Mừng tuổi cho trẻ là một nét đẹp truyền thống trong ngày Tết cổ truyền, tuy nhiên để tiền mừng tuổi có ý nghĩa, bố mẹ cần dạy trẻ cách ứng xứ khi nhận được tiền mừng tuổi.
Tiền mừng tuổi tuy mang giá trị tượng trưng nhưng việc nhận và ứng xử với tiền lì xì là một vấn đề mà cha mẹ không nên coi thường để hình thành những đức tính tốt cho bé yêu của bạn.
Bạn cần có định hướng tốt nhất để bé sử dụng tiền mừng tuổi một cách có ý nghĩa nhất. Nhiều gia đình dạy con bằng cách cho trẻ cùng các thành viên trong gia đình góp tiền để mua một đồ vật dùng chung như mua cây cảnh trang trí trong nhà, mua một bức tranh hay một cái quạt điện. Thậm chí cả nhà cùng nuôi con heo đất, đến cuối năm mổ heo lấy tiền sơn sửa lại nhà. Dù tiền mừng tuổi của trẻ không nhiều, nhưng trẻ sẽ thấy ngôi nhà chung ấm cúng hơn, đẹp hơn và đầy ắp tình thương yêu đoàn kết.
Bố mẹ nên dạy cho trẻ cách ứng xử với tiền mừng tuổi đúng cách và ý nghĩa. Ảnh: Internet |
Mỗi một lần sử dụng, trẻ lại thấy có công sức của mình, và thấy quý trọng giá trị tinh thần do tiền mừng tuổi mang lại cho bé. Ngoài ra, bố mẹ có thể hướng dẫn cho con dùng tiền để giúp đỡ người khác như ủng hộ đồng bào bão lụt, gây quỹ Từ thiện hay giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Trẻ sẽ thấy vô cùng tự hào về những đóng góp của mình và với cách này, bạn đã dạy trẻ biết quan tâm chia sẻ với người khác, có ý thức “san sẻ” lộc may mắn của mình.
Các bậc làm cha mẹ cũng có thể định hướng trẻ dùng tiền lì xì để phục vụ cho nhu cầu bản thân, mua sách vở hay đồ dùng học tập mà mình đang cần. Nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cả năm mong đến Tết để có tiền mừng tuổi, vì vậy bạn hãy cho bé được lựa chọn và có chủ quyền nhất định nếu cảm thấy nhu cầu của bé là chính đáng. Các bậc cha mẹ rất nên "thảo luận" và hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền lì xì một cách bổ ích, thiết thực và phù hợp hơn, coi đây là cơ hội để giáo dục cho trẻ ý thức tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm.
Người lớn không nên áp đặt rằng: tiền phải do mẹ, hoặc bố quản lý! Đơn giản là, một khi đó là tiền mừng tuổi, mừng lộc đầu xuân của người thân cho trẻ là của trẻ và trẻ có quyền của mình. Nhưng vì các cháu còn nhỏ nên người lớn có thể giữ hộ trẻ nhưng cần có sự thoả thuận, sự đồng ý của trẻ. Cha mẹ có thể nói: "Tuỳ con, con giữ cũng được hay để cha/mẹ giữ hộ con cũng được!". Có điều, khi trẻ đã tin cậy và gửi người lớn giữ hộ thì người lớn cũng nên giữ lời hứa, đừng gây "khó dễ" khi trẻ cần được sử dụng đồng tiền ấy.
Khi trẻ đã đồng ý “ủy quyền” cho cha mẹ giữ tiền lì xì của mình, bạn có thể giúp con làm một cuốn sổ tay ghi chép những gì bé chi dùng vào số tiền ấy. Sau mỗi lần dùng tiền, bạn nên công khai cùng bé các khoản chi để bé có ý thức sử dụng quỹ tiết kiệm của mình một cách hợp lý và cảm thấy tin tưởng vào sự giúp đỡ của cha mẹ mình. Nhưng nếu bé không đồng ý đưa hết số tiền lì xì, bạn có thể thoả thuận sẽ cùng mua một món đồ chơi tương ứng với khoản tiền nào đó, khoản còn lại sẽ giữ hộ bé và mua dần vào các lần sau. Tuyệt đối không nên vì chiều con mà cho trẻ dùng tiền lì xì một cách thoải mái, thiếu sự kiểm soát của cha mẹ.
Lê Vy (tổng hợp)