Dù được đánh giá là ngang tài ngang sức, nhưng giữa Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng chung quy vẫn có một người hơn điểm đối thủ.
Lịch sử Tam Quốc từng ghi nhận nhiều chiến dịch được xếp vào hàng kiệt tác. Đặc điểm chung của những chiến dịch này đều là lấy yếu thắng mạnh, ví dụ như trận Quan Độ giữa phe Tào Tháo và Viên Thiệu hay đại chiến Xích Bích giữa Chu Du – Tào Tháo.
Trong số đó, không thể không kể tới một chiến dịch được đánh giá là gay cấn nhất, hung hiểm nhất. Đó chính là cuộc so tài giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý trong chiến tranh Thục – Ngụy (228-234).
Bối cảnh diễn ra cuộc so tài giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý
Thời Tam Quốc từng xảy ra một hiện tượng rất kỳ lạ. Đó là những cuộc so tài giữa các mưu sĩ thuộc hàng cao cấp xảy ra vô cùng ít ỏi.
Năm xưa khi Gia Cát Lượng xuất sơn, Quác Gia đã qua đời, ngay tới Chu Du cũng không có cơ hội trực tiếp giao đấu với Khổng Minh.
Thậm chí 5 đại mưu sĩ từng phục vụ dưới trướng Tào Tháo về căn bản cũng chưa từng giao chiến với những quân sư cao cấp của các thế lực khác.
Phần lớn các mưu sĩ cấp cao thời bấy giờ chỉ có cơ hội đối đầu với những quân sư thua kém họ về mặt tài năng.
Cho nên, cuộc đối đầu trực tiếp giữa Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng hoàn toàn có thể đánh giá là một trong những chiến dịch đặc sắc nhất trong lịch sử Tam Quốc.
Chiến trường tỷ thế giữa Khổng Minh và Tư Mã Trọng Đạt diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Vào thời điểm bấy giờ, đại đa số các danh tướng nổi danh trước đó đều đã qua đời. Không ít các mưu sĩ nức tiếng một phương đều đã biến mất vì nhiều lý do khác nhau.
Những dấu hiệu này cho thấy cục diện Tam Quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn muốn thống nhất.
Cuộc chiến tranh giữa Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng xảy ra trong giai đoạn này hiển nhiên sẽ mang tính chất kịch liệt và gay cấn hơn cả. Thậm chí sẽ không hề quá lời nếu nói rằng kết cục của giai đoạn Tam Quốc được định đoạt bởi trận tỷ thí của hai nhân vật này.
Khổng Minh - Trọng Đạt: Ai "trên cơ" ai?
Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý ai mạnh hơn ai? Đó vẫn là chủ đề gây tranh cãi đối với hậu thế cho tới tận ngày hôm nay.
Trước khi chiến tranh Thục - Ngụy xảy ra, Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng về cơ bản không có cơ hội giao thủ. Bởi Khổng Minh năm xưa là nhân vật cốt cán trong tay Lưu Bị, còn Tư Mã Ý chẳng qua chỉ là một mưu sĩ có thân phận không cao dưới trướng Tào Tháo.
Cho đến cuối thời Tam Quốc, khi hai vị quân chủ Tào – Lưu đều đã qua đời, vị trí của Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng mới ngang hàng nhau. Đến lúc bấy giờ, hai nhân vật mưu trí hàng đầu này mới có cơ hội tiến hành tỷ thí.
Rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác cho phép so sánh giữa Gia Cát Khổng Minh với Tư Mã Trọng Đạt. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Muốn biết Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý ai "trên cơ" ai, chúng ta không thể bỏ qua cục diện của cuộc chiến tranh Thục – Ngụy (228-234) – chiến trường so tài trực tiếp giữa Khổng Minh và Tư Mã Trọng Đạt.
Kể từ năm 228 đến năm 234 khi Gia Cát Lượng qua đời ở gò Ngũ Trượng, hai thế lực Thục Ngụy có tất cả 6 lần giao chiến. Trong số đó có 5 lần Khổng Minh chủ động đem quân tiến hành Bắc phạt, còn lại 1 lần là do Ngụy đánh trả, Thục phòng ngự.
Trong lần Bắc phạt thứ 4 của Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý chuốc lấy kết cục đại bại. Nhưng vào lần Bắc phạt đầu tiên, Tư Mã Ý cũng đã từng đánh bại Gia Cát Lượng. Thất bại của quân Thục vào lần ấy còn lưu lại một điển cố nổi tiếng: "Gạt lệ trảm Mã Tắc".
Tuy trách nhiệm chủ yếu dẫn tới thất bại trong lần Bắc phạt thứ nhất không thuộc về Gia Cát Lượng, nhưng chung quy Khổng Minh vẫn không tránh khỏi có liên quan tới kết cục cay đắng này.
Vào lần Bắc phạt cuối cùng trong cuộc đời Khổng Minh, Tư Mã Ý kiên trì đóng cổng thành không chịu ra giao chiến.
Trên thực tế, nếu Tư Mã Ý giao chiến chính diện với Gia Cát Lượng vào lần ấy, quân Ngụy chưa chắc đã bại dưới tay Thục.
Tuy nhiên Tư Mã Trọng Đạt vẫn cương quyết cố thủ mặc cho mọi khích bác, bởi trong lòng ông nắm rõ cái được – mất khi nghênh chiến với Gia Cát Lượng.
Nếu trực tiếp nghênh chiến, quân Ngụy không thể nắm chắc phần thắng, hoặc dù thắng cũng sẽ chịu tổn thất vô cùng nặng nền.
Hơn nữa, Tư Mã Ý từ sớm đã nhìn ra nhược điểm chí mạng của đối thủ. Đó là không thể tác chiến trong thời gian dài.
Vì vậy, Tư Mã Ý nhẫn nhục chịu đựng, chấp nhận cố thủ chứ không ra nghênh chiến. Kết quả là Khổng Minh bất ngờ qua đời, quân Thục lui binh về nước.
Cuộc so tài giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý phải dùng 6 chữ "kẻ tám lạng, người nửa cân" để hình dung. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Từ thế cuộc lúc bấy giờ, không khó để nhìn ra rằng Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng vốn là "kẻ tám lạng, người nửa cân", về cơ bản rất khó phân định thắng bại.
Năm xưa khi bình luận về Tam Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng từng đưa ra lời nhận xét về hai nhân vật này.
Theo ông, Tư Mã Ý thông thạo cách tùy cơ ứng biến, mưu trí không hề dưới Khổng Minh, có một vài điểm thậm chí còn giỏi hơn Tào Tháo.
Nói cách khác, Tư Mã Ý sở hữu một số điểm hơn Gia Cát Lượng, còn Gia Cát Lượng về phương diện am hiểu mưu lược lại chẳng hề thua kém.
Nhưng nếu nhìn vào "Long Trung đối sách" của Khổng Minh, có thể thấy đố sách sai lầm này sẽ gây phân tán binh lực, nhất định dẫn tới thất bại.
Từ đánh giá của Mao Chủ tịch, nhiều người cho rằng nếu đánh giá tổng thể thì Tư Mã Ý mạnh hơn Gia Cát Lượng.
Cho tới ngày nay, dù Khổng Minh và Tư Mã Trọng Đạt đều đã trở thành người thiên cổ, nhưng cuộc so tài giữa hai nhân vật này vẫn trở thành chủ đề tranh luận chưa có hồi kết.