Trần Kim Tuyến trùm mật vụ Sài Gòn, một người chống Cộng quyết liệt đã được Phạm Xuân Ẩn cứu vào phút chót ngày 30/4/1975, lên chiếc trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn.
Việc cứu trùm mật vụ Trần Kim Tuyến của cố Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, rất nhiều năm về sau và cả bây giờ vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
Ngày 30/4/1975, khi các cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, những chiếc trực thăng chở người của chế độ cũ gấp rút di tản. Lúc này, bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị văn hóa xã hội (thực chất là cơ quan Mật vụ của chế độ Sài Gòn) Trần Kim Tuyến là nhân vật số 3 sau Ngô Đình Điệm và Ngô Đình Nhu. Sau đảo chính Ngô Đình Diệm, Tuyến bị bắt, rồi được thả. Là người của chế độ Sài Gòn, nhưng Trần Kim Tuyến hợp tác với CIA và tình báo Anh. Thời Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống, Tuyến làm việc đắc lực cho Thiệu nhưng cuối cùng quay ra chống Thiệu, ông ta là nhân vật chính trị quan trọng được cả Mỹ, Pháp và Anh quan tâm.
Video: Cuộc đời tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn
[mecloud]TRxDVivQpV[/mecloud]
Tuy nhiên, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ lại không tin tưởng để sử dụng bác sĩ Tuyến. Bị thất sủng, Tuyến như con sói cô độc. Khi quân ta tiến vào Sài Gòn, bác sĩ Tuyến đã tìm mọi cách để được lên trực thăng di tản nhưng đều thất bại. Cuối cùng, phải nhờ đến sự giúp đỡ của tướng Phạm Xuân Ẩn, Tuyến mới có thể lên chiếc trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Việc Phạm Xuân Ẩn giúp đỡ Trần Kim Tuyến rời Sài Gòn khiến báo chí phương Tây không sao hiểu nổi. |
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, tướng Phạm Xuân Ẩn cho biết: "CIA đã bố trí người đưa ông Tuyến đi, nhưng khổ nỗi người này bị tàn tật nên phải di tản trước, không thể ở lại được. Mà như tôi đã nói, ông Tuyến phải chờ đàn em mình được thả rồi mới đi. Lúc này tình hình đã trở nên hỗn loạn, ông ta gọi đến Tòa Đại sứ Mỹ thì nguời có trách nhiệm đưa đi đã đi rồi, gọi người khác thì người khác không biết. Không ai đưa được ông Tuyến vô Tòa đại sứ hết.
Ông Tuyến nhờ một nhà báo Mỹ, ông nhà báo này định dẫn đi nhưng không được vì không có tên trong danh sách. Hết cách, ông Tuyến đến Văn phòng báo TIME gặp tôi. Trong phòng tôi lúc này có 5 máy điện thoại dùng để liên lạc trong nước, quốc tế, dân sự, quân sự... ông Tuyến liên lạc điện thoại khắp nơi nhưng không có kết quả. Cuối cùng ông Tuyến nhờ tôi chở đến Tòa Đại sứ Mỹ 1 lần, 2 lần, 3 lần, đều không vô được. Trước Đại sứ quán Mỹ người đông nghẹt, vô cùng hỗn loạn. Nhiều bộ trưởng, tướng tá chen chúc nhau cũng không vô được. Tôi lại đưa ông Tuyến quay về văn phòng, gọi điện cho một ông bạn nhà báo Mỹ đang ở trong Tòa Đại sứ. Nghe tôi gọi ông vội vàng hỏi tình hình bên ngoài. Tôi ngắt lời: Thôi đừng hỏi nhiều mất thì giờ, tôi có ông bạn đang bị kẹt cần ông giúp. Hồi trước ông cũng đến xin tin tức ổng hoài, ông Trần Kim Tuyến đó. Ông báo cho các xếp CIA ngay để tìm cách cứu ổng: Tôi cho số điện thoại để liên lạc lại. Một lát sau, ông bạn nhà báo gọi lại bảo: Bây giờ chỉ còn một chuyến máy bay cuối cùng của CIA. Ông đưa ông Tuyến lại đấy nhanh lên, đưa lên thẳng chỗ chiếc trực thăng đang đậu. Ông ta cho tôi quy ước để hướng dẫn ông Tuyến biết cách lên thẳng chỗ máy bay. Nhưng lúc tôi đưa ông Tuyến đến tòa nhà để lên máy bay thì người lính Nùng gác ở đó kiên quyết không mở cửa...
