Việc ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tại các trường đang gặp nhiều khó khăn do năm nay Bộ GD-ĐT sẽ không công bố cấu trúc đề thi.
Theo quy chế kỳ thi THPT Quốc gia do Bộ GD-ĐT ban hành, kỳ thi THPT Quốc gia 2015 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, đề thi có phân bố ở chương trình lớp 10, 12 hay không và tỷ lệ thế nào đang khiến các thầy cô giáo và học sinh hoang mang. Hơn nữa, kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ càng khiến việc ôn tập của thầy và trò thêm bối rối.
Việc ôn luyện cho kỳ thi THPT Quốc gia tại các trường đang gặp nhiều khó khăn vì không có cấu trúc đề thi cụ thể. Ảnh minh họa.
Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP. HCM) Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết trên Infonet, những năm trước, cấu trúc đề thi được Bộ GD-ĐT rất cụ thể như đề thi tốt nghiệp sẽ chỉ có kiến thức của lớp 12, đề thi đại học có bao nhiêu phần trăm chương trình lớp 10, 11,12... Nhưng năm nay hiện chưa có thông tin gì, cấu trúc đề thi các trường cũng không biết.
Còn việc ôn luyện của thầy trò trường THPT Nhân Việt (Quận Tân Phú, TP. HCM) thì đang trong tình trạng vừa ôn vừa đoán đề. ThS Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt chia sẻ trên báo Phụ nữ TP. HCM: "Hiện nay trường vẫn đang trong tình trạng vừa ôn vừa đoán. Theo một số thông tin mà Bộ công bố trước đó, đề thi năm nay sẽ tăng cường những câu hỏi mở, chú trọng kỹ năng vận dụng kiến thức nên giáo viên ôn tập nhiều theo hướng này, nhưng cũng chưa biết đề thi sẽ như thế nào vì không có cấu trúc đề thi rõ ràng.
Như môn ngoại ngữ, Bộ thông báo có phần tự luận, trong khi trước đó dự thảo quy chế lại bảo là bỏ, chỉ có phần trắc nghiệm nên đến giờ giáo viên đành đoán mò theo dạng đề của các năm gần đây để dạy cho học trò. Đây là thay đổi đột ngột không chỉ với học sinh mà kể cả nhiều thầy cô cũng bất ngờ, trở tay không kịp, bởi đã bỏ công ôn tập theo hướng chỉ có trắc nghiệm vài tháng nay rồi”.
Lãnh đạo một trường THPT tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết trên Người lao động, do không có hướng dẫn cụ thể về đề thi nên giáo viên và học sinh khó có thể chủ động được mức độ phân hóa giữa các yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT yêu cầu đề thi có bốn mức độ phân hóa nhưng giáo viên vẫn chưa hình dung ra kiến thức như thế nào ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vì thế tương đối khó cho việc ôn tập.
Theo Bộ GD-ĐT việc không ban hành cấu trúc đề thi THPT Quốc gia nhằm góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan. Do đó, học sinh cần nằm vững kiến thức, nên học theo hướng hiểu để phân tích, bình luận và dành nhiều thời gian cho việc tự học để đáp ứng yêu cầu đề thi có câu hỏi mở, có tính phân hóa.
Theo My Vân/Đời sống và Pháp luật