Sức ép cổ phiếu ESOP, tâm điểm BVH
Giao dịch đáng chú ý nhất sáng nay là BVH giảm giá hết biên độ, rơi xuống mức 82.400 đồng. Hết buổi sáng giao dịch 126.230 đơn vị nhưng đang có tới gần 1,81 triệu cổ phiếu tranh bán giá sàn.
Nguyên nhân khiến giá BVH giảm mạnh là BVH điều chỉnh loại chứng khoán từ hạn chế chuyển nhượng sang chuyển nhượng tự do đối với 60% lượng cổ phiếu ESOP từ năm 2018. Giá mua ESOP khoảng 35.000 đồng nhưng hiện giá trên sàn lên tới 82.400 đồng theo mức sàn hôm nay. Nhà đầu tư đã tranh nhau bán BVH vì lo sợ lượng cổ phiếu này sẽ bị bán ra trong thời gian tới.
BVH không nằm trong danh mục VN30 nhưng cũng là cổ phiếu khá lớn trong VN-Index. Mức giảm sàn sáng nay khiến vốn hóa của BVH bốc hơi tới trên 4.300 tỷ đồng, trở thành cổ phiếu tạo sức ép lớn nhất cho chỉ số này.
BVH đã rơi vào nhịp giảm ngắn hạn từ đầu tháng 3 nhưng cho tới phiên cuối cùng tháng 4 giá mới giảm gần 9,87%. Phiên hôm nay giá rơi 7%.
Ngoài diễn biến bất ngờ của BVH, thị trường nhìn chung giao dịch không có gì đặc biệt. VN30-Index vẫn đang tăng nhẹ 0,13% với 17 mã tăng/11 mã giảm. Cổ phiếu ngân hàng đang yếu nhất với VPB giảm 0,52%, VCB giảm 1,33%, TCB giảm 1,04%, HDB giảm 0,36%, CTG giảm 0,71%, BID giảm 0,43%, TPB giảm 0,23%. Hai mã tăng là EIB tăng 0,88% và MBB tăng 1,15%. Nhóm trụ giảm có thêm VHM giảm 0,54%, HPG giảm 0,3%.
Phía tăng, VNM tăng 0,92%, GAS tăng 0,89% là đáng kể nhất. Ngoài ra có VRE tăng 0,42%, VJC tăng 1,29%, SAB tăng 0,38%, MSN tăng 0,23%. Các mã này kéo VN30-Index hiệu quả hơn hẳn so với VN-Index và là nguyên nhân chính giúp chỉ số VN30 vẫn đang còn xanh.
Như vậy blue-chips cơ bản vẫn có số mã tăng áp đảo số giảm và đang cố gắng giữ nhịp cho các chỉ số. Phần lớn các cổ phiếu khác giao dịch đuối rõ rệt. Độ rộng chung của HSX chỉ là 96 mã tăng/169 mã giảm. Có tới trên 100 mã đang giảm quá 1%.
Sàn HNX cũng đang có chỉ số HNX30 tăng 0,29% với 9 mã tăng/17 mã giảm. PVS tăng 2,58%, VCG tăng 1,54%, PVI tăng 1,73% đang là các trụ chính. HNX-Index giảm nhẹ 0,11% với 45 mã tăng/60 mã giảm.
Điểm tích cực là thanh khoản đã gia tăng. Hai sàn khớp 1.628,8 tỷ đồng, tăng gần 29% so với sáng phiên trước. Gần 9% mức giao dịch này thuộc về ROS và cổ phiếu này đang giảm 1,78% so với tham chiếu. Rổ VN30 giao dịch tăng 26% về giá trị thì cũng chủ yếu là do ROS, cổ phiếu chiếm 20% giao dịch cả rổ.
Giá vàng hôm nay ngày 3/5/2019: Vàng chìm sâu dưới đáy
Tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.269 USD/ounce - giảm 13 USD so với ngày hôm qua.
Vàng tương lai giao tháng 6 giao dịch trên bộ phận Comex của Sàn giao dịch hàng hóa New York, đã giảm 0,7% ở mức 1.275,15 USD/ounce.
Giá vàng giảm mạnh do FED vẫn quyết định giữ nguyên mức lãi suất 2,25 – 2,5%.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 36,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,34 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50 nghìn so với ngày hôm qua.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,19 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,38 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại TP.HCM, giá vàng SJC ở mức 36,36 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá vàng 9999 trên thị trường được niêm yết: mua vào 35,99 triệu đồng, bán ra 36,44 triệu đồng một lượng.
