Rất nhiều người không thể chấp nhận được rằng Flappy Bird đã chết và họ tin rằng chính Internet đã giết chết trò chơi này.
Lance Ulanoff, cựu Tổng biên tập của Mashable, chia sẻ quan điểm của ông sau khi quan sát hiện tượng Flappy Bird những ngày qua:
Internet giúp Flappy Bird thăng hoa, nhưng cũng góp phần kết liễu trò chơi. Ảnh: Tuấn Hưng.
"Cảm ơn Internet vì một lần nữa đã hủy hoại tất cả.
Bạn đơn giản không thể chấp nhận sự tuyệt vời của Flappy Bird. Trò chơi cực kỳ đơn giản nhưng dễ gây nghiện này là mồi lửa để tạo ra những cảm xúc phức tạp từ thư giãn cho tới khổ sở. Một khi bắt đầu chơi, bạn khó có thể dừng lại. Chúng ta vẫn yêu/ghét nó cho đến khi mọi người không thể giữ được cảm xúc đó lại và các tài khoản mạng xã hội bắt đầu hủy hoại trò chơi và cả tác giả của nó.
Tôi biết đến cơn sốt Flappy Bird khá muộn. Nguyễn Hà Đông đã cho ra mắt game này từ tháng 5/2013 và gần như không ai để ý đến trong nhiều tháng. Sự phổ biến bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái nhưng tôi chỉ biết tới vào đầu tháng này. Khi đó, như thường lệ, tôi đang cố gắng trò chuyện một chút với cô con gái 16 tuổi. Nó dán mắt vào màn hình điện thoại và tôi đoán nó đang cập nhật Tumblr.
'Không. Con đang chơi Flappy Bird', con bé trả lời ngắn gọn.
'Flappy Bird? Nó là cái gì?'
'Một trò chơi. Ai cũng chơi nó cả. Nó rất thu hút'.
Không ai biết nhiều về những gì đang ồn ào trên mạng xã hội hơn những đứa trẻ như con gái tôi. Vì nó tảng lờ và không giải thích nhiều hơn, tôi tự cài Flappy Bird trên App Store vào iPhone 5S. Lập tức, tôi đã trải qua những cảm xúc trái ngược như vui vẻ, bực bội... giống như nhiều người chơi khác.
Nhưng chỉ một tuần sau đó, mọi chuyện kết thúc. Và Internet, chính ngươi là kẻ có lỗi.
Người ta bị thôi thúc tìm câu trả lời rằng vì sao trò chơi lại thành công đến thế. Nếu không thỏa mãn, họ sẽ kết luận theo hướng tiêu cực:
'Hẳn anh ta đã bỏ tiền mua những đánh giá đó'.
'Anh đang đang kiếm bộn tiền'.
Nguyễn Hà Đông lịch sự và kiên nhẫn trả lời mọi tin tứci về trò chơi của mình trên Twitter trong 3 tháng. Game càng phổ biến, cơn giận dữ của người chơi càng tăng cao thể hiện qua các trao đổi. Internet luôn tràn ngập những lời "ném đá" (chỉ trích) trong hàng loạt những chủ đề khác nhau.
Từ cuối tháng 1, khi thấy nhiều người chơi game quá nhiều, Nguyễn Hà Đông đã nói rằng: "Đó chỉ là một trò chơi. Tôi không làm game để hủy hoại cuộc sống con người".
Ngập trong những lời bình luận nặng nề, Đông dường như không nhận thấy nhiều người giống như tôi vẫn đang tận hưởng một cách thích thú sự khó chịu khi chơi Flappy Bird.
Đập bàn, ca thán, chửi thề... khi không ghi được điểm trên Flappy Bird là điều rất phổ biến. Trên mạng xã hội như Twitter, người ta thể hiện thái độ đó bằng cách viết hoa tất cả các chữ. Quá nhiều người viết theo cách đó khiến Đông có thể đã không nhận ra rằng không có ai thực sự chửi bới anh. Tôi nghĩ lý do mọi người nói về cảm xúc khó chịu là để đùa vui với những người khác. Nhưng dần dần, sự tiêu cực đó khiến Đông mệt mỏi.
Bạn không thể kiểm soát bản thân và bạn đơn giản không thể có được những điều tốt đẹp.
Một số đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng dường như đã quá muộn".
Một lời xin lỗi sau khi Đông tuyên bố khai tử trò chơi, nhưng mọi chuyện đã muộn.
Xem thêm: Flappy Bird "ăn đứt" Gangnam Style về độ nổi tiếng
Theo VNE