Nhắc đến Nguyễn Anh Phong, một trong những thành viên điều hành của Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), không ai làm việc trong lĩnh vực đặc thù này lại không biết đến anh. Bởi lẽ, những nỗ lựcvà đóng góp của anh cho việc chăm sóc toàn diện cho người sống chung với HIV là không thể phủ nhận.
Người Đưa Tin có một bài phỏng vấn ngắn với anh Nguyễn Anh Phong về cá nhân, về cuộc sống tràn đầy cảm hứng tích cực cũng như những công việc mà anh tâm huyết.
Anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình được không?
Xin chào Người Đưa Tin, mình là Nguyễn Anh Phong, năm nay 37 tuổi và vẫn còn “độc thân vui vẻ”. Hiện tại, mình đang điều hành công việc kinh doanh về thiết bị văn phòng, và bên cạnh đó như các bạn đã biết, mình dành rất nhiều thời gian cho công việc tình nguyện tại VNP Plus và câu lạc bộ “It’s me” Club, chuyên về hoạt động chăm sóc đặc biệt cho các bạn nam quan hệ tình dục với nam (Men having sex with men- viết tắt là MSM), nhất là những bạn MSM sống chung với HIV – những người thường bị “kì thị kép”(*).
Ngoài ra, mình cũng tham gia tổ chức nhiều chương trình tình nguyện như “Trăng yêu thương” chúc mừng ngày Tết Trung thu dành cho các em nhỏ chịu ảnh hưởng của HIV, “Mái ấm yêu thương” trao tặng nhà cho gia đình khó khăn có người sống chung với HIV, giải thưởng “Dải Băng Đỏ” tôn vinh các anh hùng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, “Tiếp bước đến trường” trao học bổng cho các em nhỏ chịu ảnh hưởng của HIV, động viên các em tiếp tục đến trường và “Hạt gạo chia đôi” gây quỹ và tặng quà cho người có HIV nhân dịp Tết.
Trong các chương trình tình nguyện trên, công việc chăm sóc MSM sống chung với HIV có thể nói là một công việc khá nhạy cảm và đặc thù. Vậy anh Phong có thể chia sẻ anh bắt đầu công việcnày khi nào và có động lực đặc biệt nàokhiến anh bắt đầu công việc này không?
Ở Việt Nam, những người sống chung với HIV đều bị khắc họa là những người “nghèo khổ, bệnh tật”. Cá nhân mình đã từng chứng kiến và tiếp xúc với rất nhiều trường hợp các bạn MSM sống chung với HIV phải chịu đựng “kì thị kép”, thậm chí có bạn phải sống giữa nhiều tầng kì thị : kì thị từ chính người thân, gia đình; kì thị trong chính cộng đồng MSM; kì thị đến từ các cơ sở y tế và thậm chí là kì thị từ chính bản thân họ khi nghĩ rằng sẽ không được chấp nhận nếu thừa nhận giới tính thật và tình trạng bệnh của mình. Những người dễ bị tổn thương như vậy, mà hầu như lại không thể chia sẻ hay tâm sự với bất kì ai, nên mình thiết nghĩtại sao không tạo ra cho họ một cộng đồng để chia sẻ lẫn nhau, để họ không cảm thấy mình đơn độc.
(Ảnh: NguyễnAnh Phong, do nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam chụp kỉ niệm) |
(Ảnh: Nguyễn Anh Phong, đứng giữa, đại diện cho VNP+ tham gia sự kiện Facebooker)
|
(Ảnh: Nguyễn Anh Phong, thứ tư từ trái sang, trưởng BTC sự kiện “Dải băng đỏ” 2015 cùng những người nổi tiếng) |
Ngoài ra, từ năm 2013,mình đã thành lập một câu lạc bộcó tên là“It’s Me” Club, nơicác bạn MSM sống chung với HIV có thể thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về bệnh lý, giúp nhau tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả các bạn khác. Thông qua nhóm cộng đồng này, mình mong chính các bạn MSM sống chung với HIV có thể tự chăm sóc, từ đó nâng cao sức khỏe và thay đổi lối sống một cách tích cực. Đây cũng là điều Phong muốn nhấn mạnh trong chiến dịch truyền thông “Thay đổi bản thân – thay đổi cách nhìn” mình đang xây dựng.
