Thông tin trên Tiền Phong và Vietnamnet cho hay trong vòng 3 tháng trở lại đây, đa phần các ngân hàng tư nhân đều tăng lãi suất huy động và phổ biến ở mức 0,3-0,5 %/năm.
Tính đến khoảng đầu tháng 6/2022, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã tăng đáng kể trong đó có khoảng 10 ngân hàng đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng SCB được cho là trả lãi cao nhất (7,3%).
Trong đó, nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước cũng rục rịch bước vào 'cuộc đua' tăng lãi suất.
Lần đầu tiên trong suốt 3 năm qua, ngân hàng BIDV tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tùng - PGĐ phụ trách Ban điều hành Vietcombank, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua do biến động kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 cùng với bất ổn chính trị, Giá dầu và hàng hóa đều tăng đã gây ra áp lực lên lạm phát toàn cầu. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt Chính sách tiền tệ cũng như tăng lãi suất.
Cách đây không lâu trong cuộc họp vào hồi tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản của đồng USD lên 0,25-0,5% (tăng 0,25% so với trước đó) và dự kiến sẽ có nhiều lần nâng lãi suất nữa từ nay đến cuối năm.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất huy động thời gian vừa qua liên tục tăng do nhiều ngân hàng cần bổ sung thanh khoản thiếu hụt, khi tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực.
NHNN ước tính tăng trưởng tín dụng tới ngày 27/5 đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái.
>>XEM THÊM: NÓNG: Chi tiết nhóm đối tượng được Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát cùng với nhu cầu tín dụng tăng cao trong 5 tháng đầu năm cùng với việc sút hút từ các kênh đầu tư khác đã buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nếu muốn cạnh tranh thu hút tiền gửi.
Lãi suất tiền gửi tăng được xem là tín hiệu vui với những ai đang có tiền nhàn rỗi có nhu cầu gửi tiết kiệm.
Theo dự báo của các chuyên gia mặt bằng lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng từ nay cho đến cuối năm do áp lực về tình hình lạm phát cũng như nhu cầu vay vốn tăng...
Nhiều người cho rằng, 'cuộc đua' tăng lãi suất huy động có thể sẽ chính thức khai màn và những ngân hàng TMCP nhỏ có thanh khoản không dồi dào, không thể vay vốn trên thị trường liên ngân hàng trong khi áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền, buộc tăng lãi suất để huy động vốn trong toàn dân.