Lãi suất ngân hàng Agribank mới nhất tháng 5/2019
Theo biểu lãi suất huy động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất huy động có kì hạn từ 1 tháng đến 24 tháng tại ngân hàng dao động trong khoảng từ 4,5%/năm đến 6,8%/năm đối với tiền gửi VND.
Cụ thể, lãi suất huy động kì hạn 1 tháng và 2 tháng đều ở mức 4,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm kì hạn 3 tháng là 5%/năm; Lãi suất kì hạn 6 tháng là 5,5%/năm; Lãi suất kì hạn 9 tháng là 5,6%/năm.
Đối với các kì hạn từ 12 tháng trở lên có cùng mức lãi suất là 6,8%/năm. Đây cũng là mức lai suất cao nhất tại Agribank.
Tiền gửi thanh toán và tiền gửi không kì hạn đều có cùng lãi suất là 0,2%/năm.
Trên biểu lãi suất huy động đối với khách hàng doanh nghiệp đầu tháng 5 chỉ thấy xuất hiện các kì hạn gửi từ 1 tháng đến 9 tháng với mức lãi suất tương đương với khách hàng cá nhân.
Agribank cũng huy động tiền gửi ngoại tệ như USD và EUR nhưng lãi suất là 0%/năm.
Giá Bitcoin tăng vọt
Bitcoin – tiền ảo vốn hóa lớn nhất thị trường lần đầu tiên đạt mức 5.500 USD kể từ tháng 8 năm ngoái và vừa kết thúc tháng 4 với mức tăng trên 30%. Bước sang tháng 5, giá Bitcoin tiếp tục tăng mạnh. Theo CoinMarketCap, 24 giờ qua, tiền ảo này đã tăng thêm 2,1% trong sáng nay lên 5.512,6 USD.
Vốn hóa thị trường cũng tăng thêm gần 2 tỷ USD, lên 97,4 tỷ USD, dù số lượng tiền cung ứng không đổi, khoảng 17,6 triệu đơn vị.
Trong nước, giá Bitcoin trên Remitano đang giao dịch mức 125,2 triệu đồng, tăng 2,7%. Không chỉ Bitcoin, giá Ethereum cũng tăng 0,08% lên 3,6 triệu đồng; giá Bitcoin Cash tăng 0,75% lên 6,1 triệu đồng.
Nhóm 10 đồng tiền ảo vốn hóa lớn sáng nay có sự biến động nhẹ. Trong khi Bitcoin, Ethereum, Litecoin, EOS… tăng trưởng thì Ripple, Bitcoin Cash, Tether, Stellar, Cardano quay đầu lao dốc.
Tăng mạnh nhất trong số này là Binance Coin với 8,36% lên 23,75 USD. Giảm mạnh nhất là Stellar với 0,7%, xuống 0,1005 USD.
Sau tháng 4 thành công, câu hỏi hiện nay là Bitcoin có tiếp tục tăng mạnh mẽ trong tháng 5 này? Murad Mahmudov, giám đốc đầu tư của Adaptive Capital, cho biết, Bitcoin có thể đạt mức 5.700 USD vào cuối tuần đầu tiên của tháng 5.
Lãnh đạo Adaptive Capital không đưa ra một dự đoán rõ ràng, nhưng ông tin rằng Bitcoin có khả năng đang đặt mục tiêu tiếp theo tại mức 6.400 USD.
Mạnh tay chi tiền quảng cáo, Sabeco lập kỷ lục về Doanh thu trong quý 1
Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (Mã CK: SAB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 với doanh thu thuần 9.337 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là quý 1 có doanh thu tốt nhất của Sabeco từ trước tới nay.
Tuy vậy, tốc độ tăng giá vốn hàng bán mạnh hơn cùng kỳ năm trước khiến lãi gộp Sabeco chỉ còn tăng gần 13% lên 2.191 tỷ đồng.
Trong kỳ, Sabeco ghi nhận doanh thu tài chính 172 tỷ đồng (chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay), tăng 25% so với quý 1/2018. Bên cạnh đó, Sabeco còn được hoàn nhập chi phí tài chính gần 4 tỷ đồng (do được hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư), cùng kỳ năm trước chi phí tài chính chiếm 5,4 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng trong kỳ tăng 16% lên 692 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí quản cáo, tiếp thị, hỗ trợ tăng 122 tỷ đồng lên 345 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 6% còn 166 tỷ đồng.
Kết quả, Sabeco ghi nhận 1.290 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2019, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.221 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quý 1 đạt 1.789 đồng.
Tại thời điểm cuối quý 1/2019, tổng tài sản Sabeco đạt 23.040 tỷ đồng, trong đó số dư tiền và tương đương (bao gồm các khoản gửi ngân hàng có kỳ hạn) lên tới 12.442 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tài sản công ty.