Nhiều ý kiến của chuyên gia, giáo viên dạy tiếng Anh cho rằng quan điểm của cô gái Việt ở Nepal Mỹ Linh trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục là phiến diện, chưa hiểu hết tình hình thực tế Việt Nam.
Liên quan đến bức thư của Võ Thị Mỹ Linh - cô gái Việt ở Nepal viết thư gửi Bộ trưởng GD về việc học tiếng Anh, trên Vietnamnet, ông Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên là thành viên Ban Chỉ đạo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT) cho rằng, cô gái này chưa đọc hết và chưa hiểu về nghệ thuật làm chương trình, làm “ầm ĩ” lên như vậy chứng tỏ là… không biết gì.
“Muốn đánh giá, cần xem xét cả quyển sách chứ không phải 1 bài. Chương trình ở Việt Nam có cấp bậc đi lên. Sau 3 tháng nghỉ hè, bài đầu tiên cho học sinh học là ôn lại kiến thức cũ, ôn lại các cấu trúc cũ chứ không phải học lặp lại. Câu chào hỏi buổi đầu tiên đến lớp đơn giản, nhưng nội dung học những bài tiếp theo là khó dần lên”, ông Hùng giải thích.
Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, bên cạnh những ý kiến hưởng ứng, ủng hộ sự thẳng thắn của Mỹ Linh, một số ý kiến cho rằng quan điểm này là phiến diện, chưa hiểu hết tình hình thực tế Việt Nam.
Trước đó, một số báo đăng tải bức thư của Võ Thị Mỹ Linh (SN1989) (cô gái may mắn thoát chết trong vụ sạt lở tuyết ở Nepal làm khoảng 40 người chết – PV) gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Bức thư của Mỹ Linh chia sẻ chương trình học tiếng Anh của học sinh Nepal cùng với những so sánh, phân tích hơn kém với sách tiếng Anh của Việt Nam.
Cụ thể, bức thư có 4 nội dung chính, đầu tiên là cô gái so sánh những bài học đầu tiên của sách tiếng Anh lớp 1 của Nepal và Việt Nam. Trong đó có đoạn Mỹ Linh viết sau khi nói về 4 bài học đầu tiên của sách tiếng anh lớp 1 ở Việt Nam: “Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình độ của học sinh Việt Nam quá kém nên có mỗi 3 câu "hello, how're you, where're you from" mà phải học đi học lại suốt 5 năm?. Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi?”.
Nội dung thứ 2 của bức thư, Mỹ Linh nói về cách dạy của người Nepal. Sau khi nói về chuyện ở Nepal, Mỹ Linh quay về câu chuyện dạy học tiếng Anh ở Việt Nam và cho rằng: “Để dạy học sinh Việt Nam hiểu English, các nhà soạn sách VN soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt”.
Tiếp đến trong bức thư, Mỹ Linh đề cập đến chuyện soạn sách giáo khoa. Trong khi cho rằng sách của người Nepal liên quan đến đời sống, văn hoá hàng ngày của họ thì Mỹ Linh cho rằng, sách dạy tiếng Anh của Việt Nam toàn là viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry...những cái tên không phải của người Việt.
“Sách kể chuyện My hometown nhưng cái Hometown ấy là London. Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày, bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza”, Mỹ Linh viết.
Phần cuối của bức thư, Mỹ Linh nói chia sẻ nguyện vọng của bản thân với Bộ trưởng Bộ Giáo dục: "là người Việt, chúng ta cần tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học English để nói cho thế giới biết về văn hoá của chúng ta đẹp như thế nào".
Bức thư của Mỹ Linh được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút hàng chục nghìn like và hàng nghìn lượt chia sẻ với nhiều ý kiến trạnh luận.
H.Minh (tổng hợp)