Lễ "mắng tội" người đã khuất là một nghi lễ độc đáo "có một không hai" ở vùng Phiêng Lằm, Chợ Đồn, Bắc Kạn.
Ngược lên Bắc Kạn nghe "mắng tội" tổ tiên
Có lẽ tộc người Dao Đỏ ở chốn thâm sơn cùng cốc này là dân tộc duy nhất "hành lễ" theo cách kỳ lạ đó. Nếu ai chưa từng tham dự hoặc mới chỉ nghe đồn đoán một cách chủ quan về nghi lễ này thì ắt hẳn sẽ không khỏi thảng thốt. Và có thể người Dao Đỏ sẽ bị chụp mũ rằng "bất kính" và "vô ơn". Vậy, lễ "mắng tội" tổ tiên của người Dao có thực sự đi ngược lại truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của cộng đồng ta?
"Có đi mới biết đường dài", sau khi tìm hiểu, người viết mới nhận ra, đằng sau nghi lễ có vẻ kỳ lạ này còn ẩn chứa nhiều thông điệp giáo dục đầy ý nghĩa.
Từ Hà Nội, chúng tôi vượt gần 200km thì lên đến thị xã Bắc Kạn. Thị xã nhỏ bé và yên ả, như một ốc đảo được bao quanh những dãy núi trập trùng. Tiếp tục theo hướng tây bắc của huyện Chợ Đồn, xe dò dẫm bò thêm 80km đường rừng, chúng tôi mới đến được bản người Dao Đỏ ở Phiêng Lằm. Cái bản nhỏ với 35 hộ gia đình, 187 nhân khẩu nằm ém mình bên núi, bốn bề dốc đá dựng đứng hoang vu. Đây đúng là một nơi vô cùng lý tưởng để biến thành phim trường của một bộ phim phiêu lưu, thám hiểm.
May mắn thay, một người bạn ở Bắc Kạn đã đích thân dẫn tôi đến tham dự một nghi lễ bản địa mang tên lễ “Quá Tăng”. Tạm giải thích theo chiết tự, có nghĩa là lễ "lên đèn" để xác nhận sự trưởng thành của một con người cũng như vai trò và trách nhiệm của cá nhân người đó với cộng đồng và xã hội. Ngoài những thủ tục rườm rà, thì có thể nói nghi lễ "mắng tội" là một nghi lễ quan trọng bậc nhất, không thể thiếu trong việc đánh dấu một sự trưởng thành về nhận thức, mà bất cứ người con Dao Đỏ nào cũng phải trải qua.
Khi tôi đến, nhà ông Triệu Tài Long (xã Bản Thi, Chợ Đồn, Bắc Kạn) chuẩn bị làm lễ "Quá Tăng" cho cả năm anh em. Nghe nói, để chuẩn bị lễ này, gia đình ông đã chuẩn bị sẵn 7 con lợn béo tốt nhất làng và lặn lội mời thầy pháp cao tay tận Tuyên Quang lên. Từ mấy hôm trước, con cháu đã phải chia nhau mời hàng xóm, cư dân từ các xóm lân cận đến dự.
Hơn 7 giờ sáng, trong nhà, ngoài sân đã rộn rã tiếng bước chân. Thầy cúng tất bật chuẩn bị đồ lễ, mọi người không ai bảo ai, mỗi người một việc. Chỉ mới đấy thôi, bàn lễ đã được dựng lên từ ba góc. Bàn thờ Ngọc Hoàng được đặt ngay hiên nhà. Trong nhà, ở mé trái sát tường ngoài được bày một bàn thờ.
Thầy pháp sư tên là Mã Tiến Hưng, một người đàn ông quắc thước, mặc dù đã hơn 60 nhưng vẫn rắn chắc như gốc lim, gốc nghiến trên rừng. Trước buổi lễ, thầy Hưng nghiêm nghị lạ thường, rất kiệm lời dường như để dồn pháp lực cho buổi lễ quan trọng.
