Ngày 1/3 vừa qua Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo các bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Nhìn chung đề thi được ra trong nội dung chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và một số kiến thức có tính tiếp nối với lớp 11. Đề thi được ra theo ma trận với bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Những câu hỏi ở mức vận dụng, vận dụng cao có hướng vận dụng kiến thức giải quyết những tình huống thực tế.
Đề tham khảo ổn định, đáp ứng độ phân hoá
Đánh giá về đề môn Ngữ văn cô Hà Ngọc, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Long, Hà Nội cho biết: “Qua đọc và tiến hành cho học sinh làm thử thấy được cấu trúc đề vẫn như cũ chưa có nhiều sự thay đổi. Với môn Văn đối với dạng câu hỏi và mức độ ra như thế không quá khó với học sinh”.
Với dạng đề thi như vậy, cô Hà Ngọc cho biết các thầy cô hiện nay đều đã lập kế hoạch để ôn thi cho các con. Để lượng kiến thức được đảm bảo học sinh ôn theo chuyên đề, rèn kỹ năng đọc hiểu, viết đoạn và viết bài và cách trả lời câu hỏi để đạt được điểm cao.
Đọc đề thi tham khảo môn Tiếng Anh, cô Nguyễn Minh Oanh, Fouder Hà Vũ English AZ đánh giá: “Đề thi minh hoạ năm nay không quá khó, mức độ câu "đánh đố" trong bài khá thấp, chỉ rơi vào 15-20% câu phải đọc kĩ mới làm được, còn đa phần chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản thì 8, 9 trong tầm tay các bạn học sinh”.
Bài đọc hiểu chiếm số điểm cao thứ hai trong toàn bài, với 12 câu, còn lại là các câu hỏi về từ vựng. Kiến thức thuộc mức độ vận dụng cao, tập trung chủ yếu ở phần câu hỏi suy luận trong bài đọc, phần từ cùng trường nghĩa, cụm từ cố định, thành ngữ và những từ dễ gây nhầm lẫn.
Với cấu trúc như vậy cô giáo cho biết nên chú trọng ôn tập từ vựng theo sách giáo khoa vì đề chủ yếu xoay quanh bộ từ trong sách. Kèm theo học thêm bộ phrasal verbs (cụm từ) để tránh mất điểm câu thêm động từ. Ôn kỹ chương giới từ vì đôi khi đây là gợi ý để khoanh/điền đáp án mà không tốn sức.
“Bài đọc có nội dung khá dài nhưng logic thông tin lại cực rõ ràng nên có thể áp dụng cách đọc dò từ khoá để tìm ra đáp án. Nhưng các bạn cần đọc kỹ và kiểm tra bài cẩn thận trước khi nộp”, cô Oanh chia sẻ.
Đối với các đề thi tham khảo các môn Khoa học tự nhiên, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi môn Hoá nhận định cấu trúc đề tham khảo tương đồng với đề thi tốt nghiệp những năm gần đây, khá ổn định.
“Tuy nhiên trong đề cài cắm 1-2 câu hỏi có nội dung mới liên quan đến Chương trình GDPT 2018, đây cũng có thể là bước chuyển vì chỉ khoảng 2 năm nữa học sinh sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình mới”, thầy Ngọc bày tỏ.
Đề có độ phân hoá cơ bản, những câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu có phần nhiều hơn so với năm trước vì vậy học sinh có kiến thức cơ bản về môn học cũng không khó để đạt 6-7 điểm.
Nhìn chung ở dạng đề này vẫn khó để phân hoá thí sinh ở những trường đại học top đầu. Nhưng theo thầy Ngọc các trường top chỉ chiếm số ít và có thể kết hợp nhiều hình thức xét tuyển. Đối với các trường đại học tầm trung chiếm số lượng lớn và đề thi đáp ứng đủ để làm căn cứ chọn lựa thí sinh. Với các em học sinh cần có kế hoạch ôn tập của mình, kinh nghiệm các năm cho thấy đề thi chính thức bám sát đề thi tham khảo ở các dạng bài và cách hỏi.
Tránh luyện đề nhiều nhưng không hiệu quả
Trao đổi với báo chí về định hướng đề thi năm nay, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học cho biết: “Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 bám sát nội dung kiến thức lớp 12. Học sinh cần dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập.
Cùng với đó, các em có thể tham khảo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để biết định dạng, cấu trúc đề thi và làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học”.
Ông Thành cho rằng việc quá chú trọng ôn luyện theo đề thi trắc nghiệm là không hiệu quả, không giúp học sinh nắm kiến thức một cách hệ thống và có kỹ năng tốt trong việc vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi, bài tập theo yêu cầu của đề thi.
Thay vào đó thầy cô giáo cần áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá, giúp các em hiểu bản chất của kiến thức và biết cách vận dụng trong các tình huống cuộc sống. “Đề thi có một tỉ lệ câu hỏi gắn với thực tiễn nên nếu học sinh được rèn luyện, kiểm tra với các hình thức đa dạng hơn sẽ không bỡ ngỡ với những câu hỏi như vậy. Ngoài ra, việc luyện quá nhiều đề hay làm nhiều bài tập nhưng không có tính hệ thống là không cần thiết, gây quá tải”, ông Thành cho biết.
Lưu ý cụ thể với môn Ngữ văn, đại diện Bộ GD&ĐT thông tin đề thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua đã sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội.
Năng lực của học sinh chỉ thực sự được đánh giá chính xác khi đề thi sử dụng ngữ liệu mới lạ. Từ đó tránh việc học sinh học thuộc lòng máy móc và làm theo văn mẫu. Học sinh cần luyện tập để có kỹ năng trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của chương trình và trong đề thi thay vì học thuộc