Con người bắt đầu thống trị Trái đất và gây ra những tổn hại không đảo ngược được đối với hành tinh của chúng ta vào khoảng năm 1610, theo một nghiên cứu mới.
Những cột mốc đánh dấu con người hủy hoại Trái đất
Các chuyên gia lâu nay vẫn bất đồng ý kiến về thời điểm loài người bắt đầu gây ra một tác động lâu dài đối với địa chất của Trái đất. Một vài người trong số họ cho rằng, đó có thể là năm 1964 khi bụi phóng xạ từ hoạt động thử nghiệm hạt nhân trở nên rõ thấy.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Anh hiện khám phá ra đó là năm 1610, vì tác động của sự chuyển đổi không thể đảo ngược được về cây trồng và các loài giữa thế giới mới và cũ.
Các nhà nghiên cứu đến từ trường UCL (Anh) nhấn mạnh, năm 1610 đánh dấu sự khởi đầu của kỷ địa chất do con người thống trị, có tên gọi là Anthropocene.
Các kỷ nguyên trước đây đều bắt đầu và kết thúc do những cuộc tấn công thiên thạch, núi lửa phun trào mãnh liệt dai dẳng và sự thay đổi của các lục địa. Tuy nhiên, các hoạt động của con người hiện đang làm thay đổi hành tinh và tạo ra một kỷ địa chất mới.
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature, để xác định một kỷ địa chất, các nhà khoa học phải nhận diện chính xác và chỉ ra thời gian của một sự thay đổi môi trường toàn cầu, vốn in dấu trong các vật liệu tự nhiên, chẳng hạn như đá, băng đá cổ hay trầm tích ở đáy đại dương. Một chỉ dấu như vậy, giống như dấu hiệu hóa học còn lại sau vụ tấn công thiên thạch xóa sổ khủng long trên Trái đất, được gọi là một cột mốc vàng.
Khi đối chiếu các ảnh hưởng môi trường lớn của hoạt động con người trong suốt 50.000 năm qua với 2 yêu cầu chính thức trên, nhóm nghiên cứu chỉ thấy có 2 mốc thời gian tiềm năng khởi đầu kỷ Anthropocene là năm 1610, khi tác động của việc khám phá ra châu Mỹ bắt đầu suy giảm và năm 1964.
Các nhà khoa học nhận định, việc người châu Âu tới châu Mỹ vào năm 1492 và hoạt động thương mại toàn cầu tiếp sau đó, đã đưa các loài tới những lục địa và đại dương mới ở một mức độ chưa từng có, dẫn đến sự tái sắp xếp sự sống toàn cầu trên Trái đất. Họ cũng phát hiện một cột mốc vàng ở cùng thời điểm - dấu ấn rõ thấy của cácbon điôxit trong bầu khí quyển tập trung vào năm 1610 và trong các ghi nhận về lõi băng Nam cực.
Tiến sĩ Simon Lewis, một thành viên nhóm nghiên cứu giải thích: "Nhiều nhà sử học coi việc nhập khẩu nông nghiệp từ các vùng đất mới rộng lớn của châu Mỹ vào châu Âu, cùng với việc sử dụng than đá phổ biến như 2 tiền đề thiết yếu của Cuộc cách mạng Công nghiệp, vốn sẽ dẫn tới các làn sóng thay đổi môi trường toàn cầu sâu rộng hơn nữa. Về mặt địa chất, giới hạn này cũng đánh dấu thời điểm mát đồng bộ khắp toàn cầu của Trái đất trước khi xảy ra quá trình ấm lên toàn cầu dài hạn của kỷ Anthropocene".
Tiến sĩ Lewis nói thêm rằng, mặc dù năm 1964 chứng kiến đỉnh điểm về bụi phóng xạ sau các cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử, nhưng đây không phải là sự cố thay đổi Trái đất xét về địa chất học.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc liệu có chính thức công nhận kỷ Anthropocene, kể cả thời điểm bắt đầu nó, dự kiến tới năm 2016 mới được cộng đồng khoa học quốc tế đưa ra.
Theo VietNamNet