Mới đây, một câu chuyện chia sẻ về người chị của mình nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 đã khiến nhiều người ngậm ngùi xúc động. Bài viết có tựa đề "Tôi đã lớn lên trên lưng chị cả".
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là ngày đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, những người phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực, xứng đáng với 8 chữ vàng mà bác Hồ trao tặng: "Cần cù, Bất Khuất, Trung Hậu, Đảm đang".
Ngoài những đóng góp cho xã hội những người phụ nữ ấy luôn có vị trí vô cùng quan trọng trong mỗi gia đình. Nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, để tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, các bạn đã giửi đến những người bà, người mẹ, bạn gái hay đồng nghiệp của mình những lời chúc như thế nào?.
Còn anh Hoàng A Sáng (Cao Bằng), anh đã chia sẻ một câu chuyện vô cùng xúc động về người chị gái tên là Hoàng Thu của mình. Bài viết là một món quà ký ức đẹp và ý nghĩa của người em trai gửi chị gái nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Đời sống Plus xin trích dẫn toàn bộ bức thư của anh Hoàng A Sáng.
Anh Hoàng A Sáng và chị Hoàng Thu |
Mở đầu bài viết có với dòng chia sẻ: "chia sẻ nhỏ của đứa em nhỏ" với nội dung:
"Có lẽ sự may mắn nhất đối với tuổi thơ của tôi là con út và lại có chị gái cả. Thời xưa là vậy, chị cả bao giờ cũng gánh một trọng trách vô cùng đẹp: cõng em, chăm em, dạy em... và cuối cùng là nuôi em đi học. Và tôi là một trong những đứa trẻ được tận hưởng trọn vẹn điều đó với chị cả của tôi.
Phải nói rằng tôi lớn lên trên lưng chị gái! Năm 1979 mà chúng tôi thường gọi là "chạy Tàu", chị cả khi ấy 12 tuổi, cõng tôi trên lưng leo núi vào hang trốn giặc Tàu. "Hai đầu gối cái Thu tím bầm, toe toét máu vì ngã, nhưng thằng A Sáng trên lưng vẫn cứ ngủ khò khò..." - mẹ tôi kể thế.
Sau này tôi luôn được chị cõng trên lưng: xay ngô, cuốc đất, nấu rượu, chăn lợn, giặt quần áo... đều có tôi trên lưng. Tôi quen hơi chị nên cứ không được cõng là khóc ầm lên. Tôi là út nên được cả nhà chiều, và vũ khí duy nhất của tôi là khóc nhè.
Mỗi khi tôi khóc thì chị cả lại dỗ, rồi tất nhiên phải cõng tôi mới nín. Mỗi sáng thức giấc bao giờ tôi cũng khóc thật to: "Chị Thu ơi!" Thế là chị cả lại lò dò cõng tôi đi tè... Cứ thế tôi được chị cả chiều chuộng nên rất hư - biết cách ăn vạ - biết cách để được cõng trên lưng. Mấy thằng bạn trong bản vẫn trêu tôi: chân dài thượt mà lúc nào cũng đòi cõng, động tí là khóc nhè gào lên: "Chị Thu ơi!". Kệ! Tôi vẫn cứ mè nheo thế, ai bảo tôi có chị gái cả cơ!
Rồi chị tôi vụt lớn thành sơn nữ - lại là sơn nữ xinh nhất bản - thậm trí xinh nhất vùng. Tất nhiên, trai bản mò đến xúm xít quanh nhà tôi. Nhưng bố tôi là người cực "rắn", lại là thầy giáo, kiêm trưởng bản nên không một trai bản nào đủ sức thuyết phục bố tôi. Hằng đêm tôi nằm yên trong lòng chị và nghe bố tôi nói chuyện: phải là con nhà tử tế mới gả, phải học đại học, phải có nghề nghiệp, phải có.... Cứ thế bố tôi dạy chị. Thỉnh thoảng tôi thấy chị tôi khóc, nước mắt lã chã.
Năm tôi 9 tuổi thì chị tôi lấy chồng! Một đám cưới từng bừng trong bản. Người Tày quê tôi có phong tục, khi cô dâu ra cửa về nhà chồng, em trai trong nhà phải quay lưng lại, không được đi theo (như mẹ tôi giải thích là giữ "lộc" nhà mình vì sợ con gái mang theo), tất nhiên tôi được chọn để quay lưng như thế. Nhưng tôi đã vụt chạy khi chị tôi bước ra khỏi nhà... Cứ thế tôi lẽo đẽo túm tay áo chị và đi theo. Nhà trai xì xào, ai đó ngăn cản, tôi đều kệ, tôi mếu máo nhìn chị và cả hai cùng khóc...
Đó là lần đầu tiên tôi ý thức mình "mất" chị thực sự! Có một cái gì đó sợ hãi, buồn bã, thậm trí hoảng hốt dâng lên trong tôi! Nhưng tôi vẫn tự nghĩ, có lẽ chỉ đến nhà chồng một hôm rồi chị tôi sẽ lại về... Bữa cơm tối đầu tiên khi vắng chị, cả nhà tôi im lặng, bố tôi nước mắt lưng tròng tu rượu ừng ực, mẹ tôi cúi mặt ăn nhọc nhằn. Còn tôi chốc chốc lại hỏi: "Chị Thu chưa về hả mẹ? Chị thu không về nữa hả bố"?.
Bố tôi buông chén rượu rầm một cái bỏ lên nhà, mẹ tôi quay mặt khóc thành tiếng, còn ông anh trai của tôi thì quát: im mồm! Lấy chồng rồi thì phải ở nhà chồng chứ về làm sao được!. Được thể, tôi lại khóc ầm lên. Nhưng lần này thì không ai dỗ tôi nữa, cũng không ai cõng tôi nữa, khóc chán thì phải tự nín thôi.
Sáng hôm sau, tôi chạy tắt qua rừng dẻ thì đến nhà chồng của chị tôi. Mẹ chồng chị tôi tươi cười dắt tay tôi vào nhà. Vừa nhìn thấy chị tôi òa khóc - khóc tức tưởi - khóc như chưa bao giờ được khóc! Có lẽ chị tôi ngượng lắm, nhưng tôi là trẻ con nên tôi thích thì tôi khóc thôi.
Sau này khi tôi đi học, tháng nào chị cũng gửi tiền cho tôi, trong thư câu đầu tiên bao giờ chị cũng viết: "Cậu Sáng thân yêu! Cố gắng học và đừng nghịch ngợm nhé. Bố vẫn khỏe, mẹ vẫn khỏe...". Cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ toàn bộ thư gửi tiền của chị tôi. Thỉnh thoảng tôi đọc lại, vừa ngậm ngùi, vừa hạnh phúc vừa thương chị cả mình. Đúng là có lúc tôi đã nghịch dại, rất hư, rất không nghe lời. Tôi đã không học môn toán của chị (chị tôi là giáo viên dạy toán), không làm cán bộ như mong ước của bố tôi...
Vâng, tôi đã lớn lên trên lưng chị tôi! Người phụ nữ đặc biệt quan trọng đối với tôi! Và hơi ấm ấy, năng lượng ấy đã nuôi dưỡng tôi trở thành một con người biết yêu thương, biết chia sẻ, biết sống thế nào để trở thành người bình thường.
Đó là điều may mắn nhất cuộc đời của tôi!".
Trang Vũ (Tổng hợp)