"Cái mô típ cũ mèm này trói buộc những người sáng tạo, từ biên kịch đến đạo diễn rồi diễn viên. Họ cố làm trò, cố nghĩ vài câu thoại móc máy, ám chỉ xa gần...", nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng viết.
Táo Quân 2019 là năm thứ 16 của chương trình, có lẽ vì thế mà ý tưởng, kịch bản ngày càng bị chê là tẻ nhạt, thiếu cuốn hút.
Ngay sau khi chương trình kết thúc, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều. Và mới đây nhất, nhà biên kịch Táo quân một thời Đỗ Trí Hùng đã có những chia sẻ về chương trình này.
Táo Quân 2019. |
Theo nhà biên kịch, ông đánh giá cao tài năng và sự khôn ngoan của đạo diễn Đỗ Thanh Hải:
"Tôi là người tham gia biên kịch bản Táo quân từ những ngày đầu, từ thời giám đốc VFC là NSND Khải Hưng, có thể nói NSND Khải Hưng là cha đẻ của Táo nhưng làm cho Táo cuối năm trở thành một thương hiệu trứ danh, thành món ăn mà cả thiên hạ mõm vẩu hóng mỗi độ Tết về, thì phải kể đến vai trò của đạo diễn trẻ tài năng, hiện là sếp của VFC, anh Đỗ Thanh Hải.
Bởi là người biên Táo từ lâu, tôi biết rõ, biên trò này khó khăn thế nào. Những năm 20xx phây búc phây biếc chưa có, mạng mủng chưa thông dụng như bây giờ, tôi thường được đạo diễn đưa cho tập báo tết, về đọc đê và tìm những sự kiện nổi bật ở mọi lĩnh vực, cả thành tích và những vấn đề tồn tại, lọc ra, biến hóa thành trò cho Táo diễn.
Biên xong, các biên tập xúm vào phán, rồi cùng sửa chữa, nát cả nước ra.
Ấy vậy mà khi dàn dựng, vẫn thay đổi, do quá trình tập, đạo diễn và các diễn viên vẫn nảy ra những sáng tạo ứng biến, hài hước và duyên dáng, phù hợp với cảnh huống mà chỉ có thể ngay tại hiện trường mới nảy ra được.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người khôn ngoan khi sử dụng không chỉ một biên kịch mà một nhóm, bởi một nhóm sẽ có nhiều cá nhân, mỗi cá nhân có một thế mạnh", ông viết.
Tuy nhiên, theo nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng thì chương trình Táo Quân ngày càng nhàm vì không chịu thay đổi:
"Vài năm gần đây, tôi không được các sếp chương trình mời biên nữa (chính xác là năm ngoái và năm nay), do tôi đã già, kém duyên dáng và thông minh đi và do nhiều người trẻ xuất sắc hơn tôi đã xuất hiện và biên khá hay!
Nhưng thật lòng thì, cũng từ hai ba năm trước, trong cuộc bàn bạc với vài đạo diễn của chương trình, tôi có nói rằng, nếu chương trình Táo Quân không có sự thay đổi thì sẽ nhàm, kiểu gì cũng nhàm, vì dù cho các biên kịch tài năng đến mấy, những diễn viên hài xuất sắc đến mấy, sự sáng tạo của đạo diễn bay bổng đến mấy, thì cái mô típ không thay đổi, khiến sản phẩm sẽ nhàm.
Rốt cuộc thì các Táo đầy khiếm khuyết lên chầu, gọi là báo cáo thành tích, thực chất là tự tố cáo mình như những kẻ ăn hại, và rốt cuộc thì ông Ngọc Hoàng già khắm vẫn là nhân vật sáng suốt nhất, úy lạo một tý, khuyên bảo một tý, và kết thúc là chỉ đạo, dạy dỗ...
Cái mô típ cũ mèm này trói buộc những người sáng tạo, từ biên kịch đến đạo diễn rồi diễn viên. Họ cố làm trò, cố nghĩ vài câu thoại móc máy, ám chỉ xa gần... chỉ để làm thỏa mãn bà con mõm vẩu.
Nhưng những người sành điệu thì bắt đầu chán. Họ chán từ năm ngoái. Tôi nhớ năm ngoái dư luận cũng kêu, cũng phản ứng, cũng đề nghị nên kết thúc Táo...
Năm nay cũng vậy, ngay trong khi chương trình đang phát sóng thì Facebook tràn ngập những status chê bai, thậm chí diễu cợt, chửi bới rất nặng lời.
Và không chỉ khán giả sành điệu – nhóm này thì đã đành rồi – mà cả nhóm bà con mõm vẩu như mẫu thân tôi, vừa xem vừa chê bai, thế là sao?
Trong nghệ thuật, vẫn như thế tức là thụt lùi. Kịch bản vẫn thế, diễn viên vẫn thế, tình huống đại khái vẫn thế... tức là chương trình đã dừng lại.
Tôi cũng từng đưa ý kiến, thay vì cái khung cũ, các Táo lên báo cáo, rồi tự bộc lộ khiếm khuyết, rồi xin lỗi, rồi nghe Ngọc Hoàng quán triệt dạy dỗ, thì làm hẳn cái khung mới, tức là tái cấu trúc chương trình, các Táo lên chính là để xét tội Ngọc Hoàng, rằng chính ông chỉ đạo từ cao nhất, rồi đến chúng tôi thực hiện, mới ra nông nỗi này... rồi họ cùng nhau cách chức Ngọc Hoàng...
Rồi từ nay, Ngọc Hoàng sẽ làm có nhiệm kỳ thôi....
Đại ý thế và tất nhiên phụ trách chương trình nhìn tôi cười, coi như tôi nói đùa tào lao, có đạo diễn thì bảo "Điên mới làm thế"
Tất nhiên ai cũng hiểu vì sao không thể làm thế!
Vì nghệ thuật mõm vẩu luôn dẫn đến ám chỉ, chụp mũ. Tôi bảo, đây là chuyện dân gian, chuyện tào lao, bản thân Ngọc Hoàng với Táo Quân đã là chuyện tào lao rồi, chúng ta đóng góp vào sáng tạo dân gian thôi, vì đến lúc chúng ta cũng trở thành dân gian, làm cho vui ngày tết thôi mà, sao không làm được? Liên quan gì đến ai đâu mà không làm được?
He he... không được là không được!
Cho nên tôi rất thông cảm với các nghệ sĩ sáng tạo chương trình. Giờ đã đến giai đoạn mà dù họ có tài thánh, cũng khó mà làm hay được nữa!
Ngay lúc này, khi gõ mấy dòng này, tôi nghe văng vẳng ngoài phòng khách tiếng anh Ngọc Hoàng – Quốc Khánh – đang quán triệt, dạy dỗ các Táo ở khúc cuối, soi gương soi ghiếc gì đó, nói thật là tôi phát ốm vì cái sự nhàm chán, quen thuộc gần như công thức của chương trình...
Biết sao được! Nhiệm vụ của họ là phải làm chương trình đó, đồng thời họ cũng không thể, không được phép làm mới hơn được!".
Những chia sẻ của nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng thu hút nhiều bình luận trái chiều của cư dân mạng. Tuy nhiên phần lớn đều ủng hộ và cho rằng Táo Quân ngày càng nhạt.