Thông tin mới nhất trên Vnexpress và Vietnamnet đưa tin cho hay sáng ngày 18/7, báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác khoa giáo 6 tháng đầu năm tại Ban Tuyên giao Trung ương, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá đến nay kỳ thi THPT quốc gia đã đạt mục tiêu đề ra.
Theo đó, Bộ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 273 trường đại học, các trường bày tỏ tin cậy vào kết quả thi, lấy đó làm căn cứ để xét tuyển.
"Kỳ thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020 theo đúng lộ trình đã công bố. Trong năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố lộ trình thi THPT từ 2021 đến 2024 trước khi đổi mới sách giáo khoa, đảm bảo sự ổn định và cải tiến theo hướng tốt hơn, nhẹ nhàng hơn", ông Nhạ cho biết.
Kỳ thi THPT Quốc gia đã được thực hiện từ năm 2015 (giảm từ kỳ thi TN THPT, hai kỳ thi tuyển sinh đại học và một kỳ thi tuyển sinh cao đẳng xuống còn một kỳ thi). Thí sinh thi ngay tại địa phương, kết quả thi được sử dụng cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Nhạ cũng đã thông tin về việc biên soạn sách giáo khoa nhằm đáp ứng việc đổi mới giáo dục từ năm 2021.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được 5 bộ sách do các nhà xuất bản gửi đến và hiện đang tổ chức tập huấn để những người tham gia thẩm định sách giáo khoa thống nhất trong thẩm định nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, có SGK tốt nhất cho học sinh
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngoài sách giáo khoa lớp 1, Bộ sẽ thẩm định dần các sách giáo khoa khác theo lộ trình đổi mới cuốn chiếu, năm tiếp theo là sách lớp 2, 6, 9.
Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp.
Giai đoạn 2020-2021 áp dụng với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.