Chuyện kể nữa là ngoài bạch hổ thì ngày nào cúng tế ở đình cũng có hai con rắn to như cột nhà, có mồng đỏ cao hai gang tay, về nằm khoanh tròn trên hai cái bàn lớn ở bàn thờ trên đình.
Con đường nhựa liên xã chạy ngang qua thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) ngày nay vẫn còn một vòm cổng đã nhuốm màu rêu phủ. Theo người dân địa phương, nơi đây có nhiều câu chuyện kỳ bí, linh thiêng.
Nếu không có biển chỉ dẫn, hẳn không nhiều người biết đó chính là cổng thành Thọ An, một di tích khá ly kỳ với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.
Cổng thành Thọ An thuộc căn cứ Tuyền Tung một thời của nghĩa quân Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân trong phong trào Cần Vương. Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, căn cứ Tuyền Tung được xây dựng từ năm 1870 do đích thân tú tài Nguyễn Tự Tân (quê ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) xây dựng.
Cổng thành Thọ An
Căn cứ của phong trào Cần Vương
Lúc bấy giờ, lợi dụng Chính sách khai hoang lập điền của triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Tự Tân chiêu mộ nông dân yêu nước lên vùng Tuyền Tung (thôn Thọ An, xã Bình An, H.Bình Sơn bây giờ) lập căn cứ địa, luyện tập hương binh và chuẩn bị lương thực chiến đấu lâu dài. Thành Thọ An ở căn cứ Tuyền Tung lập năm 1870, vốn có địa thế hiểm trở vì được núi rừng bao bọc bốn bên, lại có đường thông với bắc, nam và phía tây.
Thành được xây lên bằng đá cuội tròn và đá ong. Bên ngoài có cổng thành, bên trong có sân rộng, nhà hội họp bàn việc. Cổng thành xây dựng theo lối vòm, cao khoảng 6m, trên đình vòm cổng đầu hành lang có 4 chốt gỗ tạo thành hai lớp cửa bên trong và bên ngoài.
Thời gian này, Nguyễn Tự Tân tổ chức khai thác quặng sắt ở vùng Lò Thổi (xã Bình Khương, huyện Bình Sơn) để rèn đúc vũ khí mang đi giấu trong núi. Bấy giờ nghĩa quân cũng liên lạc với các vùng miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi và nhân sĩ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định để phối hợp hành động.
Ngày 13/7/1885, Chánh quản Lê Trung Đình sau khi tiếp chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi đã tập hợp hương binh và kêu gọi nhân sĩ chống Pháp. Nghĩa quân cũng yêu cầu Bố chánh Quảng Ngãi là Lê Duy Thụy và quyền Án sát Nguyễn Văn Dụ cung cấp vũ khí chống Pháp nhưng bị từ chối. Do bị từ chối nên ngay hôm ấy, 3.000 hương binh từ thành Thọ An chia làm ba mũi tấn công thành Quảng Ngãi, bắt quan lại, tịch thu ấn tín, kêu gọi hưởng ứng phong trào Cần Vương kháng Pháp.
Khi chiếm được thành hai ngày thì đến ngày 16.7.1885, quyền Tiễu phủ sứ Sơn phòng Nghĩa - Định là Nguyễn Thân cùng Đề đốc Đinh Hội đem quân đánh phá. Phó tướng Nguyễn Tự Tân chết trận, chánh tướng Lê Trung Đình bị bắt và bị chém ở cửa bắc thành Quảng Ngãi vào ngày 23/7/1885. Sau đó, Nguyễn Bá Loan mang quân về lại thành Thọ An tại căn cứ Tuyền Tung tiếp tục kháng Pháp.
Những dấu tích còn lại của thành Thọ An.
Từ Tuyền Tung và nhiều nơi khác, nghĩa quân Cần Vương hưởng ứng sôi nổi, rập rập tiến về điểm hội quân tại đền Văn Thánh (Văn miếu Quảng Ngãi) sau đó theo lệnh Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân chia làm 3 mũi đánh chiếm thành Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước sau đó bị thất bại do sự hèn nhát của quan quân triều Nguyễn và sự phản bội của Nguyễn Thân. Chánh tướng Lê Trung Đình bị bắt, phó tướng Nguyễn Tự Tân hy sinh tại trận tiền.
Cùng với Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở, lực lượng, mở đầu cho phong trào yêu nước kháng Pháp liên tục, kiên cường của nhân dân và sĩ phu Quảng Ngãi. Ghi nhớ công ơn vị quốc vong thân của nhà chí sĩ, sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, trong một thời gian, phủ Bình Sơn đổi thành phủ Nguyễn Tự Tân. Hiện nay, một con đường lớn ở thành phố Quảng Ngãi và một trường trung học cơ sở ở huyện Bình Sơn cũng vinh dự mang tên ông.
Chuyện bạch hổ và đôi rắn khổng lồ
Tuy nhiên, bây giờ Thọ An, căn cứ Tuyền Tung vang dội một thời, nay chỉ còn cổng thành đã nhuốm màu rêu phong, hư hại rất nhiều. Phía trên cổng thành, có cây đa mọc phủ lên, còn nhìn từ dưới cổng thành lên trên, vòm cổng đã bị mưa nắng phá hỏng một lỗ hổng lớn.
Hai bên tường thành của cổng cũng trông xơ xác, những công trình bao quanh tường thành cũng không cò nhiều dấu tích, trông rất hoang phế. Đi sâu vào bên trong, nhà hội họp, mà dân trong vùng gọi là đình, không còn nữa, chỉ có nền đá ong viền xung quanh móng ngôi nhà hội họp cũ này.
