Làm thế nào để cảnh báo con cái không làm những việc có thể gây thương tích cho bản thân như cho tay vào quạt, quệt vào bô xe, đút chân vào bánh xe ...là điều khiến không ít bố mẹ loạy hoay. Một số phụ huynh đã chọn cách rao giảng mỗi ngày và tin rằng ngày nào cũng nói ắt trẻ sẽ nhớ, nhưng liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả?
Sợ cậu con trai hai tuổi vốn hiếu động đút tay vào cánh quạt đang quay, hầu như lúc nào bật quạt chị Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải canh chừng và luôn miệng nhắc con không được thế này, thế nọ nếu không sẽ bị đau. Thế nhưng, tai nạn vẫn xảy ra vào một hôm chị Hà vắng nhà, giúp việc một phút quên liền mắt vào cháu.
Nói thao thao bất tuyệt có khiến trẻ biết sợ?. Ảnh minh họa |
Theo thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, việc bố mẹ suốt ngày khuyên răn theo lối nói thao thao bất tuyệt sẽ không tác dụng với nhỏ. Bởi với trẻ nhỏ, những lời nói thuyết giảng là điều chúng ít quan tâm và cũng chưa đủ khả năng để hình dung ra những "hậu quả' như lời bố mẹ nói.
"Trẻ chưa phải người lớn và có cuộc sống riêng nên bố mẹ không thể áp dụng một cách cứng nhắc theo suy nghĩ chủ quan của mình. Một số bố mẹ nghĩ rằng con mình thông minh, có thể hiểu được điều mình nói nhưng thật ra với chúng đều là những khái niệm mới mẻ, xa lạ và hoàn toàn vô tác dụng với việc khuyến cáo", ông Đoàn lý giải.
Theo đó, với trường hợp cụ thể như bố mẹ sợ con cho tay vào quạt, ông Đoàn cho rằng, thay vì nói trẻ đừng động tay vào thì bố mẹ hãy lấy một ngọn rau hoặc lá rau cho vào cánh quạt đang chạy. Khi thấy lá rau bị quạt đánh nát tung tóe, ắt trẻ sẽ biết sợ và không dám làm như vật thí nghiệm kia.
Tương tự, với bô xe nóng, bố mẹ hãy mua về một con búp bê bằng nhựa rồi dí nó vào chiếc bô xe nóng để trẻ quan sát, nhận thấy tác hại của việc này.
"Những ví dụ thực tế sẽ dễ hiểu hơn nhiều những lời nói thao thao bất tuyệt. Biện pháp này về cơ bản sẽ có tác dụng với những trẻ bình thường", ông Đoàn khẳng định.
H.Minh