Từng áp dụng rộng rãi chương trình Công nghệ Giáo dục ở nhiều trường, nhưng đến năm 2000 TP. HCM đã chấm dứt thực hiện chương trình này.
Sở GD&ĐT TP. HCM vừa có thông tin chính thức về việc có áp dụng chương trình Công nghệ Giáo dục (CNGD) tại thời điểm này hay không, VnExpress đưa tin.
Trên thực tế, chương trình CNGD đã được áp dụng thí điểm từ năm học 1985-1986 và tiếp tục thực hiện tự nguyện rộng rãi ở các trường đến trước năm 2000.
TPHCM đã dừng triển khai chương trình Công nghệ giáo dục từ nhiều năm. Ảnh: Sài Gòn giải phóng |
Cụ thể, năm học 1985-1986, với tên gọi chương trình Thực nghiệm (sau này là CNGD) được thí điểm với 2 lớp 1 của trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1).
Các năm học tiếp theo được mở rộng sang trường tiểu học Thực nghiệm (sau này là trường tiểu học Văn Hiến); Tiểu học Lương Định Của (quận 3); Bàu Sen (quận 5); Đinh Tiên Hoàng (quận 9) và Lê Văn Sĩ (quận Tân Bình).
Không chỉ môn Tiếng Việt, tại các trường trên, môn Toán và Giáo dục lối sống được giảng dạy từ lớp 1 đến hết lớp 5.
Đến năm 1989-1990, trường tiểu học ở 23/24 quận huyện (trừ quận 4) đều thực hiện chương trình tự nguyện, không bắt buộc với học sinh lớp 1, chủ yếu là môn Tiếng Việt.
Bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại |
Khi sách giáo khoa năm 2000 của Bộ Giáo dục triển khai rộng rãi cả nước thì chương trình không còn được thực hiện tại TP. HCM.
Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT có đề nghị tiếp tục dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu CNGD ở các địa phương có nhu cầu và trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và các nhà trường.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, TP. HCM đã không triển khai chương trình Công nghệ giáo dục tại các trường tiểu học.
Lý do đưa ra là kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Quốc hội năm 2014, 2017 và chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã gần kề. Việc để giáo viên tiếp cận với chương trình khác trong khi dự kiến chương trình giáo dục phổ thông sắp ban hành, theo Sở Giáo dục TP HCM, là chưa phù hợp.
Như vậy, 2 thành phố lớn với số học sinh đông là TP. HCM và Đà Nẵng đến nay đều không áp dụng chương trình CNGD.
Trước đó, Đà Nẵng cũng là thành phố chưa thực hiện chương trình này.
Bà Hồ Thị Cẩm Bình – Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Đà Nẵng) chia sẻ trên Infonet, chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục thiên về phát triển ngữ âm, chủ yếu với học sinh có khó khăn về phát âm hoặc phát âm không chuẩn. Chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục đang được thành phố thực hiện ổn định, chất lượng của học sinh vẫn tốt nên không thí điểm sách này.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng khẳng định, việc thí điểm và thử nghiệm cần trên cơ sở phù hợp và có thể chấp nhận được.
“Mọi cái thí nghiệm, thực nghiệm phải được kiểm định một cách tương đối bài bản, chứ còn mới dự thảo mà đưa cho Đà Nẵng thử nghiệm thì không ủng hộ!” – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng nhấn mạnh.
Đến nay, CNGD đã được áp dụng tại 49 tỉnh, thành với hơn 800.000 học sinh. Trong đó, nhiều tỉnh như Nam Định, Hà Nam, Quảng Trị… áp dụng 100% tại các trường tiểu học ở địa phương.
Học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định) trong giờ học môn Toán chương trình công nghệ. (Ảnh: Vietnamnet) |
Tại Nam Định, 2 trường là Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP. Nam Định) và Tiểu học Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng) chọn đưa cả 3 môn Toán, Tiếng Việt và Giáo dục lối sống dạy thí điểm, theo Vietnamnet.
Trang Vũ (tổng hợp)