Tối qua, những hình ảnh hàng ngàn người dân ngồi la liệt, tràn ra lòng đường, chắp tay vái vọng vào trong một ngôi chùa ở giữa thủ đô Hà Nội để dâng sớ cúng sao giải hạn đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.
Theo thông lệ hàng năm, chùa Phúc Khánh là nơi quen thuộc mà người dân đến làm lễ dâng sao giải hạn và cầu an. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Ảnh: VNE |
Theo tin tức trên VTV, VnExpress, vào tối qua, ngày 8 tháng Giêng Âm lịch (12/2), chùa Phúc Khánh tổ chức cúng giải hạn đầu tiên cho những người có sao xấu chiếu mệnh trong năm Kỷ Hợi. Để thuận tiện tra cứu sao chiếu mệnh, nhà chùa dán lên cột những bảng tính sao. Những sao xấu được đánh dấu ô màu tương ứng với tuổi của từng người, có 3 sao xấu nhất, đó là sao La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch.
Các khóa lễ dâng sao giải hạn bắt đầu từ tối qua, khởi đầu là sao La Hầu, ngày 15 tháng Giêng giải hạn sao Thái Bạch và ngày 18 tháng Giêng giải hạn sao Kế Đô.
19h khóa lễ bắt đầu, người dân phải ngồi tràn toàn một một làm đường Tây Sơn, chân cầu vượt Ngã Tư Sở. Ảnh: VNE |
Theo ghi nhận đến khoảng 18h30, nhà chùa đóng cửa, các lối đi lại đều chật cứng, người dân bắt đầu kéo nhau ra ngoài đường ngồi kín vỉa hè phố Tây Sơn. Càng về sau, lượng người đổ về càng đông.
Mặc dù lực lượng an ninh túc trực khá dày, liên tục phân luồng giao thông nhưng cảnh ùn tắc vẫn diễn ra.
Ngày 14-15/1 âm lịch, chùa Phúc Khánh làm lễ cầu an cho các gia đình, giải hạn sao Thái Bạch, dự kiến các khóa lễ còn đông hơn tối qua. |
Những hình ảnh hàng ngàn người dân ngồi la liệt, tràn ra lòng đường, chắp tay vái vọng vào để dâng sớ cúng giải hạn sao đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.
Trao đổi với PV Trí thức trẻ, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, nguồn gốc của cúng dâng sao giải hạn dịp đầu năm là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa cổ đại gắn kết với đạo Nho, đạo Lão và đây được coi là điều cấm kỵ trong đạo Phật.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, người Trung Hoa xưa quan niệm, vận hạn của con người được quản lý bởi 28 vì sao chiếu mạng và các sao này thực tế là những hành tinh gắn kết với hệ mặt trời mà chúng ta đang sống, hoặc là các hệ mặt trời bên ngoài.
Từ quan niệm như vậy, dẫn đến tình trạng phải cung kính, cầu mong các thần sao gia hộ, ngăn họa, ban phúc vào mỗi dịp đầu năm.
"Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Bởi, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người, cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cung kính.
Tuy nhiên, quan điểm của Phật giáo khẳng định, điều này không giải quyết được vấn đề. Khi con người muốn chuyển họa phải gieo nhân tích đức, làm các việc thiện có giá trị tương đương hoặc lớn hơn những hành vi xấu trong quá khứ.
Khi làm được nhiều việc phúc lành thì những họa cũ sẽ tan biến còn bản thân việc cúng sao không có giá trị gì mà chỉ giúp con người chìm sâu thêm vào mê tín, sợ hãi", Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích.
Vị trụ trì chùa Giác Ngộ cũng nhấn mạnh, số phận của con người có thất bại hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau đều do lối sống, hành vi sống, nghề nghiệp sống của chính mình mà ra.
Do đó, tốt nhất mình sống hãy tôn trọng luật pháp, đạo đức, phát triển lương tâm thì không có sợ gì mà phải đi cầu khẩn các lực lượng thánh thần để trấn an tâm lý. Sống tốt và làm việc nghĩa, việc tốt thì tâm mình sẽ an, các ước mơ sẽ thành hiện thực.
"Đức Phật đã từng cảnh báo, nếu chỉ có cầu nguyện mà không nỗ lực thực hành thì sẽ rơi vào tình trạng cầu bất đắc khổ. Tức là nỗi khổ do thất vọng, bởi những điều cầu nguyện không thành", Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ và khẳng định, chùa của ông và đại đa số các ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh đều không tổ chức việc dâng sao giải hạn dịp đầu năm mà chỉ tổ chức các lễ cúng cầu an.
Việc cầu này gồm có 3 nội dung chính là cầu mong thế giới hòa bình, tránh chiến tranh xung đột, vũ trang; thứ hai cầu đất nước hòa bình độc lập chủ quyền thịnh vượng, phát triển; thứ ba là cầu cho mọi người, mọi gia đình đều được Bình An, bớt khổ thêm vui.
Đức Hoà (tổng hợp)