24 năm qua, chị Nguyễn Thị Thu Tuyết (SN 1969, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) không có nổi một ngày hạnh phúc bên người chồng “đầu ấp, tay gối”.
Vì tính ghen tuông vô cớ của chồng, chị thường xuyên phải chịu những trận đòn roi đau đớn. Phần vì xấu hổ với bà con lối xóm, phần sợ chồng bị phạt tội nên chị Tuyết âm thầm chịu đựng suốt bao năm qua. Chỉ đến khi chị bị đánh gãy tay, chính quyền can thiệp thì hành động vũ phu của người chồng này mới được nhiều người biết đến.
Ám ảnh vì những trận đòn ghen
Tìm đến ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Thu Tuyết ở xã Thuận Hòa, nghe chị tâm sự, chúng tôi mới càng thấu hiểu những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà người phụ nữ bất hạnh này phải gánh chịu suốt thời gian qua. Nhưng tự đáy lòng, chị Tuyết vẫn sẵn lòng tha thứ, cầu mong người chồng nghĩ lại để gia đình có cuộc sống êm ấm. Chị tâm sự: “Mặc dù chịu đựng sự hành hạ của chồng suốt bao năm qua nhưng thực lòng tôi mong ổng suy nghĩ lại, bỏ thói rượu chè cùng tôi làm lụng để chăm lo cho mấy đứa con. Vợ chồng một ngày nên nghĩa, đâu phải muốn dứt là dứt được...”.
Chị Tuyết tâm sự về những ngày tháng bị chồng hành hạ.
Cuộc đời chị Tuyết là một chuỗi những bất hạnh. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, cha lại mất sớm nên mới học đến lớp 4, chị đã phải nghỉ học ở nhà trông em. Lớn lên, chị sớm phải bươn chải làm thuê làm mướn để kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống gia đình. Năm 20 tuổi, nhờ người quen mai mối, chị nên duyên với Châu Phước Huẩn (SN 1967, ngụ cùng xã). Nhà chồng chị cũng không lấy gì làm dư dả, chỉ có 3 công đất ruộng thế nên cưới nhau về, hai vợ chồng phải hoàn toàn tự lập. Những ngày đầu về sống chung, chồng chị cũng tỏ ra là người chồng mẫu mực, yêu thương vợ, chí thú làm ăn. Thế nhưng thu nhập từ công việc làm thuê làm mướn không đủ trang trải sinh hoạt khiến vợ chồng nhiều lúc cũng nảy sinh mâu thuẫn.
Rồi những đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống vốn đã “‘thiếu trước hụt sau” nay lại càng trở nên khốn khó. Chồng chị đâm ra chán nản, bỏ bê công việc, suốt ngày chè chén với bạn bè. Không những thế, trong một lần vô tình nhìn thấy người thanh niên đi ngang qua buông lời tán tỉnh chị, anh ta còn đem lòng nghi ngờ vợ… “hám trai”. Sẵn “cục tức” trong lòng, sau những lần “nốc” rượu trở về, Huẩn lại kiếm cớ, tra hỏi vợ đủ điều. Mặc dù muốn thanh minh nhưng biết “nói với người say như vay không trả” nên chị chỉ im lặng, định bụng đợi chồng tỉnh rượu sẽ giãi bày. Nhưng Huẩn không những không hiểu cho tấm lòng của vợ mà còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Giận chồng nhưng nhìn cảnh các con nheo nhóc, chị lại nén lòng cố gắng làm lụng để chúng được “bằng bạn, bằng bè”. Lúc này, chị bắt đầu nghĩ đến việc đổi nghề. Đang phân vân chưa biết sẽ làm gì thì chị phát hiện xung quanh nhà của mẹ chồng, dừa rất sai quả. Chợt nghĩ “phi thương bất phú” nên chị về xin phép chồng được đi buôn dừa để kiếm đồng ra đồng vào. Ngày ngày, chị tần tảo chở dừa đi bán. Công việc khó nhọc nhưng chị chẳng được chồng phụ giúp bao giờ. Là phụ nữ mà có khi người ta thấy chị phải trèo cây hái dừa vô cùng nguy hiểm. Hết lòng như vậy nhưng người phụ nữ ấy vẫn không giải tỏa được sự ngờ vực trong lòng chồng. Mỗi lần đi làm về muộn, chồng chị lại hờn ghen vô cớ, quy kết vợ có người đàn ông khác bên ngoài. Hiểu tính chồng nên chị chỉ im lặng. Thấy vậy, Huẩn lại càng cho rằng sự nghi ngờ của mình là đúng nên không tiếc tay đánh đập vợ.
