Phía sau những phạm nhân sớm nhận ra được những lỗi lầm của mình và cố gắng rèn luyện, cải tạo tốt không thể không nhắc đến sự tận tâm thầm lặng của các cán bộ, chiến sỹ trại giam.
Ở trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng vậy, bằng sự quan tâm, hết mực chăm lo cho cuộc sống của phạm nhân, các cán bộ, chiến sỹ đã cảm hóa được nhiều phạm nhân chịu mức án cao trở thành những người có ích cho xã hội.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các cán bộ, chiến sỹ nơi đây luôn vượt lên khó khăn, vất vả. Họ vui và hạnh phúc khi nhìn thấy được nụ cười và sự hướng thiện làm lại cuộc đời của mỗi phạm nhân.
Những người thầy không bục giảng
Trong chuyến công tác cuối năm tại trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), PV không chỉ được lắng nghe những tâm sự của nhiều phạm nhân mà còn xúc động khi cán bộ trại giam kể về những chặng đường gian nan và cuộc chiến thầm lặng của họ.
Với những chiến sỹ, cán bộ trại giam thì lễ tết lại là những ngày làm việc vất vả hơn lúc nào hết. Dù phải lo cho cuộc sống của các phạm nhân nhiều hơn gia đình và bản thân mình, nhưng họ lại coi đó là niềm hạnh phúc và chỉ có thế mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trò chuyện với Đại tá Ngô Văn Nguyên, Phó giám thị trại giam Xuyên Mộc, một lần nữa PV hiểu được sự gian nan và không ngừng cố gắng của các chiến sỹ, cán bộ trại giam từ những ngày ban sơ.
Đại tá Nguyên cho biết: “Tôi về công tác ở đây từ năm 1979, khi trại giam đang là một cánh rừng nguyên sinh hoang vu, rậm rạp. Lúc bấy giờ, vì phải sống chung với vô số muỗi, vắt nên có không ít chiến sỹ, cán bộ làm nhiệm vụ hy sinh vì bị sốt rét. Đường sá đi lại lúc bấy giờ cũng rất khó khăn”.
Vì điều kiện của trại lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn nên cuộc sống của các cán bộ, chiến sỹ trại giam đối diện với không ít thiếu thốn, vất vả.
Đại tá Nguyên cho hay: “Xuất phát từ những khó khăn chồng chất ấy nên những ngày đầu về đây công tác, tôi đã chứng kiến không ít phạm nhân tìm cách trốn trại. Bên cạnh đó, không ít cán bộ, chiến sỹ cũng hình thành ý định... bỏ trại. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và chia sẻ của anh em đồng đội, chúng tôi đã vượt qua những ngày tháng gian nan, khổ ải. Cho đến nay, sau 36 năm công tác, những khó khăn và sự hoang vu của trại đã trở thành quá khứ. Đó là nhờ công xây dựng và không ngừng cố gắng của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ”.
Đại tá Nguyên chia sẻ về công tác chuẩn bị tết cho phạm nhân (ảnh Thơ Trịnh).
Bằng cách lấy giáo dục đặt lên hàng đầu, cùng với việc không ngừng quan tâm chăm sóc, các cán bộ chiến sỹ trại giam Xuyên Mộc đã cảm hóa được nhiều phạm nhân, đặc biệt là những phạm nhân phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Để từ đó, họ yên tâm cải tạo, học tập với mong muốn trở thành người lương thiện khi được ra trại. Có một số phạm nhân bị án phạt tù nhiều năm lại có học vấn thấp luôn tìm cách chống đối lại quy định của trại cũng đã được các bộ, chiến sỹ trại giam Xuyên Mộc tận tình giáo dục cảm hóa.
Đại tá Nguyên cho biết: “Đó là trường hợp của phạm nhân Nguyễn Hồng Hải (hay còn gọi là Hải Bắc) bị phạt tù 3 năm về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, vì thái độ ngỗ ngược, không chịu cải tạo nên phạm nhân này đã có mặt ở hầu hết các trại giam từ Bắc chí Nam. Bị bắt từ năm 1990 nhưng đến nay, Hải vẫn phải đi cải tạo. Rất mừng là từ ngày được chuyển về trại giam Xuyên Mộc, phạm nhân này đã nhận ra được sai lầm của mình nên luôn chấp hành tốt nội quy của trại”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hằng, cán bộ quản giáo phân trại số 3 cũng kể về một phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: “Đó là trường hợp của một thanh niên bị đi tù chỉ vì sợ mất người yêu nên anh ta đã mắc tội hiếp dâm. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh éo le, là con một của một người mẹ tật nguyền, già yếu nên phạm nhân này đã không ngừng cố gắng cải tạo để mong có ngày gặp lại mẹ. Không những thế, phạm nhân này còn phấn đấu thi đua, đạt thành tích để được nhận tiền thưởng cuối năm. Khác với những người khác, phạm nhân này không tiêu xài những đồng tiền ít ỏi được khen thưởng mà nhờ cán bộ trại giam gửi về cho mẹ ở quê nhà”.
