Cựu Phó thủ tướng Đức Philipp Roesler về VN làm việc cho quỹ đầu tư
Sáng 15/3, VinaCaptial công bố bổ nhiệm ông Phillipp Roesler, cựu Phó thủ tướng Đức, làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Venture. Đây là quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào công nghệ của VinaCapital.
Nhiệm vụ chính của ông là tham vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước kết nối với nhà đầu tư và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Ông Phillipp Roesler là người Đức gốc Việt. Ông sinh năm 1973 ở Sóc Trăng và được một gia đình quân nhân người Đức nhận nuôi từ lúc 9 tháng tuổi.
Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Đức năm 2009, bộ trưởng trẻ nhất của Đức thời điểm đó, đồng thời cũng là người gốc Việt đầu tiên trở thành bộ trưởng ở một quốc gia châu Âu.
Ông Phillipp Roesler chia sẻ ông rất hào hứng khi làm việc với VinaCapital vì được quay về nguồn cội của mình để hỗ trợ cho các bạn trẻ startup. Ông tin rằng Việt Nam có rất nhiều startup đầy tiềm năng, cộng thêm sự ủng hộ của Chính phủ thì đây là thời điểm để các startup Việt vươn ra thế giới.
Cổ phiếu các hãng vũ khí tăng vọt sau tin Triều Tiên có thể hủy đàm phán với Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu hãng sản xuất các thiết bị điện tử dùng trong chiến tranh - Victek (Hàn Quốc) tăng tới 23%. Mức tăng của Hanil Forging Industrial là gần 20%. Trong khi đó, ở Nhật Bản, cổ phiếu Ishikawa Seisakusho chốt phiên với mức tăng 25,6%.
Ngược lại, các mã có liên quan đến Triều Tiên lại lao dốc. Hanil Hyundai Cement giảm 8,77%. Còn Hyundai Elevator mất 6,9%.
Tính chung toàn thị trường, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) hôm nay chốt phiên tăng 0,95%. Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,77%. Đồng won Hàn Quốc giảm 0,1% so với đôla Mỹ. Trong khi đó, yen Nhật - công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ bất ổn - gần như đứng yên so với đồng bạc xanh.
Trước đó, trong một cuộc họp báo ở Bình Nhưỡng, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un có thể ngừng đàm phán với Mỹ và cân nhắc lại lệnh cấm thử tên lửa. "Chúng tôi không có ý định nhượng bộ các yêu cầu Mỹ đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không sẵn sàng tham gia đàm phán kiểu này", bà cho biết, "Washington đã vứt bỏ cơ hội vàng tại hội nghị thượng đỉnh. Chủ tịch Kim có thể sẽ suy nghĩ lại về lệnh cấm thử tên lửa".
Giá vàng hôm nay 15/3/2019: Vàng giảm từ đỉnh do USD phục hồi
Tính tới đầu giờ sáng nay 15/3, Giá vàng đang giao dịch quanh ngưỡng 1.296 USD/ounce, giảm 11 USD so với ngày hôm qua.
Giá vàng giao tháng 4 năm 2019 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.299 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay thấp hơn 0,4% (5,5 USD/ounce) so với đầu năm 2018. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 35,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 800 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 14/3, đa số các cửa hàng giảm giá vàng 9999 từ 60 đến 100 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua - bán so với phiên trước đó.
Tính tới cuối phiên giao dịch 14/3, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,67 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,51 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,69 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng thương hiệu SJC được niêm yết từ 36,58- 36,66 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng tích cực giảm phí dịch vụ
Nổi trội có Chương trình Zero fee của Techcombank với ưu đãi vượt trội miễn toàn bộ phí đối với các giao dịch eBanking trên ngân hàng điện tử như phí SMS chủ động giảm từ 6.000-8.000 đồng/tháng... Chương trình này đã được Techcombank áp dụng từ cuối quý III/2016 và duy trì cho đến thời điểm này.
Đại diện của LienVietPostBank cho biết, hiện tại ngân hàng đang áp dụng nhiều Chính sách ưu đãi về phí và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng.
Một ngân hàng khá mạnh tay trong việc giảm phí nữa phải kể đến TPBank. Đại diện ngân hàng này mới đây cho biết, đã miễn phí thêm nhiều loại phí dịch vụ. “Hiện TPBank đang miễn hơn 60 loại phí dịch vụ, gồm rất nhiều các dòng sản phẩm như ebank, thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế TPBank Visa, thẻ tín dụng quốc tế TPBank, hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng, các dịch vụ về tài khoản, dịch vụ chuyển tiền, tiết kiệm...”, đại diện TPBank cho biết thêm.
Khối NHTM lớn cũng có sự chuyển mình mạnh đối với chủ trương giảm phí. Đơn cử như BIDV, giai đoạn 2016-2018, ngân hàng này đã giảm hoặc miễn phí 9 loại phí gồm: giảm phí chuyển tiền, miễn phí đăng ký sử dụng dịch vụ, miễn phí thường niên cho tất cả các dịch vụ BIDV online, BIDV Business, BIDV Bank Plus, BIDV Smartbanking...
Cổ phiếu Facebook giảm mạnh
Đêm 13/3, nền tảng ứng dụng công nghệ Facebook và Instagram gặp sự cố nghiêm trọng khi người dùng không thể truy cập bình thường. Điều này khiến người dùng và ngay chính bản thân Facebook gặp nhiều phiền toái và thiệt hại.
Một chuyên gia công nghệ cho biết, sự cố Facebook liên quan đến một công ty cung cấp Internet tại châu Âu. Trong khi đó, Facebook cho rằng, lỗi này không đến từ một đợt DDoS.
Tuy nhiên, đây chưa phải là điều tội tệ nhất của Facebook. Ngay trong ngày 14/3, hai giám đốc hàng đầu của Facebook Inc. quyết định rời công ty. Đầu tiên là Giám đốc sản phẩm Chris Cox đã quyết định rời khỏi Facebook với lời nhắn, với quyết định rời khỏi Facebook, ông sẽ cho phép ban lãnh đạo có thể thay đổi hướng đi.
Người thứ 2 rời khỏi ban lãnh đạo Facebook Inc là Chris Daniels, lãnh đạo WhatsApp. Ngay sau hàng loạt sự cố, cổ phiếu FB ngay lập tức giảm 1,6%. Chốt phiên giao dịch 14/3, cổ phiếu FB giảm 3,2 USD (tương đương 1,85%) xuống còn 170,17 USD/CP. Vốn hóa thị trường của Facebook rơi xuống còn 494,89 tỷ USD.
Chiều cùng ngày, nhiều cơ quan lập pháp liên bang Mỹ đang thực sự nghiêm túc trong việc truy tố hình sự các tội danh của Facebook, liên quan chủ yếu tới việc mua bán dữ liệu người dùng với nhiều đối tác công nghệ khác.
Không biết rõ liệu khi nào một phiên xét xử sẽ được mở ra và thông báo một cách công khai, nhưng hiện Facebook lại đang bị rà soát và điều tra ráo riết bởi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và các cơ quan khác. Cả bộ phận giải quyết lừa đảo của Bộ Tư pháp cũng đã vào cuộc cùng.