Cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành truy quét và phát hiện nhiều cơ sở sản xuất mì đã sử dụng hóa chất độc hại nhằm làm tăng độ giòn dai và bảo quản lâu sợi mì.
Vừa qua, Trí thức trẻ dẫn nguồn từ Sina cho biết, Cục Vệ sinh thành phố Đài Trung đã phối hợp cùng cảnh sát kiểm tra 8 cơ sở chế biến mì từ khu vực Đông sang Tây thành phố và phát hiện có nhiều cơ sở sản xuất mì ở Trung Quốc đã sử dụng nhiều hóa chất độc hại để tăng độ giòn dai cho sợi mì và bảo quản mì được lâu hơn.
8 cơ sở chế biến mì có sử dụng nhiều hóa chất độc hại đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Sina |
Cụ thể, 5 cơ sở bị phát hiện có sử dụng chất phụ gia hydrogen peroxide một cách bất hợp pháp để bảo quản mì được lâu hơn. Bên cạnh đó 2 trong số 5 cơ sở này còn sử dụng cả hàn the để làm tăng độ giòn cho mì. Một là xưởng mì Vĩnh Phong tại khu Đông, chủ cơ sở sử dụng hàn the lẫn sodium borate (borax) nhằm tăng khẩu cảm và độ giòn sợi mì, cơ quan chức năng phát hiện được 40kg mì và đã tiêu hủy. Một xưởng mì khác ở khu Đông cũng đã thừa nhận hành vi trên.
Tổng khối lượng sản phẩm sử dụng phụ gia độc hại lên đến 250kg đã bị cơ quan chức năng tiêu hủy hoàn toàn.
Chia sẻ trên Sina, các nhân viên cục Vệ sinh Đài Trung cho hay, 5 cơ sở này chuyên bán lẻ mì tẩm phụ gia độc hại và hóa chất bất hợp pháp ra thị trường hoặc bán trao tay cho các sạp hàng nhỏ lẻ
Những hóa chất kể trên đều là chất có hại, nếu người tiêu dùng hấp thụ thường xuyên các sản phẩm có dư lượng hydrogen peroxine sẽ dẫn đến đau đầu, nôn mửa và nhiều triệu chứng khác. Ngoài ra chất borax ngấm vào cơ thể sẽ phản ứng với axit trong dạ dày tạo ra chất khó phân hủy, tích lại trong cơ thể con người gây nổi ban đỏ, rối loạn hệ thống tuần hoàn.
Cơ sở sản xuất mì đã sử dụng hàm lượng hóa chất metabisulfite natri quá cao. Ảnh: Internet |
Trước đó, vào năm 2014 tờ Chất lượng Việt Nam đưa tin cảnh sát Côn Minh (Trung Quốc) đã phát hiện một nhóm nhỏ các nhà máy hoạt động trái phép tại phía Tây Nam thành phố sản xuất mì nhiễm độc. Cơ quan chức năng phát hiện hàm lượng hóa chất metabisulfite natri trong mì ở mức khá cao.
Việc những nhà máy này sử dụng nhiều metabisulfite nguyên chất sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho người dùng, bao gồm: phản ứng hen suyễn, nôn, đau bụng, rối loạn hệ thống thần kinh trung ương, có thể dẫn đến tử vong.
Tại Trung Quốc, không chỉ Côn Minh hay Đài Trung sản xuất mì độc hại với quy mô lớn, mà nước này còn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất mì trên những thành phố khác, từ mì tươi tới mì tôm đóng hộp.
Mì tôm đóng hộp cũng chứa lượng DBP và DEHP cao gấp 197 và 114 lần so với mức quy định. Ảnh: Internet |
Theo tin tức từ NewsZing, các giáo sư của trường đại học Nông nghiệp tại Quảng Châu, miền nam Trung Quốc đã phát hiện ra chất dẻo độc hại có trong mì ăn liền và nước sốt. Theo Lưu Xuân Hoa – trợ lý giáo sư ĐH Nông nghiệp, sau khi tiến hành thí nghiệm các gói gia vị và loại cốc đựng mì ăn liền có thể thấy hàm lượng chất dẻo độc hại trong đó khá cao. Lượng DBP và DEHP trong gói gia vị cao gấp 197 và 114 lần so với mức cho phép.
Quy định chất lượng sản phẩm của Trung Quốc đã quy định rõ nồng độ cho phép tối đa của dư lượng DEHP trong thực phẩm chỉ là 1,5mg/kg, còn trong hương liệu là 60mg/kg. Ngay sau đó Tổng cục chất lượng hàng hóa và Bộ y tế Trung Quốc đã vào cuộc để làm rõ sự việc.
Hoài An (tổng hợp)