Cách đây vài năm, mẹ Cường đô la và nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền là hai gương mặt gây được nhiều ấn tượng. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố, hai nữ đại gia nổi tiến ngày nào giờ bỗng trở nên im hơi lặng tiếng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai.
Cách đây vài năm, Quốc Cường Gia Lai nổi lên là một công ty bất động sản lớn được nhiều người biết tới, sau màn chơi ngông khoe dàn siêu xe tiền tỉ của Cường Đô La
Thời điểm đó, tên tuổi của bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ Cường đô la - nổi như cồn. Cũng nhờ Cường đô la, bà Loan và công ty Quốc Cường Gia Lai được chú ý nhiều hơn khi QCG lên sàn.
Năm 2010, ngay khi QCG chào sàn, bà Loan đã lọt vào Top 5 người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 1.640 tỷ đồng cổ phiếu QCG. Sang năm 2011, QCG liên tục tuột dốc khiến tài sản của bà Lan “bốc hơi” một nửa. Kết thúc năm 2011, giá trị cổ phiếu QCG mà bà Loan nắm giữ chỉ còn 814 tỷ đồng. Mặc dù mất mát lớn nhưng bà Loan vẫn đứng thứ 4 trong danh sách 50 phụ nữ giàu nhất Việt Nam.
Năm 2012, giá trị cổ phiếu QCG trong tài khoản của bà Loan tiếp tục “bốc hơi” 50% nữa. Bà Loan chỉ còn hơn 442 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Bà Loan rớt từ vị trí thứ 4 xuống thứ 8 trong danh sách 50 người phụ nữ giàu nhất.
Năm 2013 dù thị trường bất động sản có nóng lên đôi chút nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn gặp khó. Tại thời điểm cuối năm 2013, tài sản của bà Loan giảm xuống 394 tỷ đồng. Dù giá trị cổ phiếu QCG tăng trưởng âm nhưng thứ hạng của bà Loan lại được cải thiện từ vị trí thứ 8 lên thứ 7.
Trong quý 2/2014, bên cạnh lợi nhuận giảm, Quốc Cường Gia Lai vẫn phải đối mặt với khoản nợ khủng. Hiện tại, Quốc Cường Gia Lai vẫn là con nợ lớn với tổng số nợ lên tới 4.116,65 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là 1.860,63, nợ dài hạn là 2.2256,02. Trong kỳ, nợ ngắn hạn giảm nhẹ nhưng nợ dài hạn lại tăng đáng kể. Khoản nợ khủng khiến chi phí tài chính của Quốc Cường Gia Lai “đội” lên đáng kể. Chi phí tài chính quý 2 của công ty này đạt 75 tỷ đồng, tăng 25,47 tỷ đồng, tương ứng 51,42% so với quý 2/2013; lũy kế 6 tháng đạt 80,97 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng, Quốc Cường Gia Lai đang nỗ lực xử lý nợ. Theo Nghị quyết và Biên bản Đại hội cổ đông lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của Quốc Cường Gia Lai, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành gần 150 triệu cổ phiếu để cấn trừ nợ và để chuyển đổi trái phiếu.
Hiện bà Loan rời xa Top 10 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán và đứng trong Top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền
Sau nhiều biến cố ảnh hưởng lớn đến gia đình bà Phạm Thị Diệu Hiền – người từng nắm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), giờ đây cuộc sống của mọi người trong nhà khá yên bình.
Ngày 30/7/2010, Viện nghiên cứu thủy sản Bình An – thuộc Cty CP Thủy sản Bình An (TP.Cần Thơ) được thành lập và đi vào hoạt động. Với ngợp trời cờ và hoa trong ngày khánh thành với vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng. Bà Diệu Hiền mở tiếp Công ty Cổ phần thủy sản Bình An với nhiều cổ đông lớn góp vốn. Tuy nhiên, bà Hiền vẫn giữ 50% vốn của công ty với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Bà được biết đến với chiếc siêu xe Rolls-Royce Phantom biển tứ quý 3333 trị giá 25 tỷ đồng cùng căn biệt thựu hoành tráng ngay bến Ninh Kiều, Cần Thơ.
Không chỉ thế,bà còn khiến dư luận “choáng váng” khi tổ chức đám cưới rình rang cho con trai bà là Trần Văn Chương với Hot girl Quỳnh Chi, với sự góp mặt của dàn khách mời là hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi cùng dàn xe siêu sang đi đón dâu.
Năm 2012, khi Công ty Thủy sản Phương Nam do bà Diệu Hiền làm Tổng Giám đốc vướng vào nợ nần, bản thân bà Diệu Hiền mắc bệnh nặng, phải sang Mỹ điều trị, ông Trần Văn Trí (chồng bà Diệu Hiền) đã từ bỏ công việc của mình để thay vợ gánh vác, giải quyết việc công ty.
Để giải cứu Thủy sản Phương Nam, ông Trần Văn Trí, với vai trò nhà đầu tư mới đã đến Sóc Trăng gặp lãnh đạo tỉnh và các chủ nợ ngân hàng. Sau đó, ông Trí vào vị trí điều hành Thủy sản Phương Nam giống như những ngày trực tiếp thay vợ điều hành công ty Bianfishco ở Cần Thơ.
Khi ông Trí tham gia Thủy sản Phương Nam, công ty này bên bờ vực phá sản khi chỉ còn dưới 1.000 công nhân và giá trị xuất khẩu năm 2012 chỉ gần 10 triệu USD.
Tháng 5/2013, các ngân hàng có dư nợ tại công ty Phương Nam đã có văn bản cam kết đối với các khoản nợ bằng cách góp vốn, khoanh nợ. Trong đó 2 ngân hàng tham gia góp vốn tái cấu trúc là LienVietPostBank (62,43% vốn điều lệ) thông qua bán nợ cho công ty Cổ phần Dịch vụ Đất Việt (Hà Nội). ABBank (tỷ lệ 34,17%) thông qua bán nợ cho ông Trần Văn Trí - tham gia trực tiếp vào HĐQT. Thủy sản Phương Nam được Sở KH-ĐT tỉnh Sóc Trăng cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với các cổ đông mới, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Minh Trí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc với vốn điều lệ 295 tỷ đồng.
Ông Trí cho rằng miền Tây là vựa tôm, cá lớn của cả nước, cần được quan tâm đầu tư, khai thác hiệu quả. Đây là lý do ông cùng lúc giải cứu Thủy sản Phương Nam, tham gia tái cấu trúc Công ty Thủy sản Ngư Long ở Đồng Tháp (nợ hơn 200 tỷ đồng), Công ty Thủy sản Minh Trí (Vĩnh Long, nợ hơn 100 tỷ), Công ty Thiên Mã (Cần Thơ, nợ khoảng 700 tỷ đồng)… nhằm vực dậy ngành thủy sản, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
"Sau khi vượt qua khó khăn, Công ty Bình An đã hoạt động tốt, chuẩn bị đại hội cổ đông lần 2 và tới đây là Thủy sản Phương Nam. Khi các công ty cùng ngành được tái cấu trúc, kinh doanh hiệu quả trở lại thì nông dân miền Tây có đầu ra ổn định cho tôm cá, xuất khẩu cũng tăng trở lại", ông Trí nói thêm.
Theo Bảo An/Người đưa tin