Nhớ về những trận đòn roi của chồng, chị Tuyết nghẹn giọng: “Tôi không biết ông ấy nghĩ gì nữa, lúc nào ổng cũng nổi máu ghen. Tôi cam đoan với mọi người là không hề có chuyện đó. Nhà nghèo nên tôi phải bươn chải, vậy mà ông ấy không thương còn tàn nhẫn đánh đập, ghen tuông vô cớ. Những lúc tức giận, ổng dúm tóc, đánh đập tôi không thương tiếc. Những lần như thế, tôi chỉ biết nuốt nước mắt, xót thương cho số phận của mình. Có lần tôi ghé vào bến đò, bán cho một đôi vợ chồng kia chỉ chục quả dừa nhưng khi cô vợ chạy ra xách dừa lên nhà thì người chồng đã vội bảo vợ: “Em! Em! Để anh xách cho”. Chứng kiến cảnh ấy, mà nước mắt tôi cứ thế chảy. Nghĩ mình cũng là phận đàn bà nhưng chẳng bao giờ có được hạnh phúc như họ”. Có lần chị bị chồng đánh phải nằm liệt giường gần 10 ngày mới gượng dậy được, máu bầm tím cả người nhưng chị không dám vào bệnh viện chữa trị. Bởi chị sợ, khi vào đó, người ta hỏi thì không biết trả lời ra sao. Vậy nên, mỗi lần bị đòn, chị lại mua thuốc về tự điều trị. “Mỗi lần bị đánh, tôi đều mua thuốc về tự trị cho mình. Vì báo chính quyền thì sợ công an tới điều tra, họ bắt phạt chồng tôi. Lỡ ổng vương tù tội thì mẹ con tôi biết sống nương tựa vào ai. Lúc đó tôi sẽ càng khổ hơn nữa”, chị kể.
Mong chồng thay đổi
Chị Tuyết cho biết, khi còn ở nhà với mẹ, dù gia cảnh nghèo khó nhưng lúc nào chị cũng được mọi người trong nhà thương yêu. Nhất là mẹ chị, dù có tức giận con cái nhưng chưa bào giờ bà đánh đòn chị, dù chỉ là một cái bạt tai. Nhưng từ ngày lấy chồng, dù chẳng lỗi lầm gì, chị cũng bị chồng nhào tới “đánh lấy đánh để”. Có khi đang ẵm con, chồng chị cũng chẳng tha. Thấy vợ đi làm về mệt mỏi, Huẩn không thương mà còn nhiếc móc, “chửi cha mắng mẹ” đủ điều. “Biết tôi phải sống như vậy, mẹ tôi buồn lắm. Bà thường bảo, phải chi lúc trước biết được tính khí Huẩn như thế thì bà đã không gả con gái cho. Đằng này, vợ suốt ngày đầu tắt mặt tối, leo dừa cực nhọc kiếm từng đồng từng cắc nuôi con vậy mà chồng không biết thương còn hành hạ đủ đường. Mỗi khi thấy con gái leo dừa cực khổ, mẹ tôi lại khóc. Bà chỉ sợ trong quá trình leo dừa có chuyện gì sơ suất thì lấy ai lo cho mấy đứa con còn nhỏ dại”, chị Tuyết tâm sự.
Không chỉ buồn tủi vì bị chồng đánh đập, từ ngày về làm dâu, chị Tuyết cũng chẳng được mẹ chồng thương yêu. Điều đó khiến chị càng thấy buồn tủi hơn. “Người ta bị chồng đánh, mẹ chồng cũng ra can ngăn, khuyên bảo con trai. Còn tôi, mẹ chồng chẳng những không yêu thương mà còn thường xuyên mắng chửi, gây khó dễ. Mỗi khi bị chồng đánh, sợ đòn đau, tôi thường chạy sang nhà mẹ chồng trốn. Thế nhưng, khi biết được ý định của tôi, bà lại nhanh chân chạy vào nhà, đóng cửa lại không cho con dâu trốn trong nhà. Bà bảo, nếu cho tôi vào đấy trốn thì chắc chắn Huẩn sẽ đuổi theo và đập nát đồ đạc trong nhà. Vậy là, bà ung dung vào trong nhà, mặc cho con trai đánh tôi. Lúc bị chồng đánh gẫy tay, vì không có tiền chữa trị tôi phải đi vay mượn hàng xóm. Biết chuyện, mẹ chồng chẳng những không giúp còn không cho người hàng xóm ấy cho tôi mượn tiền”, chị Tuyết giãi bày về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. May là lần bị đánh gẫy tay ấy, thấy hoàn cảnh của chị, có vị thầy thuốc thương tình đã chạy chữa giúp mà không lấy tiền.
Mặc dù vô cùng mệt mỏi với cuộc hôn nhân này nhưng thương các con còn nhỏ dại, chị Tuyết vẫn ngậm ngùi “nước mắt chan cơm” tiếp tục sống với người chồng bạc ác đến nay. Chia tay chúng tôi, chị đưa bàn tay từng bị gẫy ra bảo: “Ngày tôi bị đánh gẫy tay, chính quyền xã biết chuyện đã mời ổng về trụ sở làm việc. Sau lần ấy, ổng cũng bớt đánh vợ con hơn nhưng tôi cũng không biết, chồng tôi sẽ thay đổi được bao lâu nữa”.
Bà Võ Thị Ánh Tuyết, Chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp 5 (xã Thuận Hòa) cho biết: “Anh Huẩn thường xuyên kiếm chuyện đánh vợ cũng bởi ghen tuông vô cớ. Nhưng do chị Tuyết sợ xấu hổ, lo chồng bị chính quyền địa phương phạt tội nên mỗi lần bị đánh, chị đều im lặng, cố gắng chịu đựng. Cho tới khi chị bị chồng đánh gẫy tay, mọi chuyện mới vỡ lở. Lúc đó, phía công an xã đã mời anh Huẩn về trụ sở làm việc, giáo dục, răn đe để cho anh ấy hiểu và chấm dứt chuyện bạo lực trong gia đình. Giờ anh Huẩn tuy còn rượu chè nhưng hiện tại thì không còn tái diễn việc đánh vợ”.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Eva