Anh có thể chia sẻ thêm chiến dịch truyền thông “Thay đổi bản thân – thay đổi cách nhìn” này được không?
Xã hội nói chung đã và vẫn đang nhìn người bị nhiễm HIV khá tiêu cực, Tuy nhiên, theo mình, họ cũng chính là những người dễ bị tổn thương nhất, cả về bệnh lý và tinh thần. Một khi họ quan hệ tình dục không an toàn, chính bản thân họ cũng có thể mắc thêm nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục khác từ bạn tình, chưa nói đến việc có thể lây bệnh cho người khác. Mục đích của Phong và “It’s Me” Club là giúp các thành viên “Thay đổi bản thân” - có lối sống tích cực hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giúp giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường tình dục, biết được tình trạng của mình và tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sớm nếu dương tính. Cộng đồng MSM cũng có thể hỗ trợ những người sống chung với HIV chăm sóc sức khỏe và duy trì cuộc sống hạnh phúc bình thường. Bằng cách này, mọi người sẽ “Thay đổi cách nhìn” - người nhiễm HIV sẽ được nhìn nhận một cách thông cảm và thấu hiểu hơn.
Hàng ngày anh đều dành thời gian việc kinh doanh, lại còn lo lắng nhiều cho công việc tình nguyện thế này, vậy còn thời gian anh dành cho bản thân, sở thích cá nhân hoặc là tình yêu thì sao?
Ngày trước mình cũng có nhiều sở thích riêng lắm, mà giờ hết rồi (cười lớn). Thực ra, khi làm hoạt động mình gặp nhiều người, nhiều trường hợp khổ quá, nên mình lại càng muốn giúp họ. Mà càng làm càng say mê nên thời gian cho chuyện riêng cũng không nhiều lắm. Với lại, chắc không ai muốn gắn bó với một người tham công tiếc việc, suốt ngày bận rộn như mình đâu à…
(Ảnh: Anh Phong tham gia phim ngắn Đường về, một phim ngắn kêu gọi giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và các nhóm nguy cơ cao) |
Cuối cùng, có điều gì anh muốn nhắn nhủ với mọi người không, đặc biệt là với các bạn MSM sống chung với HIV?
Mình cũng không dám khuyên nhủ gì to tát, mà muốn chia sẻ thêm một lần nữa rằng: bản thân các bạn MSM sống chung với HIV nên tự chăm sóc sức khỏe của mình, chấp nhận và tuân thủ điều trị càng sớm càng tốt để có thể duy trì cuộc sống hạnh phúc.Các bạn MSM khác thì nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho bản thân kiến thức về quan hệ tình dục an toàn và đi xét nghiệm HIV định kỳ 3 hay 6 tháng một lần tùy trường hợp. Biết tình trạng của mình và giúp người khác cũng biết tình trạng của họ là rất quan trọng.Một khi chúng ta đối xử tốt với bản thân, lựa chọn một lối sống tích cực, chúng ta sẽ giúp đỡ được nhiều người khác và chính xã hội sẽ có cái nhìn tích cực về mình!
Công việc tình nguyện mà anh Phong thực hiện đã và đang có ảnh hưởng tích cực và giúp đỡ được không ít những người sống chung với HIV.Anh còn chia sẻ, sắp tới, anh dự định sẽ nhân rộng mô hình nhóm “It’s me” Club đến nhiều tỉnh thành phố ngoài TP Hồ Chí Minh, để các bạn MSM sống chung với HIV có thể tự xây dựng cộng đồng để hỗ trợ lẫn nhau tại chính địa phương mình. Bài viết được cung cấp bởi Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường (Healthy Markets) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do PATH phối hợp với CCIHP và T&A Ogilvy thực hiện tại Việt Nam. Người đưa tin là đối tác truyền thông. (*): “kì thị kép” là vừa bị kì thị vì là người đồng tính, vừa bị kì thị vì nhiễm HIV (ghi chú của người viết) |
PV