Phạm Xuân Ẩn (phải) trong một lần trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Ông Ẩn kể tiếp: "Tôi yêu cầu người lính cho tôi gặp ông Polgar (Trưởng nhiệm sở CIA ở Sài Gòn, là người quen của ông Ẩn), nhưng anh ta dứt khoát không chịu, anh ta không tin tôi quen với Polgar. Chính lúc đó vợ người lính Nùng - đi chợ về, anh ta phải mở cửa cho vợ vào. Nhanh như chớp, tôi một tay giữ cửa, tay kia đẩy ông Tuyến vào luôn. Ông Trần Văn Đôn (trung tướng chế độ Sài Gòn) cũng đi trên chuyến bay đó, sau này đọc bài của ông Đôn trên báo chí nước ngoài tả lại, tôi biết ông Tuyến là người cuối cùng lên máy bay".
Câu chuyện này được báo chí nước ngoài bàn tán rất dữ. Tờ Newsweek đăng bài miêu tả sự kiện này với lời bình luận: "Thế là vị trùm mật vụ Sài Gòn đã được một điệp viên Hà Nội cứu thoát".
Nhiều nhà báo nước ngoài đến Việt Nam gặp lại Phạm Xuân Ẩn cũng không bỏ qua chi tiết đó. Họ không thể tự lý giải được nguyên nhân của sự kiện được coi vào loại chuyện lạ lùng nhất này của chiến tranh, nên họ đoán già đoán non rằng khi cứu thoát Trần Kim Tuyến, chắc ông Ẩn sẽ bị cấp trên làm khó dễ. Và sự đoán già đoán non này có vẻ như được củng cố khi họ thấy sau giải phóng Phạm Xuân Ấn không giữ một chức vụ quan trọng nào.
Trong tác phẩm X6 - Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman, ông Ẩn cũng lên tiếng về việc tại sao mình lại giúp Trần Kim Tuyến.
Ông thẳng thắn, việc giúp đỡ trùm mật vụ Sài Gòn xuất phát từ tình cảm cá nhân. Và việc đó ông cũng không xin phép cấp trên trước khi hành động. Chính điều đó đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi đối với ông. Tuy nhiên, rất nhiều lần ông khẳng định trong các cuộc phỏng vấn, việc ông cứu bác sĩ Tuyến không bị cấp trên làm khó.
Dưới đây là đoạn phỏng vấn ông Ẩn trả lời báo Thanh Niên về việc đã cứu Trần Kim Tuyến:
Nhưng Trần Kim Tuyến là kẻ thù của cách mạng ?
Tất nhiên rồi. Báo chí nước ngoài cũng hỏi tôi như vậy. Tôi nói hết chiến tranh rồi thì không nên coi là kẻ thù.
Sau khi sự việc diễn ra ông có báo cáo với cấp trên không ?
Không. Tôi nghĩ đây không phải là việc quan trọng phải báo cáo. Khi giải phóng, an ninh của ta tìm bắt Trần Kim Tuyến, có người bảo: "ông Ẩn đã đưa Tuyến đi rồi, còn đâu mà bắt". Người Việt Nam ta vốn có truyền thống nhân đạo, khi bị xâm lăng thì đánh đến cùng nhưng hết chiến tranh không trả thù ai.
Tổ chức có yêu cầu ông giải thích không ?
Không. Không có bất cứ ai đề cập đến việc này.
Ngoài ông Tuyến, ông có còn đưa ai đi nữa không ?
Có. Trước đó mấy ký giả báo Trắng Đen có nhờ tôi đưa một số người đi, toàn là đại tá, trung tá. Ngoài ra, tôi cũng giúp nhiều người khác nữa đi di tản. Có người tôi đưa đi, có người tôi chỉ cách đi.
Cấp trên cũng không ai nói gì ?
Không.
Sau giải phóng, ông Trần Kim Tuyến có liên lạc gì với ông không ?
Mấy ký giả nước ngoài viết về tôi có sang gặp ổng. Họ bảo, cả hai người ông tin nhất là Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn đều là cộng sản, ông thua là đúng rồi. Tôi nghe nói ông Tuyến nghe rồi lặng thinh không nói gì. Trước khi vợ ổng chết, ổng có báo tin cho tôi biết. Ông Tuyến thuộc loại mê vợ nhất trên đời. Vợ chết, 7 tháng sau ổng chết. Năm 1995, chừng 2 tuần trước khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Cũng theo tác phẩm X6 - Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman, tác phẩm được cho là ghi chép tỉ mỉ nhất về cuộc đời, sự nghiệp của tướng tính báo Phạm Xuân Ẩn. Ông cũng xác nhận, việc ông cứu Trần Kim Tuyến xuất phát từ tình cảm cá nhân, không vì một mục đích nào khác.
Lúc 11h20 ngày 20/9/2006, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời tại Quân y viện 175, TP. Hồ Chí Minh sau một thời gian lâm trọng bệnh.
Thuận Phong (tổng hợp)