Theo một nhà nghiên cứu toán học, toán nâng cao giống như con dao 2 lưỡi, nếu không dạy đúng cách, hoặc áp dụng không đúng đối tượng sẽ phản tác dụng.
Từ bài toán lớp 3 "hóc búa" gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, trao đổi trên Zing.vn, anh Đỗ Duy Hiếu, cán bộ Viện Toán học (thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên) đã có những chia sẻ về việc học toán nâng cao đối với học sinh tiểu học. Anh Hiếu cho rằng, Toán nâng cao giống như con dao 2 lưỡi, nếu không dạy đúng cách, hoặc áp dụng không đúng đối tượng sẽ phản tác dụng.
Cụ thể, theo anh Hiếu, nếu cho dạy trẻ không đúng cách hoặc quá sức với người học sẽ khiến học sinh sợ Toán.
Thứ 2 sẽ khiến sẽ mất tư duy, sáng tạo. Bởi, khi học thứ gì đó quá nhiều, luyện đi luyện lại nhiều lần một vài dạng, học sinh sẽ trở thành một cái máy, cứ gặp dạng là ghép công thức, lao vào thực hiện theo những bước đã được giáo viên cung cấp. Như vậy dần dần sẽ làm mất tư duy, sáng tạo của các em.
Thứ 3, sẽ khiến trẻ ngại tiếp thu cái mới. "Chúng ta hãy hình dung, một học sinh cấp một đã được trang bị các phương pháp của tiểu học để giải thành thạo khá nhiều dạng Toán của THCS. Đến bậc THCS lại gặp lại các dạng Toán đó nhưng với phương pháp giải quyết cao cấp hơn. Vì học sinh đã biết cách giải nên thường sẽ ngại đón nhận kiến thức mới để giải quyết vấn đề mình đã giải quyết được", anh Hiếu phân tích.
Cũng theo anh Hiếu, nếu chúng ta bắt trẻ em làm việc quá sức, chúng sẽ bị suy kiệt sức khỏe, còi cọc, hạn chế trong sự phát triển sau này. Có lẽ bộ não của trẻ em cũng vậy.
"Tôi đã gặp không ít trường hợp tự kỉ, mất khả năng linh hoạt trong cuộc sống vì học quá sức từ bé", anh Hiếu nêu ví dụ thực tế.
Bài toán lớp 3 làm khó cả tiến sĩ |
Từ những phân tích trên, anh Hiếu gửi lời khuyên: cha mẹ cho con đi học Toán nâng cao, cần phải theo học lớp có trình độ phù hợp khả năng của con mình.
"Theo tôi, điều quan trọng nhất của giáo viên là truyền đam mê, phát triển tư duy của trẻ, chứ không phải cố gắng tìm kiếm những bài toán thật khó cho học sinh làm. Càng không phải nhồi nhét nhiều dạng Toán nâng cao", anh Hiếu chia sẻ.
Nói về bài toán lớp 3 do một phụ huynh ở Lâm Đồng chia sẻ với báo chí, làm khó cả tiến sĩ, anh Hiếu cho rằng, nếu coi đó là những đề bài dành cho giáo viên, phụ huynh giải trí thì được, còn nếu cho học sinh tiểu làm thì không phù hợp.
Đồng quan điểm, phó giáo sư Văn Như Cương cũng cho rằng, việc giao bài tập cho học sinh với một bài toán quá khó và phức tạp như trên thì hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa về mặt giáo dục. Trái lại, nó còn làm học sinh mất thời gian, ức chế, căng thẳng không cần thiết.
Trao đổi trên Vietnamplus, nhiều giáo viên cũng hoài nghi về việc liệu đây có đúng là bài toán của học sinh lớp 3 và cho rằng "không tin có giáo viên lớp ba nào lại ra một đề toán quá hóc búa như thế cho học sinh của mình".
Liên quan đến bài toán này, trao đổi trên báo Thanh niên, ông Nguyễn Kim Long, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết, bài toán này không nằm trong đề thi hay bài tập.
“Đây là bài toán trong cuốn vở bài tập toán in sẵn, được giáo viên photo gửi cho học sinh về nhà ôn tập trước khi thi học kỳ 2”, ông Long khẳng định.
Cũng theo ông Long, hiện Sở GD-ĐT Lâm Đồng đang đề nghị Phòng giáo dục thành phố Bảo Lộc tìm cho ra giáo viên nào photo bài toán đó cho học sinh ôn tập để nhắc nhở, đồng thời tìm cho ra cuốn vở bài tập in sẵn đó để biết nhà xuất bản nào. Trên cơ sở đó Sở sẽ phản ánh với Bộ GD-ĐT để xử lý nhà xuất bản.
Ông Long khẳng định Sở và Phòng GD-ĐT không có chủ trương ra đề khó như vậy.
Trước đó, như tin tức đã đưa, ngày 18/5 trên Vnexpress đăng tải một bài toán lớp 3 do một phụ huynh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng chia sẻ. Bài toán nhanh chóng “gây bão” dư luận trong nước với nhiều ý kiến đánh giá “siêu khó”, một số tiến sĩ cũng phải “xin khất”. Không chỉ thế, ngày 20/5, bài toán này còn xuất hiện trên một số trang báo quốc tế, gây xôn xao với hàng nghìn bình luận.
H.Minh (tổng hợp)