Ngược về con đường đến căn cứ Tuyền Tung khoảng 500m, chúng tôi tìm kiếm người dân địa phương để tìm hiểu thêm về những câu chuyện ly kỳ xung quanh di tích kháng chiến này. Nhà ở đây còn rải rác, chưa gần nhau lắm, căn nhà của cụ Hồ Công Biểu, 70 tuổi, là gần thành nhất so với xóm giềng. Tuy cụ không phải là người bản địa, nhưng những câu chuyện mà chúng tôi muốn tìm hiểu, cụ nắm rất rõ.
Chị Thuyền kể những chuyện ly kỳ diễn ra xung quanh thành Thọ An.
Theo lời cụ Biểu thì người dân ở đây không gọi là thành, mà gọi là đình, cụ bảo vào thời chống Mỹ, bom đạn ác liệt của kẻ thù đã làm tan nát các công trình của đình, lại thêm mưa gió nắng sương nên thành quách càng thêm xơ xác.
Về lý do không gọi là thành, mà gọi là đình, cụ Biểu giải thích: “Nguyên là sau chiến tranh, có nhiều người lập bàn để thờ cùng, và rất linh thiêng nên mọi người gọi là đình”. Cũng theo cụ Biểu, chính người dân đảo Lý Sơn, khi đi kinh tế mới ở đây đã lập thờ ở miếu này, họ thờ cúng rất trang trọng và thành khẩn. Sau đó, dân địa phương ở đây thấy có nhiều chuyện linh thiêng nên cũng đến cúng vái.
Rồi chị Thuyền kể tiếp: “Thành Thọ An linh lắm, ai đi qua phải cúi đầu. Ngày trước, đàn bà con gái không ai dám qua đây. Còn đàn ông qua đây phải búi tóc gọn gàng”. Cụ Biểu thêm vào, ngày trước có ông Đồng Thoại cưỡi ngựa nghênh ngang qua cổng thành mà không xuống ngựa, thế là cả người và ngựa bị hất văng xuống hồ sen (vốn là hào thành), ông Thoại hộc máu chết tại chỗ.
Hồ sen chính là đoạn dòng suối chảy qua phía trước cổng thành, cách nhau con đường nhựa, nay hồ sen đã không còn và chỗ đất ấy cũng khô khốc, không còn dấu hiệu gì của ao hồ nữa.
Thế nhưng chuyện này vẫn chưa kỳ bí bằng những chuyện mà dân làng Thọ An từng nghe kể. Đó là sau khi nghĩa quân thất bại, thành Thọ An thành hoang phế, người dân ở đây vẫn nhớ ngày nhớ tháng đến cúng tế, thắp hương tại đình (nhà hội họp của nghĩa quân). Trong lễ tế này, nhất định phải có đầu heo lớn để lại, không ai được mang về. Thế nhưng, cứ sau một đêm là đầu heo mất đi, xung quanh đó có rất nhiều dấu chân hổ.
Năm nào không cúng đầu heo, năm đó nhất định dân làng gặp nhiều vụ việc bất ổn: khi thì đi rừng bị chết, gió bão làm hư hại, gia súc nuôi bị bất đắc kỳ tử. Thế rồi sau một đêm, lão ông coi đình tên Oánh nằm mơ thấy một con hổ trắng đến bảo: Ta là bạch hổ coi ngó xứ này. Nay ta giao giấy tờ trông coi đình lại cho ông rồi từ nay trở đi vào núi tu hành, không coi đình và xứ này nữa. Từ đó dân làng cúng đầu heo không bị mất như ngày trước.
Chuyện kể nữa là ngoài bạch hổ thì ngày nào cúng tế ở đình cũng có hai con rắn to như cột nhà, có mồng đỏ cao hai gang tay, về nằm khoanh tròn trên hai cái bàn lớn ở bàn thờ trên đình. Có người cho đó là hai con rồng, bởi thân rắn màu đen tuyền, phát ánh sáng, đầu ngóng cao, hơi thở phì phò trông rất uy nghi. Thời gian đầu ai cũng sợ, có điều hai con rắn khổng lồ này không hề hại ai, không hề xâm phạm đến đồ cúng tế nên dần dần ai cũng quen.
Khi làng cúng xong, ăn uống xong, hai con rắn khổng lồ lặng lẽ bò đi đâu mất. Đến khi mái đình ở đây sụp đổ, hai con rắn không về nữa. Tuy nhiên, ở trước thành Thọ An khoảng vài cây số, có một cái ao lớn tên Vũng Vàng. Ao này quanh năm không bao giờ cạn, ai bước chân đến đều thấy khí lạnh tỏa ra mát rượi. Phía dưới ao có một phiến đá lớn, trưa nào cũng có một con rắn khổng lồ có mồng đỏ to như con rắn ở đình đến khoanh tròn.
Cụ Biểu kể, có lần thấy đám cỏ thia bị rạp xuống như ai kéo khúc gỗ nặng đi qua. Có lần, người ta đi vào núi chặt củi nghe tiếng khò khè như ai đặt máy cưa cái gì. Tất cả những hiện tượng kiểu này, dân làng ở đây cho đó là rắn khổng lồ đang ngủ.
Nói về những câu chuyện ly kỳ, những giai thoại mà người dân trong vùng đồn thổi quanh căn cứ Tuyền Tung, nhà nghiên cứu Lê Hồng Khách thẳng thắn: “Giai thoại, huyền thoại luôn đi cùng với lịch sử, đây là điều dễ hiểu trong đời sống tâm linh của người dân. Nhiều khi, chính nhờ đời sống tâm linh mà những thứ thuộc về lịch sử được giữ lại, bởi họ không dám phá đi, đó chính là lý do vì sao mà cổng thành Thọ An ngày nay vẫn còn”.
Theo Dòng Đời