Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn của Trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng. Điều đáng nói là trong đề thi trường này đã đưa Khá Bảnh một tên giang hồ, tội phạm vào gây xôn xao dư luận.
Cụ thể nội dung đề thi là nêu ra vấn đề "hiện tượng mạng Khá Bảnh với đời tư bất hảo vào được chào đón ở Yên Bái..." Đề thi yêu cầu các thí sinh "Hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập đến trong bài viết trên."
Ngay sau khi xuất hiện, đề thi này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Trả lời với báo chí, ông Ngô Hồng Tân - Hiệu trưởng nhà trường nói rằng mục đích của đề thi này là để học sinh hiểu và tránh các hiện tượng, trào lưu xấu đang xuất hiện trên mạng xã hội, để từ đó các em hình thành nhân cách, rút ra bài học cho cá nhân biết lựa chọn cái đúng, việc đẹp thần tượng.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Kiến Thức, Giáo sư Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: "Theo tôi, những nhân vật phản diện không bao giờ nên đưa lên sân khấu. Làm vậy, chẳng khác gì đang tiếp tục "quảng cáo" cho nhân vật đó.
Muốn hay không muốn, thì sự nổi danh vẫn ở đấy. Đưa những hình tượng xấu sẽ chỉ làm các bạn học sinh thêm tò mò về nhân vật này, khiến những bạn chưa biết sẽ biết.
Người ta ra đề đưa hình tượng xấu ra để phê phán, ngụ ý rằng những điều tốt cần phải nâng lên. Ý tưởng ra đề thi có thể tốt, nhưng về tâm lý thì chưa thấy được mặt trái. Vô hình trung, lầm tưởng rằng muốn khai thác chứ không phải phủ nhận vấn đề tiêu cực đó. Sư phạm là phải lấy mặt tốt đề đè mặt xấu, chứ không thể lấy mặt xấu để nâng mặt tốt".
"Đưa nhân vật đấy vào đề thi, nếu nói về sư phạm, tôi cho rằng đó là sai lầm" - GS. Bùi Hiền nói thêm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Công Lý, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau khi nắm được thông tin vụ việc trên, Bộ đã làm việc và chỉ đạo Sở GD&ĐT TP Hải Phòng kiểm tra xem tình hình cụ thể.
Ông Hoàn cho biết, đề mở gắn với những vấn đề thời sự có ý nghĩa thường gây được nhiều hứng thú khi học sinh vận dụng những kiến thức và kĩ năng từ bài học trong chương trình vào thực tiễn cuộc sống. Ngữ liệu đó phải phù hợp kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở mỗi lớp học, cấp học.