Ngày 27/10, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đã có kiến nghị gửi Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nghiên cứu, xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho phép giải pháp tình thế đối với công tác cai nghiện tại thành phố đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Theo văn bản, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ tháng 1-2014, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định, nhưng khi thực hiện rất khó khăn, nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Hiện nay, tại TP.HCM có hơn 19.000 người nghiện ma túy, tăng hơn 7.000 người so với năm 2013, trong đó, trên 60% số người nghiện là từ các tỉnh nhập cư về và không có địa chỉ quản lý.
Mặt khác, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biệp pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc rất phức tạp, quyết định trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3 - 6 tháng. Tiếp đó, nếu không được thì giao cho các tổ chức xã hội, phải xét nghiệm có dương tính với chất gây nghiện, được đưa ra tòa án quyết định...
Một thanh niên chích ma tuý trên vỉa hè công viên 23 Tháng 9, TP.HCM lúc 12h ngày 22/10. Khu vực này rất đông khách nước ngoài qua lại - Ảnh: Zing
Trong khi đó, thực tế gia đình người nghiện không cư ngụ ở thành phố, còn tổ chức xã hội lại không quyết định cụ thể là tổ chức nào, hay phải lập thêm một tổ chức mới... Từ đó, để đưa được một người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất cả năm.
Ông Huỳnh Thành Lập nhấn mạnh: Đây là vấn đề hết sức cấp bách do mức độ lây lan ngày càng nhanh, ngày càng nghiêm trọng, là “bước đệm” quản lý nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân.
Trước đó, thông tin trên tờ Zing phản ánh, tình trạng người nghiện phạm pháp ở TP.HCM đang gia tăng đáng báo động. Con nghiện sử dụng ma tuý tại các khu vực công cộng diễn ra ngang nhiên, đặc biệt là tại khu vực công viên 23 Tháng 9 (quận 1).
Tại công viên này và các con đường xung quanh, người dân dễ dàng thấy cảnh con nghiện tiêm chích ma tuý vào ban ngày. Trong ảnh, một kim tiêm bị bỏ lại tại gốc cây gần ngã tư Lê Lai - Tôn Thất Tùng.
Tại bãi xe buýt trong công viên 23 Tháng 9, đoạn gần vòng xoay Cống Quỳnh, các con nghiện thường sử dụng ma tuý ngay sau đuôi xe. Nhiều con nghiện ngồi ở làn đường dành cho hành khách lên xe để tiêm chích khiến nhiều người không dám đi qua.
Người dân phản ánh, phần cầu giáp kênh Tàu Hủ có vỉa hè rộng rãi, buổi chiều rất thoáng mát nhưng không ai dám đưa con em ra vui chơi vì sợ giẫm phải kim tiêm của các con nghiện.
Tình trạng sử dụng ma tuý tràn lan tại khu vực cầu Kênh Ngang số 2 khiến an ninh trật tự không đảm bảo, chính quyền địa phương lắp bảng cảnh báo khắp nơi.
Liên quan đến vấn đề tệ nạn xã hội, trao đổi với VnExpress ngày 27/10, ông Nguyễn Kim Hùng, Chi Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho hay, tính đến tháng 9/2014, số người nghiện có trong danh sách quản lý của Hà Nội là hơn 16.000 người. Trong đó, khoảng 6.800 người ở các trung tâm; 2.500 người ở các trường, trại; 6.500 người ở tại cộng đồng và trên 1.000 người nghiện lang thang.
Ông Hùng thông tin, trước kia các đối tượng nghiện vắng mặt tại nơi cư trú được quản lý riêng bằng Nghị định 43 và đã được các cơ quan chức năng thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, những đối tượng nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên được giao cho các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh... quản lý nên việc giám sát họ rất khó khăn.
Vị Chi cục trưởng bày tỏ bức xúc khi nói về công tác cai nghiện bắt buộc. Theo đó, 9 tháng đầu năm các trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội của Hà Nội đã tiếp nhận và cai nghiện cho 405 người. Trong đó cai nghiện bắt buộc cho 163 người, chỉ đạt 8,3% kế hoạch năm, giảm hơn 2.100 người so với cùng kỳ năm 2013.
Người đứng đầu Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng nguyên nhân chủ yếu việc không đạt chỉ tiêu kế hoạch cai nghiện bắt buộc do khó khăn trong việc triển khai áp dụng quy định của pháp luật. “Việc cai nghiện bắt buộc hiện nay được thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định 211/2013/NĐ-CP. Từ khi triển khai theo quy định mới, việc lập hồ sơ đi cai nghiện vô cùng khó khăn”, ông Hùng phản ánh.
Phương Huyền
tổng hợp/ Nguoiduatin