Thịt cóc là một loài vật quen thuộc ở Việt Nam, nổi tiếng với hương vị thơm ngon cũng như chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp bị ngộ độc khi ăn thịt cóc.
Thực tế, trên cơ thể loài lưỡng cư này có chứa độc tố (trên da, tuyến mang tai, gan và buồng trứng) rất nguy hiểm. Loại độc tố này có thể gây ảo giác, gây hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim nếu bạn ăn phải, thậm chí có thể gây ra ngộ độc cấp tính. Nếu hấp thu qua da, độc tố có thể gây dị ứng, bỏng rát. Thế nhưng ở Trung Quốc, chính thứ độc tố này lại là mặt hàng “hái ra tiền”, có thể bán với giá hàng chục triệu đồng/kg.
Chiết xuất nọc độc của cóc (nhựa cóc) và da cóc là những dược liệu đang khan hiếm ở xứ Trung. Người ta sẽ phân tách các thành phần trong nhựa cóc để ứng dụng vào việc điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo.
Riêng da cóc còn bị đẩy giá lên tới 10.000 NDT/kg, tương đương hơn 34 triệu đồng/kg. Theo Dược điển Trung Quốc hay Đại từ điển Đông Y, nhiều ghi chép từ thời xa xưa cho tới các nghiên cứu hiện đại ngày nay đều cho thấy trong thịt cóc có chứa hàng trăm hợp chất, axit amin và nhiều nguyên tố vi lượng, có Công dụng nhất định trong hỗ trợ lợi tiểu.
Bên cạnh đó, da cóc còn có giá trị về mặt nghệ thuật. Ở Trung Quốc có một loại tranh được làm từ da cóc với cách chế tác vô cùng cầu kì và có giá trị nghệ thuật rất cao.
Chính vì có nhiều giá trị về mặt kinh tế như vậy nên rất nhiều người dân nước này đã đổ xô đi bắt “cậu ông trời”, dẫn đến việc số lượng của chúng trong tự nhiên bị sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc còn đưa chúng vào danh sách động vật cần được bảo vệ cấp độ 3, không thể tùy ý săn bắt. Trước đó, một nhóm 23 người ở Tứ Xuyên bị phạt tiền lên đến 2,8 triệu NDT (9,5 tỉ đồng) do săn bắt trái phép 25.000 con cóc.