tháng 3 mới tiến hành rà soát thì DN khó có thể thụ hưởng được ngay. Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiến hành rà soát chính sách, sớm có các văn bản hướng dẫn xem có bao nhiêu DN được thụ hưởng, còn vướng ở đâu để Chính phủ quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN. Đối với các DN chưa đủ điều kiện được thụ hưởng thì cần chỉ rõ do đâu để DN tiệm cận được hướng dẫn cụ thể.
Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra, ông có nhận xét gì về các chính sách của TP Hà Nội ban hành nhằm giúp các DN vượt khó?
- Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. TP đã yêu cầu các DN hoạt động, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phải sản xuất, kinh doanh an toàn để phòng chống dịch một cách hiệu quả. TP cũng ưu tiên các DN sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của xã hội. Đối với các ngành còn lại TP cũng kiểm tra đánh giá để tổng hợp kiến nghị Chính phủ đưa ra chính sách phù hợp với bối cảnh của Thủ đô.
Hà Nội có số ca nhiễm dịch đứng đầu cả nước, cũng là nơi có nhiều DN nhất nên sự ảnh hưởng đối với DN là rất lớn và sẽ ảnh hưởng chung đến nền kinh tế của cả nước. Do đó, lãnh đạo TP đã có nhiều chỉ đạo, cuộc họp yêu cầu Sở Công Thương, KH&ĐT... qua các cuộc đối thoại đều nắm bắt khó khăn của DN để ưu tiên hỗ trợ.
Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, TP Hà Nội, theo ông, các DN cần phải làm gì trong giai đoạn này?
- Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP Hà Nội, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão, các DN cũng nên bắt kịp với xu hướng này. Do đó, các DN cần áp dụng nền tảng kỹ thuật số vào điều hành, sản xuất, kinh doanh. DN nào đi trước một bước sẽ có thể làm việc điều hành online, ký văn bản, nộp thuế, hải quan... dựa trên nền tảng công nghệ và sẽ hạn chế được việc giao dịch trực tiếp, tăng cường được liên kết nội, ngoại khối. Thông qua thương mại điện tử các DN có thể chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Nghĩa là DN phải chuyển hướng sang nền kinh tế số, vì đây là xu hướng chung của toàn cầu để sau khi dịch Covid-19, DN có thể mạnh mẽ vươn lên.
Xin cảm ơn ông!