Đón Tết cùng phạm nhân
Chia sẻ với PV về công tác chuẩn bị cho phạm nhân ăn Tết Nguyên đán trong trại, Đại tá Nguyên cho hay: “Đối với anh em chiến sỹ trong trại thì ngày lễ tết của người dân lại là ngày trực chiến của mình. Cứ vào dịp tết, các cán bộ, chiến sỹ trại giam lại nỗ lực, làm việc hăng say để phạm nhân trong trại có một cái tết ấm áp, vui vẻ như bao người khác.
Theo đó, công tác chuẩn bị cho phạm ăn tết được chuẩn bị từ đầu tháng 12 âm lịch. Lượng thực phẩm dành cho phạm nhân ăn tết luôn được đảm bảo vệ sinh an toàn và tăng lên nhiều so với những ngày thường. Ngoài bánh kẹo, thịt... thì những cái bánh chưng, bánh tét mang hương vị của ngày tết cũng được các cán bộ, chiến sỹ tự tay gói để tặng cho phạm nhân”.
Năm nào cũng vậy, cứ đến thời khắc giao thừa chuẩn bị bước sang một năm mới, lãnh đạo trại giam lại xuống tận buồng giam tổ chức thăm hỏi, Chúc Tết phạm nhân. Không chỉ vậy, Đại tá Nguyên còn cho hay: “Nhiều cán bộ quản giáo, phụ trách còn vào tận nơi để nhận phần ăn những phạm nhân ốm đau, không đi lại được. Sự chia sẻ chân thành ấy đã khiến cho hầu hết phạm nhân nơi đây phải tâm phục, khẩu phục.
Nhiều phạm nhân mồ côi, không nơi nương tựa, án cao nhưng trước sự quan tâm của cán bộ trại, cũng là những người thầy, những phạm nhân này đã rèn luyện, cải tạo tốt. Nhìn nét mặt hồ hởi, vui vẻ của phạm nhân trong những ngày tết, chúng tôi như vơi đi phần nào những vất vả của mình. Mọi người đều lấy đó là niềm hạnh phúc, cũng là động lực để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Đại tá Nguyên chia sẻ thêm: “Ngoài việc chăm lo cuộc sống tinh thần, vật chất cho phạm nhân, lãnh đạo trại giam luôn tìm cách liên hệ với các đơn vị bên ngoài để tìm việc làm cho những người hoàn lương, cải tạo tốt. Mặc dù, đó không phải là công việc lý tưởng nhưng cũng giúp những người hoàn lương có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, xã hội sau một thời gian bị tách biệt. Cũng từ đó, giúp họ vơi đi sự tự ti, mặc cảm với người đời sau những lầm lỡ không mong muốn”.
Gần 40 năm công tác tại trại giam, những người như Đại tá Nguyên, Thiếu tá Hằng gần như dành trọn cuộc đời cho công việc. Theo đó, những lần đón giao thừa cùng gia đình được đếm trên đầu ngón tay. Dù thời gian dành cho phạm nhân nhiều hơn gia đình, người thân nhưng các cán bộ, chiến sỹ trại giam Xuyên Mộc luôn coi đó là niềm hạnh phúc.
“Là người thầy của phạm nhân, các cán bộ, chiến sỹ trại giam luôn xác định cho mình lập trường, tư tưởng vững vàng, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Để từ đó, mọi người vượt qua được những khó khăn của nghề nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ”, Đại tá Nguyên nói.
Phạm nhân được về trước thời hạn nhờ cải tạo tốt
Trong cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyên, PV được nghe kể về một phạm nhân ra tù trước thời hạn nhờ sự phấn đấu, không ngừng học tập, cải tạo tốt. Đó là phạm nhân Nguyễn Văn Thanh bị bắt vào năm 1993 và chịu mức án 20 năm tù vì tội lạm dụng chức vụ quyền hạn. Trong quá trình làm việc với phạm nhân này, tôi không khỏi xót xa khi biết được hoàn cảnh nghiệt ngã của gia đình Thanh. Vợ mất, hai con nheo nhóc bỏ đi sau ngày bố phạm tội.
Trong quá trình theo dõi, tôi thấy Thanh luôn cố gắng cải tạo, làm việc rất tốt nên đã động viên và tin tưởng cho phạm nhân này ra ngoài coi lô sản xuất. Sự tin tưởng của tôi đã không đặt nhầm chỗ bởi Thanh luôn hoàn thành những công việc được giao. Chính vì vậy, sau 12 năm cải tạo tốt, phạm nhân Thanh được trả tự do, trở về làm lại cuộc đời. Trước khi về, Thanh nói rằng tôi là người sinh ra Thanh một lần nữa. Điều đó đã khiến tôi xúc động và coi đó là kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của mình”.
Thơ Trịnh