Phạt tới 100 triệu đồng nếu công ty chậm trả hoặc trả không đủ lương cho nhân viên
Mới đây, ngày 1/3 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định này quy định rõ mức phạt khi người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn.
Theo đó khoản 2, điều 16 quy định:
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Tuy nhiên một điều cần chú ý là mức phạt tiền quy định nói trên là mức phạt đối với cá nhân, trừ một trường hợp quy định cụ thể khác. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy nếu một doanh nghiệp chậm trả lương cho nhân viên với phạm vi từ 301 người trở lên sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng.
Thiếu gia nhà bầu Hiển lãi hơn 200 tỷ đồng sau 1 tháng mua cổ phiếu SHB
Phiên 6/3, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội quay đầu giảm, đánh dấu chuỗi tăng của 9 phiên giao dịch liên tiếp.
Tuy vậy, thị giá SHB cũng dao động quanh giá 12.500 đồng/cp, giảm hơn 3% so với tham chiếu. Nếu tính trong vòng 2 tuần qua, thị giá SHB tăng gần 80% với 4 phiên tăng trần.Trước đó, ông Đỗ Vinh Quang - con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) – Chủ tịch ngân hàng SHB đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/1-3/2 và trở thành cổ đông của SHB với tỷ lệ sở hữu gần 3%.
Trong khoảng thời gian ông Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500 đồng/cp, tương đương với tổng giá trị từ 215-235 tỷ đồng.
Trong khi đó, với vùng giá hiện tại, số cổ phiếu do ông Quang sở hữu có giá trị hơn 460 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 1 tháng, giá trị khoản đầu tư của con trai bầu Hiển đã tăng hơn 220 tỷ đồng.
Tin tức Giá vàng 24h mới nhất hôm nay 6/3: Bất ngờ vọt lên đỉnh
Giá vàng mới nhất hôm nay, giá vàng thế giới giao ngay tính đến 5/3 đứng ở mức 1.656 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.658 USD/ounce.
Tin tức giá vàng, Giá vàng hôm nay cao hơn 29,1% (373 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 45,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1,1 triệu đồng so với vàng trong nước.
Tin giá vàng, giá vàng thế giới tiếp tục tăng vọt lên ngưỡng cản quan trọng 1.650 điểm do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục lan rộng trên thế giới, diễn biến khó lường và tác động mạnh lên các thị trường.
Tin tức giá vàng, giá vàng trong nước chốt phiên ngày 5/3 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 thêm 100 ngàn đồng ở chiều mua vào so với phiên liền trước.
Chính phủ tung gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp
Ngày 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cho giải pháp này.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử trực tiếp cho người dùng dịch vụ, và trình Thủ tướng quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ giá trị nhỏ (dịch vụ mobile money).
Thủ tướng cũng yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong quý I và II.
Bộ này cũng cần trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... báo cáo Thủ tướng trong tháng 3. Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Với ngành giao thông, Thủ tướng giao Bộ Giao thông chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, hàng không, đường bộ, đường sắt...
Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành đề xuất cấp có thẩm quyền việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài...
Công ty chứng khoán dự báo thế nào về thị trường tháng 3?
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tâm lý thị trường đang chịu tác động từ cả diễn biến Covid-19 và hoạt động bán ròng của khối ngoại. Từ sau Tết Nguyên đán, có 8 phiên thị trường biến động trên 1% và thanh khoản trung bình tăng hơn 30%.
Báo cáo này dự đoán chỉ số đại diện cho sàn TP HCM sẽ dao động trong vùng 880-925 điểm. Hoạt động bán ròng của khối ngoại chỉ dừng hẳn, hoặc chuyển sang trạng thái mua khi tình hình dịch ổn định và nhiều Chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai. Nhà đầu tư được khuyến nghị không nên tham gia bắt đáy những cổ phiếu do khối ngoại nắm giữ nhiều trong giai đoạn này.
Báo cáo của BSC đưa ra hai kịch bản. Trường hợp tích cực thì VN-Index phục hồi sau đợt bán tháo, tích luỹ trên 925 điểm và có thể tăng dần lên 950 điểm vào cuối tháng nhờ thông tin tốt hỗ trợ. Ngược lại, chỉ số có thể đóng cửa dưới 873 điểm nếu Covid-19 diễn biến theo chiều hướng xấu hơn và áp lực xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài không dừng lại.
Bitcoin bật tăng, ‘hồi sinh’ nhiều tiền ảo
Bitcoin – tiền ảo phổ biến và giá trị hàng đầu thế giới đã hơn 2 tuần giao dịch dưới mức 9.000 USD. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Bitcoin đang cho thấy các tín hiệu tăng nhẹ. Nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp cho rằng Bitcoin sẽ sớm phục hồi và làm “hồi sinh” nhiều tiền ảo vốn hóa nhỏ hơn.
Theo đó, lúc 7h sáng nay 6/3, trên sàn Bitstamp, giá Bitcoin giao dịch mức 9.057 USD, tăng gần 3%, tương đương mỗi coin thêm 258 USD.
Tại Việt Nam, giá Bitcoin được điều chỉnh tăng 2,7% lên 210 triệu đồng.
Nhóm 10 tiền ảo hàng đầu sáng nay được bao phủ hoàn toàn bởi màu xanh tăng trưởng, khác hẳn sự ảm đạm trong ngày giao dịch liền trước. Nhiều nhà giao dịch tin rằng nếu đà tăng được giữ vững, Bitcoin sẽ sớm vượt xa ngưỡng 9.000 USD.