Làm trắng bún bằng hóa chất, nhuộm vàng cho gà bằng bột sắt,... đây là những vụ việc gây chấn động thị trường thực phẩm Việt Nam thời gian qua.
Cao su chiên xù giả dạng phô mai que
Nhiều thông tin về việc phô mai que bị làm giả từ cao su nhập từ Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Từ những năm 2013, thị trường Việt Nam phát hiện sự việc phô mai que được làm từ cao su. Điều này đã làm dậy lên một làn sóng tranh cãi, cũng như lo sợ của cộng đồng.
Bên cạnh những ý kiến cảnh giác, tẩy chay phô mai que thì cũng có một số ý kiến trái chiều, Theo đó, giá phô mai không quá đắt, người bán không cần thiết phải sử dụng cao su nhập từ Trung Quốc để kiếm lời.Vậy nhưng, việc có pha thêm phụ liệu để phô mai dai hơn là điều hoàn toàn có thể.
Đến thời điểm này vẫn chưa có ý kiến chính thức từ các cơ quan chức năng. Vậy nên, để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình, tốt nhất người dùng nên hạn chế ăn các món lạ, những món ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ tại quán vỉa hè.
Làm trắng bún nhờ hóa chất
Vụ việc làm trắng bún từ chất làm trắng quang học Tinopal đã được phanh phui từ năm 2013. Ảnh: Internet |
Cơ quan chức năng TP. HCM đã phát hiện ra vụ việc cơ sở sản xuất làm trắng bún từ chất làm trắng quang học Tinopal. Đây là hóa chất gây hại trực tiếp đến đường tiêu hóa, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm loét dạ dày, suy thận và ung thư.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện những hóa chất độc hại như axit oxalic, chất bảo quản Natri benzoat, tất cả các hóa chất này đều được sử dụng sai quy định về an toàn thực phẩm.
Nem chua làm từ bì lợn bẩn
Nem chua được sản xuất ồ ạt bằng hàng tấn bì lợn bẩn, dự trữ quá lâu. Ảnh: Internet |
Các cơ quan ngôn luận từng đưa tin về vụ việc tháng 4/2013, Phòng cảnh sát môi trường, công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và kiểm tra đột xuất một cơ sở sản xuất nem chua. Tại đây, phát hiện dự trữ 2,5 tấn bì lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hợp đồng mua bán hàng hóa hay hóa đơn chứng từ. Khi được hỏi về giấy kiểm định chất lượng vệ sinh thực phẩm, cơ sở này đã không xuất trình được đầy đủ.
Qua điều tra, công an Thanh Hóa cho biết, số bì lợn bẩn này được nhập về từ Nam Định trong khoảng thời gian gần một năm trước. Sau đó, số hàng được cấp đông, dự trữ khá lâu trước khi đưa ra sản xuất nem chua.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hàng tấn nem chua, kèm theo việc bán khoảng 50kg vì lợn bẩn dạng sợi cho các cơ sở sản xuất nem chua lân cận trong địa bàn TP.Thanh Hóa.
Mực khô làm từ xác động vật
Số mực khô giả phát hiện tại Quảng Trị đã được tiêu hủy. Ảnh: NewsZing |
Theo thông tin trên NewsZing, vào ngày 27/8/2013, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ 1,5 tấn mực khô xé nhỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sau đó, số hàng trên đã được gửi đến Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm của Sở y tế tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết quả, số hàng trên không phải là mực sấy khô. Còn cụ thể chúng được làm từ nguyên liệu gì thì rất khó xác định. Qua một số ý kiến và khảo sát, kiểm tra thì số lượng mực khô bị bắt giữ này có nhiều khả năng bị làm giả từ xác động vật, và toàn bộ lô hàng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập vào Việt Nam theo đường bộ.
Nhuộm vàng gà nhờ tẩm hóa chất
Các cơ sở giết mổ thường sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ để nhuộm da gà thành màu vàng hấp dẫn. Ảnh: Internet |
Ưu tiên hàng đầu của các bà nội trợ khi lựa chọn gà làm sẵn thường là lớp da gà có màu vàng bắt mắt. Tuy nhiên, không phải lớp da vàng nào cũng là tự nhiên, phần lớn có được màu sắc ấy vì người bán có sử dụng hóa chất nhuộm gà.
Theo thông tin trên NewsZing, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM đã phát hiện một cơ sở giết mổ gia cầm trái phép tại khu đất trống thuộc tổ 6, ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Theo khám xét, đoàn kiểm tra thu giữ được một số dụng cụ cùng hộp hóa chất màu vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại đây, gia cầm như gà, vịt sau khi được giết mổ sẽ được tẩm qua loại hóa chất màu vàng này để lên màu được đẹp mắt.
Trà chanh làm từ hóa chất và hương liệu
Chỉ cần 20.000 đồng/gr chất tạo màu và 30.000 đồng/gr chất tạo vị sẽ có được 500 lít trà chanh. Ảnh: Internet |
Từ 3 năm trở lại đây, trà chanh nhanh chóng trở thành đồ uống “hot” của giới trẻ. Dần dần xu hướng này được mở rộng ở nhiều vùng, từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh phía Nam, và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tuy nhiên, để dễ sinh lời từ mặt hàng này mà nhiều người bán hàng đã sẵn sàng sử dụng những nguyên liệu thải loại, không đạt chất lượng, thậm chí cả các chất hóa học nguy hiểm.
Chỉ cần sử dụng một ít phẩm màu, hóa chất là có thể “hô biến” thành hàng trăm lít trà chanh mát lịm. Cứ khoảng 500 lít trà chanh được làm từ 20.000 đồng/1 gram hương liệu tạo màu, thêm 30.000-40.000 đồng/100ml hương liệu tạo vị.
Theo thông tin trên Tiền phong, tại hội thảo khỏe và an toàn do Viện thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức, đã công bố 9 mẫu trà chanh, trà xanh, nhân trần,... lấy ngẫu nhiên từ các con phố ở Hà Nội. Kết quả cho thấy, tất cả 9 mẫu nước đều chứa vi khuẩn E.coli, men mốc, các kim loại nặng như thủy ngân, cadmi. Tất cả đều vượt xa giới hạn cho phép trong quy định an toàn thực phẩm.
Hoài An (tổng hợp)