Ngoài sân có tiếng tù và cất lên nghe ma mị và bồn chồn, thầy Hưng ngồi bên bàn thờ Ngọc Hoàng miệng lầm rầm khấn vái những bài khấn của người Dao cổ trầm bổng như đang hát. Bài khấn này có tác dụng dẫn đường cho những linh hồn phiêu tán, xua đuổi những tà ma ác quỷ. Đôi bàn tay gầy guộc của pháp sư liên tục lần giở từng lá sớ bóc tách, một không gian huyền hoặc. Sau mỗi hồi khấn dài, thầy lễ đứng dậy vái rồi đưa tay đặt tù và lên miệng, tiếng tù và vọng đanh lên tận ngọn núi xanh tít đằng xa, da diết và nao lòng.
Năm anh em nhà ông Triệu Tài Long vận lễ phục của người Dao, hai màu chủ đạo là đỏ và đen. Họ đứng cả trước bàn thờ tổ tiên, nơi được treo kín 29 bức tranh thờ và một dải băng trắng biểu trưng cho cầu dương, trên cầu dương là một băng dài với hình thiên binh thiên tướng nhỏ được hiểu là cầu âm.
Thầy Hưng bắt đầu hành lễ cùng những động tác tiến lui, xoay vòng, cúi lạy. Năm anh em nhà ông Triệu Tài Long cũng nhanh chóng bắt theo nhịp thầy. Cứ thế, có lúc dừng lúc nghỉ, nhưng tiếng bước chân thì vẫn dồn dập lẫn với tiếng nói chuyện lao xao cả đêm.
Gần giờ Ngọ hôm sau, nghi lễ quan trọng nhất là "mắng tội" tổ tiên mới được diễn ra. Thầy pháp sư lập một bàn thờ ngoài sân nhà, bàn thờ được bài trí đơn giản với một con gà luộc, ít sớ, một cây neo. Thầy cho đào mấy hố nhỏ và sâu trước mảnh sân đất rồi bắt đầu những bài khấn gọi hồn tổ tiên nhà Triệu Tài về đó. Những bài khấn này cũng được đọc bằng ngôn ngữ Dao cổ, nghe có vẻ gấp gáp, dồn dập hơn hẳn bài khấn xua tà ma lang thang hôm trước. Gương mặt năm anh em nhà họ Triệu không giấu được nét căng thẳng, họ nhìn chăm chăm vào những chiếc hố, giống như đang đối diện với người còn sống vậy.
Thầy Hưng lý giải: "Khi người nhà họ Triệu khuất núi, linh hồn họ phiêu dạt nơi nơi, phải khấn để gọi họ nhập về những cái hố nhỏ ấy. Buổi lễ không thể thành công nếu như không có sự chứng giám của người đã khuất". Khi các linh hồn được cho là đã về đông đủ, lúc này con cháu sẽ đi vòng quanh “kể tội”, thường thì người Dao Đỏ ở Phiêng Lằm cùng lúc cấp sắc cho nhiều người nên gia đình nào đi đúng thứ tự cấp bậc và vị trí của gia đình đó. Cứ đi được hai ba bước, con cháu lại kính cẩn cúi lạy và lại tiếp tục việc “kể tội”.
Người bạn dân tộc Dao của tôi tạm dịch những tội được kể rất đa dạng, và thường không ai kể giống ai. Con cháu hết sức trung thực và thẳng thắn, họ đã kể những tội ông, bà, bố, mẹ mình đã mắc phải như: tội gây thù hằn với làng xóm, tội đối xử không tốt với người trong nhà, tội lười lao động, tội hay nói dối, tội sát sinh v.v... thành bài bản.
Thầy pháp sư đang thổi tù và trước khi bắt đầu nghi lễ. |
Ngoài ra, cứ sau mỗi câu chuyện "tội lỗi" của người đã khuất được kể lại, con cháu cũng lồng ghép thêm vào những lời khuyên, bài học được rút ra. Quy tắc của nghi lễ là lúc người này nói thì người khác không được chen ngang, ngắt lời. Trong dư âm trang nghiêm của buổi lễ cộng với sự chứng kiến của nhiều người, hình thành nên một không gian gần gũi giữa người sống và những linh hồn vô hình. Trong số các con cháu, nhiều người không kìm được xúc động, òa khóc.
Buổi lễ mang hình thức là "mắng", là "kể tội" nhưng không hề mang ý nghĩa oán trách, giận dữ mà gợi nhớ đến sự tiếc nuối, nhớ thương người đã khuất nhiều hơn. Nhiều người có quen biết với những người đã khuất, dù đứng bên ngoài dự lễ, cũng đưa tay lau nước mắt.
