Để ôn luyện cho kỳ thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang áp dụng, học sinh cần tránh cách học lệch, học tủ, học trọng tâm, học thuộc lòng...
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam phương thức thi đánh giá năng lực cho học sinh phổ thông. Đây sẽ là cơ sở để các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đánh giá về dạng đề thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang thực hiện, PGS. Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đề thi của kỳ đánh giá năng lực có sự khác biệt lớn so với các dạng đề thi trước đó.
Trong đó, khác biệt lớn nhất là mục tiêu của đề thi, đánh giá năng lực một cách toàn diện, trong đó có các kiến thức, tư duy định lượng, định tính (khối kiến thức Toán và Ngữ văn). Đặc biệt nhấn mạnh tới tư duy logic, tính toán, tư duy hình tượng, cảm xúc…
Đề thi đòi hỏi một kiến thức rất tổng hợp. Thí sinh sẽ làm bài trong thời gian 195 phút để đánh giá năng lực, gồm các kiến thức trong sách giáo khoa bậc trung học và nội dung tập trung chủ yếu (khoảng 70% nội dung) trong chương trình sách giáo khoa lớp 12.
Quá trình ôn tập cho kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh không nên học tủ, học thuộc lòng... Ảnh Tuổi trẻ |
Với dạng đề thi này của Đại học Quốc gia Hà Nội, phương thức thi đánh giá năng lực sẽ góp phần thay đổi cách học lệch, học tủ, học trọng tâm hay học thuộc lòng của học sinh phổ thông. Đề thi có nhiều câu hỏi quan tâm đến vấn đề thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi thí sinh phải hướng đến việc học để có một năng lực toàn diện.
Đề thi của mỗi thí sinh do máy tính tổ hợp từ cơ sở dữ liệu nguồn, đến giờ thi, thí sinh mới biết đề thi của mình như thế nào. Hình thức thi này sẽ hạn chế được nạn quay cóp, nhìn bài, hỗ trợ từ bên ngoài.
Do đó, để ôn luyện cho kỳ thi này học sinh cần tránh cách học lệch, học tủ, học trọng tâm, học thuộc lòng...
Ông Nguyễn Văn Hồng - chuyên viên tuyển sinh đại học của Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đây là bài thi đánh giá có tính chất tổng hợp kiến thức của nhiều môn học, ở nhiều mức độ khác nhau nên không thể đưa ra được giới hạn ôn tập. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một số gợi ý để các thí sinh có thể ôn luyện đạt kết quả tốt trong kỳ thi đánh giá năng lực:
Thứ nhất, thí sinh cần nắm chắc cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố. Cấu trúc đề thi gồm 180 câu hỏi bao gồm: phần 1 có 50 câu hỏi cho kiến thức toán học (tư duy định lượng) và phần 2 có 50 câu hỏi cho kiến thức Ngữ văn (tư duy định tính). Phần tự chọn, thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 hợp phần: kiến thức Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc kiến thức Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), mỗi hợp phần gồm 40 câu.
Thứ 2, thí sinh có thể tham gia làm bài thi thử online để làm quen với cách thức làm bài thi và các dạng câu hỏi trong đề thi.
Thứ 3, trong quá trình ôn tập, thí sinh không cần đọc quá nhiều tài liệu tham khảo khác nhau vì câu hỏi trong bài thi đánh giá năng lực chỉ nằm trong nội dung các bài học trong chương trình Trung học Phổ thông. Thí sinh cũng không nên học thuộc lòng, học tủ...
Sau buổi thi đầu tiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo, các thí sinh dự thi không tự ý đăng nhập hoặc thoát chương trình, tắt máy tính trước khi cán bộ coi thi cho phép.
Ngày 31/5, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thông tin nhanh về kết quả dữ liệu điểm thi của thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực tại một điểm thi ở Hà Nội. Theo tin tức, kết quả cho thấy, trên 70% thí sinh đạt điểm trên mức trung bình. Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, tỷ lệ 2/3 tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên như vậy cho thấy khả năng phân loại thí sinh của bộ đề là hợp lý và tốt...
Lê Hân