Cứ thế, lễ "mắng tội" kéo dài ngót nghét một tiếng đồng hồ, các con cháu cứ đi vòng quanh và kể lể cho đến khi thầy pháp sư ra hiệu ngừng lại.
Lúc này, các linh hồn tổ tiên đã được "rửa" hết các tội lỗi, họ trở nên thanh thản và tinh khiết. Họ sẽ không phải lang thang trên mường trời, nơi tam giới mà được các vị thần linh, thổ địa cho phép vào nhà để chứng kiến lễ "trưởng thành" của các con cháu. Lúc này, pháp sư bắt đầu làm lễ "thụ đèn", ông hướng về phía năm anh em và múa theo điệu "điều binh khiển tướng".
Ông Triệu Tài Long, anh cả và cũng là người có vai vế nhất được thầy pháp sư dẫn dắt bỗng chốc rơi vào trạng thái như người bị thôi miên theo kiểu "saman giáo", người lắc lư. Mọi người trong nhà kính cẩn cúi lạy, thì thào: "Ông Long đang được Ngọc Hoàng cử binh mã đón lên thiên đình nhận phép đấy!" (?!). Gần nửa tiếng đồng hồ sau, ông Triệu Tài Long mới trở lại trạng thái bình thường, tuy nét mặt vẫn chưa hết ngơ ngác…
Các thành viên trong gia đình đang thực hiện nghi lễ đi vòng quanh và "mắng tội" người đã khuất. |
Và những huyền tích lý giải…
Sau 3 ngày, buổi lễ "Quá Tăng" kết thúc, nghi lễ "mắng tội" tổ tiên cũng xong xuôi, mọi người không vội vã tản đi mà đều tập trung lại quanh sân nhà ông Triệu Tài Long, thanh niên thì bắt đầu tổ chức những trò chơi tìm nai, tìm rùa vô cùng náo nhiệt. Những người lớn tuổi hơn thì túm tụm lại chúc tụng năm anh em nhà Triệu Tài đã tiến thêm một bước trong sự trưởng thành.
Đặc biệt, ông Triệu Tài Long đã đạt được cấp độ "đèn" cao nhất của người Dao Đỏ, tức là ông đã trở thành một người có vai vế trong xóm làng, được nhiều người kính nể.
Nguồn gốc nghi lễ "mắng tội" được cụ Thim, vị bô lão cao tuổi nhất trong làng hé lộ.
Cụ Thim nói: "Người Dao thẳng và thật như dòng suốt chảy, không biết lươn lẹo, uốn éo. Sai thì phải nhận. Người ác thì đi đến đâu cũng không được yêu quý bao giờ, cho dù có lắm tiền nhiều bạc thì vẫn bị người đời khinh ghét. Chết đi rồi, con cháu cũng bị vạ lây. Nếu con cháu muốn được "thụ đèn", phong tiên thì phải rửa tội cho những người đã khuất. Nhiều tội thì "mắng" nhiều, ít tội thì mắng ít. Các linh hồn mang tội lỗi của tổ tiên nếu không được con cháu "rửa tội" thì sẽ mãi mãi phiêu du, vất vưởng chốn rừng thiêng nước độc. Không được về nhà thăm con cháu. Để được vào nhà, các linh hồn phải để con cháu kể tội rồi pháp sư sẽ rửa tội cho".
Mỗi dân tộc lại lưu truyền những truyền thống giáo dục khác nhau, không thể so sánh rằng cách nào hay, cách nào dở. Tuy nhiên, việc người Dao Đỏ Phiêng Lằm cài cắm giáo dục nhân cách con người vào sinh hoạt tâm linh thì quả là một sáng tạo tài tình.
Người Dao Đỏ ở nơi đây là thế, đã bao đời nay, ít có người con nào lại không thuộc lòng bài hát ru con của các bà mế từ thuở còn trong nôi: "Gặp ma ác, ma phải cúi đầu/ Cái gì xấu bỏ đi nơi khác/ Cái gì xấu không dám về gần…". Nhìn vào những đôi mắt cương nghị ấy, tôi tin rằng, những lời ca ấy sẽ ăn sâu vào trong máu, và đi theo họ suốt cuộc đời này…
Nguồn: An ninh Thế giới